Nhận định sự khác biệt để có chính sách tiền tệ hợp lý

(ĐTCK) Mọi biện pháp chính sách được đề ra đều dựa trên mục tiêu cuối cùng cần đạt được, những diễn biến thực tế và xu hướng trong tương lai. Chính sách tiền tệ (CSTT) về mặt lý thuyết cũng như thực tiễn cho thấy có tác động trễ đến các biến số kinh tế vĩ mô, nhưng mức độ và độ trễ bao nhiêu tùy thuộc vào những phản ứng thực tế của các thành viên thị trường. Đây là vấn đề cần được các nhà hoạch định CSTT quan tâm.
Tính an toàn của hệ thống tài chính quốc gia là ưu tiên hàng đầu của chính sách tiền tệ

Đánh giá chung để…

Trong bối cảnh toàn cầu hóa như hiện nay, CSTT của một quốc gia, nhất là quốc gia đang phát triển khó có thể tách khỏi xu hướng CSTT của các nước lớn. Hiện nay, khủng hoảng tài chính, tín dụng ở Mỹ đã lan sang châu Âu, châu Á với sự phá sản và gặp khó khăn tài chính của hàng loạt ngân hàng lớn. Danh sách các ngân hàng phá sản, gặp khó khăn và cầu cứu chính phủ ngày càng dài, từ Lehman Brothers, Bear Stearns, Merrill Lynch, Morgan Stanley của Mỹ cho đến Fortis của châu Âu. Cùng với đó là TTCK chao đảo, biến động tăng giảm với biên độ lớn (từ 5% đến10%), đồng USD giảm giá so với hầu hết các ngoại tệ khác, giá vàng liên tục đảo chiều, giá dầu đang ở mức kỷ lục trong 6 tháng đầu năm 2008, sau đó đảo chiều nhanh chóng, đến nay đứng ở mức giá thấp, dao động quanh 40 USD/thùng.

Trong bối cảnh đó, ngoài việc bơm vào thị trường hàng trăm tỷ USD, các nước lớn như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Liên minh châu Âu đều thực thi CSTT nới lỏng với việc ngân hàng trung ương (NHTW) các nước này đồng loạt hạ lãi suất tiền gửi. Cụ thể, FED đã hạ lãi suất Fund FED xuống còn 1% vào ngày 29/10/2008, NHTW Trung Quốc giảm lãi suất tiền gửi từ 3,87% xuống còn 3,6%, NHTW Nhật Bản đưa lãi suất cơ bản đồng yên xuống còn 0,3%, NHTW châu Âu giảm lãi suất euro xuống còn 3,25%...

NHTW của hầu hết các nền kinh tế chủ chốt thực hiện CSTT và tài khóa nới lỏng là xuất phát từ tình hình hiện tại cũng như xu hướng sẽ diễn ra trong tương lai, đó là: (i) Các nước này đã lâm vào tình trạng suy thoái kinh tế: kinh tế Mỹ trong quý III/2008 tăng trưởng âm (-0,5%), kinh tế châu Âu cũng tăng trưởng âm trong quý III và dự báo tăng trưởng năm 2008 chỉ vào khoảng 1,4%, kinh tế Nhật Bản cũng rơi vào suy thoái, kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại; (ii) Bên cạnh đó thì xu hướng giảm phát cũng đã xuất hiện tại các nền kinh tế nói trên, xu hướng đó sẽ diễn ra mạnh mẽ nếu không có các biện pháp chính sách để ngăn chặn: Thực tế cho thấy, cuộc khủng hoảng tín dụng nhà đất ở Mỹ và kéo theo nó là khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế toàn cầu đã dẫn đến cú sốc cầu tiêu cực, làm cho tăng trưởng giảm sút, có thể dẫn đến giảm phát vì những lý do sau đây:

Thứ nhất, khủng hoảng ở Mỹ dẫn đến sự giảm sút tổng cầu tương đối so với tổng cung vì dư thừa trên thị trường nhà đất, các hàng hóa lâu bền, ô tô và tiếp theo đó sẽ là thị trường dịch vụ và các hàng hóa khác. Sự sụt giảm tổng cầu thường làm giảm áp lực lạm phát do các công ty buộc phải giảm giá bán để kích cầu và giảm hàng tồn kho do hàng hóa không bán được. Những yếu tố làm giảm lạm phát này được thấy rõ trên thị trường nhà và ô tô, khi mà giá nhà đất giảm và các hãng ô tô đua nhau đưa ra các khuyến mãi giảm giá. Rõ ràng là, việc lạm phát có xu hướng giảm trong suy thoái là hệ quả của sự sụt giảm tổng cầu.

Thứ hai, trong thời kỳ khủng hoảng của Mỹ, thị trường lao động bị ảnh hưởng lớn, người lao động mất việc hàng loạt, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao dẫn đến sự tăng chậm lại của tiền lương danh nghĩa, do đó, giảm giá nhân công, giảm chi phí nhân công và giảm áp lực lạm phát giá của nền kinh tế.

