Nhận định thị trường ngày 14/2: ẩn số 259 triệu cổ phiếu về tài khoản

(ĐTCK) Phiên giao dịch 14/2 là phiên T+3 của phiên thanh khoản tăng mạnh ngày 11/2, với 259 triệu cổ phiếu về tài khoản trên hai sàn. Áp lực chốt lời dự báo vẫn ở mức cao. Tuy nhiên với thực tế dòng tiền tham gia thị trường tích cực hiện tại, diễn biến giằng co dự báo không nhiều.
Nhận định thị trường ngày 14/2: ẩn số 259 triệu cổ phiếu về tài khoản

ĐTCK lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 14/2.

Giằng co sẽ không nhiều  

(CTCK Sài Gòn Hà Nội - SHS)

Áp lực chốt lời diễn ra khá mạnh khi VN-Index tăng đến mức đỉnh gần nhất 565 điểm. Mức độ biến động giá toàn thị trường trong phiên khá mạnh, dù chỉ số chung vẫn duy trì mức tăng điểm trong suốt phiên giao dịch, nhờ diễn biến tăng khá của cổ phiếu GAS, MSN. Điểm tích cực là lực cầu tham gia thị trường vẫn tốt và ổn định, thị trường đóng cửa sát mức cao nhất trong phiên, lượng cổ phiếu tăng điểm vẫn chiếm đa số.

Chỉ số HNX-Index cũng ghi nhận phiên tăng điểm với thanh khoản tăng so với phiên trước. Dòng tiền có xu hướng quan tâm hơn đến sàn HNX, với diễn biến tích cực của nhóm cổ phiếu chứng khoán, dầu khí.

Phiên giao dịch 14/2 là phiên T+3 của phiên thanh khoản tăng mạnh ngày 11/2, với 259 triệu cổ phiếu về tài khoản trên hai sàn. Áp lực chốt lời dự báo vẫn ở mức cao. Tuy nhiên với thực tế dòng tiền tham gia thị trường tích cực hiện tại, diễn biến giằng co dự báo không nhiều. Thị trường vẫn đang trong xu hướng tăng điểm với ngưỡng cản kỹ thuật gần nhất của VN-Index là khoảng 590-600 điểm, HNX-Index là khoảng 78-80 điểm.

Nhà đầu tư nên tiếp tục nắm giữ cổ phiếu, khi xu hướng tăng điểm của thị trường vẫn đang duy trì. Việc lựa chọn cổ phiếu nên quan tâm đến yếu tố cơ bản, thuộc ngành nghề được đánh giá triển vọng như dầu khí, xuất khẩu, xây dựng, vật liệu xây dựng, bất động sản, được dòng tiền quan tâm.

Hai chỉ số có thể tiếp tục chinh phục các mốc điểm cao hơn

(CTCK Bảo Việt - BVSC)

Quy mô của dòng tiền vào thị trường trong đợt tăng hiện tại của VN-Index vẫn đang là ẩn số đối với nhà đầu tư.

Việc dòng tiền không ngừng đổ vào thị trường với khối lượng lớn đã khiến cho vai trò của các ngưỡng kháng cự chỉ còn mang tính chất tương đối. Dòng tiền này một phần xuất phát từ khối ngoại với bốn phiên mua ròng lớn liên tiếp gần đây nhưng đóng vai trò chủ đạo vẫn là sự hưng phấn của dòng vốn nội.

Dường như kỳ vọng về đà hồi phục kinh tế tốt hơn đi kèm sự cải thiện trong kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp cùng khả năng ban hành các chính sách mới nhằm thúc đẩy thị trường đã khiến tâm lý nhà đầu tư ngày càng tích cực.

Dẫu vậy, khi đầu tư theo xu hướng dòng tiền, nhà đầu tư cần theo dõi chặt chẽ về thanh khoản cũng như độ rộng tăng điểm của thị trường. Đồng thời cần có hành động nhanh khi dòng tiền có xu hướng đổi chiều đột ngột.

Với khả năng cả hai chỉ số có thể tiếp tục chinh phục các mốc điểm cao hơn, nhà đầu tư được khuyến nghị duy trì danh mục trung hạn và có thể xem xét mua vào một phần danh mục ngắn hạn nhưng với tỷ trọng nhỏ.

Các nhóm cổ phiếu khuyến nghị bao gồm chứng khoán, khí gas, cao su chế biến và một vài mã bất động sản chọn lọc có khả năng có kết quả kinh doanh năm 2013 khả quan.

Sẽ có giằng co mạnh nhưng vẫn tăng

(CTCK Maritime Bank – MSBS)

Thị trường đang rất hưng phấn với tâm lý khá vững vàng của nhà đầu tư. Điều chỉnh chỉ xuất hiện trong phiên nhưng không diễn ra trên diện rộng.

Thị trường vẫn có nhiều cổ phiếu tăng điểm trong bối cảnh có điều chỉnh. Đây chính là tín hiệu tốt bởi dòng tiền luân chuyển ngay giữa các cổ phiếu và không rời bỏ sau khi chốt lời.

Trong phiên 14/2, thị trường sẽ có giằng co mạnh nhưng xu thế tăng điểm vẫn tiếp diễn.

Nhà đầu tư có thể cân nhắc chốt lời ở những cổ phiếu đã tăng nhiều thời gian qua và xem xét giải ngân ở những cổ phiếu chưa tăng mạnh, cơ bản tốt.

Chú ý “cú lắc” như phiên 11/2

(CTCK Đầu tư Việt Nam - IVS)

Dù vẫn có những rung lắc nhất định nhưng cuối cùng thì cả hai chỉ số đã có cú bứt phá ngoạn mục. Chốt phiên tại vùng 570 điểm là khoảng cách an toàn và điều này sẽ hướng chỉ số thẳng tới vùng cao mới. Nhiều cổ phiếu bắt đầu tạo đà tăng mới và bứt mạnh ra khỏi khu vực lình xình cho phép cổ phiếu đó có một khoảng tăng giá nữa. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là lượng tiền ở đâu nhiều đến vậy?

Chỉ tính trong 6 phiên sau kỳ nghỉ lễ thì cả hai sàn đã có hơn 1,2 tỷ cổ phiếu được giao dịch với giá trị lên đến gần 17 ngàn tỷ đồng? Điều này sẽ khó có thể là dòng tiền thực mà chắc chắn sẽ rất nhiều nhà đầu tư phải sử dụng đòn bẩy một cách quá mức.

Nhưng dù gì thì thị trường vẫn cho thấy khả năng sẽ tiếp tục tăng thêm một khoảng nữa. Nhóm cổ phiếu thị giá vừa, và kể cả nhóm nhỏ như LCG, SCR, ASM, ICG...sẽ cùng bắt nhịp vào đà tăng này. Trong khi những cổ phiếu cơ bản như HSG, CSM, DRC, HSG... sẽ khó có cơ hội tăng điểm mà chỉ duy trì nhờ lực mua từ khối ngoại. Điều này cũng bởi nhà đầu tư bắt buộc phải bán ra để có tiền cho các khoản đầu tư khác.

Phiên ngày 14/2 sẽ là phiên mà khối lượng ngày 11/2 kỷ lục của HOSE giao dịch. Do đó nguồn cung sẽ là đáng kể và áp lực này chắc chắn sẽ dành cho những cổ phiếu có đà tăng mạnh vừa qua như SSI, CII, HBC, HAG ...Trong khi một số mã mới bứt phá như MBB,VND, KLS, CTS, ... có thêm một nhịp tăng mới.

Tuy nhiên, chúng tôi bắt đầu đề cập đến yếu tố rủi ro kể từ giai đoạn này. Nhà đầu tư đang mải mê với chiến thắng và cố gắng dồn dòng tiền vào những cổ phiếu khác nhau, đặc biệt là chưa tăng giá trong khi đang dần xa rời những cổ phiếu cơ bản có tính chất phòng thủ. Hơn nữa mức độ giao dịch như vừa qua cũng cho thấy tình hình sử dụng tài chính của nhiều nhà đầu tư trở nên quá đà.

Một cú lắc của phiên 11/2 chưa là gì nhưng liên tiếp những cú như vậy thì hệ lụy là khó nói. Vì thế nhà đầu tư dù vẫn tận dụng cơ hội nhưng nên quan tâm đến rủi ro cho các khoản đầu tư của mình.

Lưu ý rủi ro điều chỉnh

(CTCK FPT - FPTS)                                                                      

Thị trường trong phiên 13/2 tiếp tục thể hiện được sức mạnh của mình, chỉ số VN-Index đóng cửa tiếp tục tạo lập mức điểm cao mới trong nhiều tháng qua.

Quan sát diễn biến, có thể thấy lực cầu vẫn luôn chủ động trong suốt phiên giao dịch nhờ có sự tham gia tích cực của khối ngoại và tâm lý lạc quan từ phiên giao dịch liền trước. Mặc dù bên bán vẫn có dấu hiệu chốt lãi mạnh tại một số thời điểm nhưng không xuất hiện áp lực bán tháo về cuối phiên như nhiều nhà đầu tư đã lo lắng. Thanh khoản cùng diễn biến của thị trường tích cực hơn qua từng phiên, thể hiện rõ sự tham gia của dòng tiền mới đưa chỉ số hồi phục lên mức cao.

Trong ngắn hạn, những thông tin về triển vọng năm 2014 của thị trường cũng như một số doanh nghiệp sẽ được kỳ vọng tiếp tục hỗ trợ xu thế thị trường và khả năng cao là sự lạc quan này sẽ kéo dài trong những phiên giao dịch tiếp theo.

Tuy vậy, rủi ro điều chỉnh và sự xuất hiện của những phiên rung lắc mạnh vẫn cần được lưu ý do các chỉ số vẫn chưa có được nhịp điều chỉnh thực sự sau chuỗi tăng mạnh nhiều phiên liên tiếp, ngoài ra tâm lý chốt lời có thể sẽ mạnh hơn trong tuần giao dịch tiếp theo khi mà khối lượng lớn cổ phiếu về tài khoản đều đạt mức sinh lời khá tốt.

Theo đó, chúng tôi tiếp tục khuyến nghị nhà đầu tư không nên mua đuổi giá tại các thời điểm thị trường tăng mạnh, có thể cơ cấu một phần danh mục sang những cổ phiếu chưa tăng nhiều và có yếu tố cơ bản hỗ trợ.

Thận trọng trong việc mua đuổi

(CTCK MB - MBS)

Thị trường 13/2 đi lên khi cả VN-Index và HN-Index cùng tăng điểm, thanh khoản ở mức trung bình khá.

Cổ phiếu đáng chú ý trong rổ VN30 có CII (tăng 1,4 điểm). Các nhà đầu tư nước ngoài mua ròng trong phiên với giá trị lớn, hoạt động giao dịch ở mức cao. Giao dịch đáng chú ý của họ có DRC (mua vào 14,2 tỷ đồng) và GAS (mua vào 10,8 tỷ đồng).

VN-Index phiên này diễn biến khá tích cực khi giữ được ở mức 570 điểm sau khi retest tại mức 565 điểm.

Chúng tôi đánh giá thị trường tương đối tốt, tuy nhiên hiện tại đa phần các cổ phiếu đã đi lên được một khoảng cách, do vậy các nhà đầu tư cần thận trọng trong việc mua đuổi.

Giải ngân vào cổ phiếu cơ bản tốt, mới tham gia vào sóng tăng điểm

(CTCK Rồng Việt -VDSC)

Sau phiên bứt phá trước, xu hướng tăng điểm của VN-Index được duy trì với lực cầu áp đảo. Thanh khoản trong các ngày gần đây cũng thể hiện sự ổn định với khối lượng trung bình trên 100 triệu cổ phiếu. Đóng góp cho mức tăng này là việc rót vốn liên tục vào hai thị trường của các tổ chức nước ngoài với tổng giá trị khoảng 421 tỷ đồng tính từ đầu tuần. Như vậy, thanh khoản và vốn nước ngoài là một trong các yếu tố hỗ trợ cho đà tăng của VN-Index, làm suy yếu các đợt điều chỉnh mạnh trong xu hướng tăng nóng của chỉ số này.

Trong ngắn hạn, chúng tôi tin tưởng dòng tiền đủ mạnh để giúp VN-Index gia tăng động lực tăng giá. Cùng với kỳ vọng về vĩ mô, tâm lý nhà đầu tư sẽ duy trì được sự hứng khởi hiện tại.

Do vậy, chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư có thể tìm kiếm các cổ phiếu có cơ bản tốt nhưng chỉ mới bắt đầu tham gia vào sóng tăng điểm hiện nay để giải ngân.

N.Tùng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục