Nhận định thị trường ngày 10/8: Kiểm định mốc 600

(ĐTCK) Với thanh khoản yếu cùng vũng trống thông tin hỗ trợ, hầu hết các công ty chứng khoán đều nhận định thị trường không mấy khả quan, chỉ số Vn-Index sẽ tiếp tục kiểm định ngưỡng hỗ trợ mạnh 600 điểm.
Nhận định thị trường ngày 10/8: Kiểm định mốc 600

VN-Index kiểm tra lại ngưỡng hỗ trợ 600

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

Chúng tôi bảo lưu quan điểm tích cực dành cho thị trường trong trung hạn đến cuối năm. Dù vậy xét ngắn hạn, triển vọng thị trường hiện chỉ ở mức trung bình. VN-Index đang kiểm tra lại khu vực hỗ trợ 600 và có thể sẽ dao động tích lũy đi ngang trong một khoảng thời gian tới.

Thị trường tiếp tục rung lắc

CTCK BIDV (BSC)

Thị trường vẫn đang tiếp tục rung lắc để kiểm định lại ngưỡng hỗ trợ 600 điểm như chúng tôi đã đề cập trong thời gian gần đây. Khối ngoại hiện đang tiếp tục mua ròng nhẹ. Nếu quá trình này còn tiếp tục, thị trường nhiều khả năng sẽ giữ vững được ngưỡng hỗ trợ 600 điểm.

Nhà đầu tư ưa mạo hiểm tiếp tục cân nhắc giải ngân thăm dò tại các phiên giảm điểm. Nhà đầu tư thận trọng nên tiếp tục đứng ngoài quan sát diễn biến của thị trường.

Trong trung hạn, VN-Index vượt đỉnh 645 điểm

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Tuần qua đánh dấu hai thái cực trong các tin tức liên quan đến tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Nếu như ngay trong ngày đầu tuần, thất bại của vòng đàm phán tại Hawaii đã khiến không ít nhà đầu tư trong nước thất vọng thì ngay sau đó đàm phán về Hiệp định FTA giữa Việt Nam và EU được công bố đã hoàn thành 99%.

Việc FTA với EU sớm được ký kết và thực thi sẽ giúp Việt Nam có lợi thế rất lớn và mang lại cơ hội vượt lên các đối thủ cạnh tranh có cùng ngành hàng xuất khẩu như Việt Nam trong khu vực như Trung Quốc, Malaysia, Indonesia (do các nước này chưa khởi động đàm phán FTA với EU)… Tuy nhiên, diễn biến trên thị trường chứng khoán tuần qua cho thấy nhà đầu tư có phần thất vọng với Hiệp định TPP nhiều hơn là những hứng khởi do FTA với EU mang lại.

Mặc dù vậy, chúng tôi cho rằng TPP vẫn còn có cơ hội để kết thúc trong năm nay, đặc biệt trong giai đoạn nước rút một hai tháng tới khi các nước thành viên vẫn đang rất nỗ lực và đều mong muốn kết thúc đàm phán hiệp định này.

Các trở ngại cuối cùng liên quan đến các ngành nông sản, ô tô, sữa, dược phẩm giữa các đối tác lớn như Mỹ, Nhật Bản, Canada, Mexico nhiều khả năng sẽ được giải quyết thông qua các cuộc đàm phán song phương trong thời gian tới. Xác xuất cho khả năng TPP được thông qua trong năm nay được BVSC đánh giá ở mức 7/10.

Nhập siêu ước đạt 3,4 tỷ USD trong bảy tháng đầu năm.Trong tháng 7, xuất khẩu của Việt Nam ước đạt 14,5 tỷ USD, tăng 1,2% so với tháng trước (số đã được điều chỉnh lại) trong khi nhập khẩu ước đạt 14,8 tỷ USD, tăng 2,3% so với tháng 6.

Tính chung bảy tháng đầu năm nay, tốc độ tăng của kim ngạch xuất khẩu (9,5% so với cùng kỳ) vẫn thấp hơn tương đối so với mức tăng của kim ngạch nhập khẩu (16,4% so với cùng kỳ).

Sự khó khăn của xuất khẩu chủ yếu rơi vào nhóm hàng khoáng sản và nông thủy sản khi giá thế giới các mặt hàng này liên tục giảm. Cụ thể, xuất khẩu dầu thô giảm 0,3% về lượng và 47,1% về giá; than đá giảm tương ứng 73,1% và 60,6%; cà phê giảm 33,2% và 33%; gạo giảm 3,5% và 8,7%; thủy sản giảm 15%.

Mức nhập siêu 300 triệu USD trong tháng 7 đưa tổng mức thâm hụt cán cân thương mại của Việt Nam từ đầu năm lên 3,4 tỷ USD, tương đương 3,6% tổng kim ngạch xuất khẩu. BVSC dự báo với gia tốc như hiện nay, nhập siêu trong cả năm 2015 sẽ ở mức 6-7 tỷ USD, trái ngược hẳn với trạng thái xuất siêu nhẹ hai năm vừa qua nhưng cũng chưa gây ra rủi ro quá lớn cho việc điều hành tỷ giá của NHNN.

Hiện xu hướng tăng trung hạn với khả năng VnIndex vượt đỉnh năm 2014 tại 645 điểm vẫn được bảo lưu. Nhà đầu tư có thể xem xét mua vào một phần danh mục khi chỉ số về lại ngưỡng hỗ trợ quanh 600 điểm, ưu tiên các nhóm được hưởng lợi từ quyết định nới room và nhóm cổ phiếu cơ bản. Đồng thời, nhà đầu tư có thể áp dụng chiến lược trading quay vòng một phần danh mục khi chỉ số tiếp cận vùng cản gần tại 610-615 điểm.

VN-Index chuyển sang xu thế giảm trong ngắn hạn

CTCK Sài Gòn Hà Nội (SHS)

Những lo ngại về việc yếu tố tâm lý của nhà đầu tư sẽ tiếp tục không được cải thiện trong bối cảnh thiếu vắng thông tin hỗ trợ trong tuần tới cộng thêm rủi ro tỷ giá tác động tới hoạt động giao dịch của khối ngoại sẽ khiến dòng vốn tạm thời chưa có động lực để quay lại thị trường trong ngắn hạn. Tuy vậy sự phân hóa sẽ diễn ra tại các mã có thông tin tích cực về KQKD quý II được tiếp tục hé lộ trong tuần tới.

VN-Index đã chính thức chuyển sang xu thế giảm điểm trong ngắn hạn. Các phiên thị trường hồi phục là cơ hội tốt để giảm tỷ trọng danh mục về mức an toàn. Nhà đầu tư được khuyến nghị nên tiếp tục đứng ngoài chờ các tín hiệu đảo chiều rõ ràng hơn của thị trường.

Thị trường lình xình cho đến khi thanh khoản cải hiện

CTCK Rồng Việt (VDSC)

Hiện tại, mốc 600 điểm đang được xem là ngưỡng hỗ trợ về mặt tâm lý cho VNIndex. Tuy nhiên, như đã đề cập trước đó, cho đến khi thanh khoản có sự cải thiện tích cực, chúng tôi cho rằng VNIndex vẫn sẽ biến động quanh mức hiện tại. Với kịch bản này, những NĐT ngắn hạn và chấp nhập rủi ro cao có thể thực hiện chiến lược mua trong phiên đỏ và bán vào phiên xanh ở các cổ phiếu thuộc nhóm vốn hóa trung bình – thấp.

Thanh Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục