"Nhận định nhà ĐTNN rút vốn là không có cơ sở thuyết phục"

Động thái bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) trên TTCK Việt Nam trong khoảng 1 tháng trở lại đây được cho là nguyên nhân trực tiếp khiến giá chứng khoán giảm mạnh, đồng thời gây nên tâm lý lo lắng cho nhà đầu tư trong nước. Tuy nhiên, trao đổi với Báo ĐTCK về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Anh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, nhận định nhà đầu tư ngoại rút vốn khỏi TTCK là không có cơ sở thuyết phục.

Theo tôi được biết, nhà ĐTNN đầu tư khoảng 50% số vốn của họ vào trái phiếu chính phủ (TPCP). Trong bối cảnh lãi suất ngân hàng đang giảm mạnh, TPCP trở thành kênh đầu tư hấp dẫn, nên nếu có rút vốn khỏi thị trường thì khả năng họ vẫn tiếp tục nắm giữ TPCP. Thực tế cho thấy, ngay cả trong giai đoạn lãi suất ngân hàng tăng nóng cách đây vài tháng, nhà ĐTNN vẫn chọn kênh TPCP để đầu tư. Hơn nữa, trong lúc thị trường tài chính thế giới chao đảo thì đầu tư vào TPCP là kênh an toàn nhất, nên không dại gì nhà ĐTNN bán TPCP để rút vốn, mà nếu có, động thái bán chỉ là để cơ cấu lại danh mục đầu tư loại hàng hóa đặc biệt này.

Thứ hai, nhiều người lo ngại nhà ĐTNN sẽ bán cổ phiếu, chứng chỉ quỹ để rút vốn khỏi Việt Nam. Tôi nghĩ, nếu việc này diễn ra cũng không đáng ngại cho TTCK, bởi sau thời gian tăng trưởng nóng từ giữa năm 2006 đến đầu năm 2008, TTCK Việt Nam đã xuống rất mạnh và bây giờ đã xuống đến mức khó có thể xuống hơn. Nhìn vào thị trường trong vài tháng gần đây có thể thấy, chỉ số VN-Index và HASTC-Index cứ xuống mấy phiên lại tăng nhẹ và lại xuống ở thế giằng co, nên đầu tư vào chứng khoán đã trở nên dễ dàng hơn rất nhiều so với thời kỳ "nóng bỏng" trước đây. Nếu có một bộ phận nhà ĐTNN bán mạnh thì cũng sẽ có một bộ phận khác tham gia lấp chỗ trống đó.

Thứ ba, mặc dù TTCK là kênh huy động vốn lớn, nhưng so với tổng mức đầu tư toàn xã hội thì số vốn mà thị trường cung cấp cho nền kinh tế còn rất nhỏ. Năm 2009, dự kiến tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước vào khoảng 725 nghìn tỷ đồng (bằng 40% GDP), lớn hơn nhiều lần so với số vốn mà TTCK có thể cung cấp cho nền kinh tế, nên nếu nhà ĐTNN rút vốn khỏi cũng không gây tác động tiêu cực đến sự phát triển của nền kinh tế nói chung.

Thứ tư, ai cũng mong muốn TTCK hoạt động lành mạnh, diễn biến giao dịch bình thường, chính vì vậy, khi có một số đối tượng rời bỏ thị trường thì nhiều người tỏ ra lo lắng và đi tìm nguyên nhân. Có người cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến nhà ĐTNN bán chứng khoán để thu hồi vốn là họ lo ngại về sự biến động của tỷ giá cho dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thường xuyên công bố và khẳng định tỷ giá giữa VND và các loại ngoại tệ mạnh khác, đặc biệt là với đồng USD vẫn tiếp tục ổn định. Nhiều người cho rằng, đồng USD sẽ giảm giá so với VND và đây là cơ hội để nhà ĐTNN tối đa hoá lợi nhuận khi được mua USD với giá thấp hơn. Lý do được đưa ra là, theo quy luật hàng năm, vào dịp cuối năm lượng kiều hối chuyển về nước lớn dẫn đến cung ngoại tệ dồi dào làm giảm giá đồng USD. Thế nhưng, diễn biến của hoạt động kiều hối từ năm 2007 đến nay cho thấy, quy luật này đã không còn tồn tại, lượng kiều hối chuyển về nước vào dịp cuối năm đúng là có nhiều hơn, nhưng không gây đột biến, không gây áp lực lên tỷ giá VND/USD vì hoạt động kiều hối diễn ra khá thường xuyên, đồng đều trong cả năm.

Thứ năm, trong 6 tháng đầu năm 2008, nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt với vô vàn khó khăn, thách thức, nhiều người nhìn nhận, nhà ĐTNN sẽ rút ra khỏi TTCK Việt Nam. Tuy nhiên, mọi việc đã không diễn ra như dự đoán. Một trong những nhân tố quan trọng góp phần ổn định thị trường là Chính phủ công bố không phá giá đồng nội tệ và công khai lượng dự trữ ngoại hối (gần 21 tỷ USD). Tuyên bố không phá giá đồng nội tệ đến thời điểm này vẫn còn nguyên giá trị; còn lượng dự trữ ngoại hối của Việt Nam, mặc dù đến thời điểm này, NHNN không đưa ra con số chính thức, song tôi tin rằng, các nhà nhà kinh tế, tổ chức tài chính, nhà ĐTNN có khả năng dự đoán chính xác lượng dữ trữ ngoại hối của Việt Nam dựa trên con số được công bố hồi tháng 6/2008 và những yếu tố tăng - giảm. Từ đây, họ có thể yên tâm với đồng vốn của mình đầu tư tại Việt Nam. Nhà ĐTNN càng yên tâm hơn khi Thủ tướng Chính phủ mới đây cho biết: "Cán cân thanh toán quốc tế được bảo đảm, ước cả năm 2008 thặng dư khoảng 2,7 tỷ USD; dự trữ ngoại hối được tăng thêm, góp phần quan trọng vào ổn định kinh tế vĩ mô".

Từ những nhân tố trên tôi cho rằng, lo ngại về việc nhà ĐTNN rút vốn khỏi TTCK Việt Nam là không có cơ sở thuyết phục. Tôi cũng cho rằng, đúng là nhà ĐTNN đang nắm giữ một khối lượng lớn chứng khoán trên TTCK Việt Nam và có ảnh hưởng quan trọng trong sự phát triển của TTCK Việt Nam kể từ ngày thành lập đến nay, nhưng vì yếu tố nào đó mà họ rút dần vốn ra khỏi thị trường thì cũng không tác động lớn đến TTCK nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Mạnh Bôn thực hiện.
Mạnh Bôn thực hiện.

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,242.24 -2.46 -0.2% 64,554 tỷ
HNX 236.4 0.72 0.31% 780 tỷ
UPCOM 91.77 0.05 0.05% 327 tỷ