Thứ ba, các thị trường quốc tế đã đạt tới một mức độ hội nhập mà ở đó biên giới quốc gia không còn ý nghĩa lớn nữa. Do đó, yếu tố về giảm tổng cầu và thị trường lao động ế ẩm nêu trên diễn ra ở Mỹ sẽ được truyền dẫn sang các nước khác trên thế giới thông qua trao đổi thương mại, tài chính, tỷ giá và các kênh khác. Cũng theo đó, các nền kinh tế liên thông cũng sẽ giảm tăng trưởng. Và hệ quả của sự giảm tương đối của tổng cầu trên thế giới so với tổng cung về hàng hóa và dịch vụ là áp lực lạm phát giảm.

Thứ tư, khi mà khủng hoảng ở Mỹ và suy giảm kinh tế toàn cầu do cú sốc mang tính tiêu cực của cầu thì cầu về dầu, gas, năng lượng và các hàng hóa khác trên thế giới có xu hướng giảm, kéo theo nó là giá các hàng hóa khác cũng giảm. Sự suy giảm nhu cầu của các nền kinh tế lớn như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc và các nước châu Á làm cho giá cả các hàng hóa càng giảm mạnh.

Bốn yếu tố trên hàm ý rằng cú sốc mang tính tiêu cực của cầu, khủng hoảng kinh tế Mỹ, tăng trưởng chậm lại của kinh tế toàn cầu, các yếu tố của lạm phát sẽ hạ nhiệt, thay vào đó, mối quan ngại về thiểu phát sẽ xuất hiện. Thêm vào đó, ngân hàng thương mại (NHTM) các nước đó với giá trị tài sản giảm mạnh, bị lỗ lớn do giá chứng khoán, nhà đất giảm mạnh. Chính vì vậy, các động thái chính sách của  hàng loạt NHTW trên thế giới triển khai như nêu trên là nhằm ngăn chặn xu hướng suy thoái kinh tế trong giảm phát.

… Tìm điểm riêng

Đối với Việt Nam, là nước có nền kinh tế đang phát triển mới bước vào hội nhập kinh tế quốc tế, mặc dù đến thời điểm này chưa chịu tác động mạnh của cuộc khủng hoảng như hầu hết nền kinh tế chủ chốt, nhưng đến năm 2009 có thể chịu ảnh hưởng mạnh hơn năm 2008. Do vậy, các động thái chính sách kinh tế vĩ mô, nhất là CSTT không thể đi ngược với xu thế hiện nay của thế giới. Tuy nhiên, do nền kinh tế Viêt Nam có những diễn biến tương đối khác so với các nền kinh tế chủ chốt, nên liều lượng nới lỏng, cũng như thời điểm nới lỏng cần có sự nghiên cứu cho phù hợp với diễn biến tình hình.

Diễn biến kinh tế Việt Nam năm 2008, mặc dù không đạt được mức tăng trưởng như mục tiêu đề ra, nhưng chưa có dấu hiệu suy thoái: tăng trưởng kinh tế quý I là 7,42%; quý II là 5,28%; quý III là 6,5%, cả năm đạt 6,23%, song một số lĩnh vực sản xuất gặp khó khăn do khủng hoảng, như lĩnh vực xuất khẩu, hàng hải… và tình trạng nhập siêu đang là vấn đề cần có những giải pháp để khắc phục, hạn chế đến mức thấp nhất sự suy giảm của nền kinh tế. Về lạm phát, biểu hiện ở chỉ số giá tiêu dùng tăng mạnh trong 8 tháng đầu năm, đạt ở mức 27,9% so với cùng kỳ và bắt đầu có xu hướng giảm từ tháng 9, tuy nhiên vẫn ở mức cao, bình quân cả năm 2008 là 22,97%.

Điều muốn nhấn mạnh ở đây là CPI của Việt Nam giảm do giá cả trên thế giới giảm, giá lương thực thực phẩm giảm mạnh, chứ không do nguyên nhân bởi cú sốc tiêu cực bên cầu do thất nghiệp hàng loạt, cung nhiều hơn cầu như các nền kinh tế chủ chốt, trên thực tế, nền kinh tế Việt Nam nguồn cung không dồi dào vượt cầu như các nước.

Thêm vào đó, hệ thống NHTM Việt Nam, tuy cũng gặp khó khăn nhất định do tác động của cuộc khủng khoảng tài chính toàn cầu nhưng rõ ràng là không bị lâm vào tình trạng như NHTM của các nền kinh tế chủ chốt, đến thời điểm này hầu hết các NHTM Việt Nam đều kinh doanh có lãi. Đây chính là những điểm khác biệt của tình hình kinh tế Việt Nam với các nền kinh tế chủ chốt hiện nay, vấn đề suy giảm nền kinh tế Việt Nam vẫn tiềm ẩn những dấu hiệu về lạm phát hơn là giảm phát. Điều này sẽ quyết định các liều giải pháp chính sách của Việt Nam trong năm 2009 để đảm bảo đạt hiệu quả cao nhất.

Mục tiêu của chính sách kinh tế vĩ mô năm 2009 không thể khác là cần phải hướng tới chống suy giảm kinh tế, kiểm soát lạm phát ở mức thấp và giữ ổn định vĩ mô. CSTT là một công cụ quản lý kinh tế vĩ mô, do vậy mục tiêu theo đuổi không nằm ngoài mục tiêu của chính sách kinh tế vĩ mô và cũng không nằm ngoài xu thế CSTT của các nước trên thế giới và phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam. Trên thực tế, trong tháng 11/2008, Chính phủ đã đưa ra 5 nhóm giải pháp vĩ mô để đối phó với suy giảm kinh tế. Về điều hành CSTT, Nghị quyết Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2009 cũng đã khẳng định thực thi CSTT năm 2009 phải "tiếp tục thực hiện CSTT thắt chặt để kiềm chế lạm phát nhưng linh hoạt trong điều hành lãi suất và tỷ giá, chủ động kiểm soát mức tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán, dư nợ tín dụng và cơ cấu tín dụng phù hợp để tạo điều kiện phát triển sản xuất - kinh doanh. Tăng khả năng thanh khoản của hệ thống NHTM và đảm bảo an toàn hệ thống tài chính quốc gia...". 

Như vậy, xu hướng của thế giới là nới lỏng CSTT, tạo thanh khoản cho các NHTM với liều lượng lớn thể hiện ở việc giảm mạnh mức lãi suất chủ chốt và cung ứng tiền mạnh. Nhưng đối với Việt Nam, mức độ và liều lượng sẽ không như vậy, với định hướng cho CSTT như nêu trên, vấn đề đặt ra cho thực thi CSTT là cần theo đuổi mục tiêu cụ thể gắn với những diễn biến thực tế của nền kinh tế và thị trường tiền tệ. Vấn đề kiểm soát cung tiền cần được hướng vào kiểm soát tín dụng về mức độ gia tăng và chất lượng tín dụng nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát và an toàn hệ thống.

Và bài học cũ

Trong bối cảnh suy thoái kinh tế mang tính toàn cầu, năm 2009 các DN trong nước sẽ rất khó khăn trong việc duy trì và mở rộng sản suất, điều đó kéo theo việc mở rộng tín dụng của các NHTM cũng sẽ rất khó khăn. Thực tế này tương tự như năm 1997, khi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á xảy ra đã có tác động trễ đến hệ thống NHTM Việt Nam sau 2 năm, mặc dù khi đó NHNN đã hạ rất thấp tỷ lệ dự trữ bắt buộc và hạ thấp mức trần lãi suất cho vay, nhưng các NHTM cũng khó có thể mở rộng tín dụng được do các DN gặp khó khăn. Giải pháp chính sách trong thời gian đó đã dẫn đến một thực trạng là các NHTM dư thưa vốn khả dụng lớn, nhưng do trong thời gian này NHNN không trả lãi cho tiền gửi dự trữ bắt buộc, mà trả lãi cho dự trữ vượt, nên sự dư thừa phần nào được bù đắp bằng lãi do NHNN trả. Song, hậu quả của dự trữ vượt trong thời gian này là giảm khả năng điều tiết thị trường tiền tệ của NHNN, bởi một trong những nguyên tắc để đảm bảo thực thi CSTT hiệu quả, đó là không để các NHTM quá dư thừa vốn, bởi một khi dư thừa vốn thì các NHTM sẽ phản ứng rất chậm trước những thay đổi CSTT của NHNN.

Nêu lại vấn đề của năm 1999 để thấy rằng, việc thực hiện CSTT năm 2009 bớt thắt chặt hơn năm 2008, song cần tuân thủ theo nguyên tắc trên để đảm bảo NHNN không mất đi vai trò cầm lái thị trường vừa được thiết lập năm 2008, bởi sự dư thừa quá mức vốn khả dụng của các NHTM. Mặt khác, hiện nay NHNN không trả lãi cho tiền gửi dự trữ vượt, nên  nếu NHNN  hạ thấp tỷ lệ dự trữ bắt buộc quá sẽ càng đẩy thêm khó khăn cho các NHTM.

Như vậy, thực thi CSTT trong bối cảnh khủng hoảng tài chính mang tính toàn cầu, mức độ, liều lượng chính sách và thời điểm quyết định thích hợp có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc hỗ trợ tích cực chống suy giảm kinh tế và kiểm soát được lạm phát theo mục tiêu.        

TS. Nguyễn Thị Kim Thanh
TS. Nguyễn Thị Kim Thanh

Tin cùng chuyên mục