Nhận diện yếu tố thay đổi

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nếu như tâm điểm kinh tế và thị trường năm 2022 là sự tăng mạnh của lạm phát và lãi suất, thì tâm điểm của 2023 có thể là sự tăng lên của tỷ lệ thất nghiệp.
Nhận diện yếu tố thay đổi

Mùa Giáng sinh năm nay ghi nhận sự ảm đạm trên nhiều thị trường, đặc biệt là các thị trường nhập khẩu lượng lớn hàng hóa của Việt Nam như Mỹ, châu Âu.

Lãnh đạo các doanh nghiệp thuộc những ngành nghề xuất khẩu chủ lực cho biết họ khá bất ngờ khi có sự quay xe mạnh như vậy khi đầu năm còn phải từ chối bớt đơn hàng, trong khi cuối năm đơn hàng giảm mạnh.

Trong hợp đồng với các nhập khẩu quốc tế, đều có điều khoản trực tiếp hoặc các điều khoản quy định gián tiếp rằng họ có thể giảm đơn hàng rất nhanh và số lượng lớn, cho dù đã đã ký ghi nhớ với nhau. Điều này đặt ra yêu cầu cao về năng lực quản trị rủi ro của các nhà sản xuất Việt Nam.

Ở một số công ty dệt may lớn, dù các nhà máy chuộng việc đi đơn cho 1 khách hàng lớn vì nhàn hơn và hiệu quả hơn, nhưng lãnh đạo tập đoàn yêu cầu phải có ít nhất 3 khách hàng và không tập trung vào 1 khách hàng lớn.

Sức tiêu dùng thấp và đơn hàng giảm mạnh từ đầu quý IV năm nay khiến nhiều doanh nghiệp tích trữ hàng, nguyên phụ liệu cho mùa tiêu thụ lớn nhất trong năm là dịp Giáng sinh có nguy cơ rơi vào thua lỗ lớn vì giá nguyên phụ liệu giảm và đặc biệt không xuất được hàng.

Khi đơn hàng sụt giảm mạnh, việc cắt giảm nhân công, cắt giảm giờ làm trở thành hệ quả tất yếu. Trên các web và trang fanpage của một doanh nghiệp dệt may lớn ghi nhận số người tìm việc tăng rất cao. Ở địa phương này, các tập đoàn sản xuất FDI gần đây cắt giảm giờ làm, giảm lương chỉ còn một nửa, còn 4-5 triệu đồng/tháng nên lao động có xu hướng tìm việc ở doanh nghiệp khác khá hơn.

Có lẽ, nhiều khó khăn khó đoán định khiến các doanh nghiệp chưa thực sự mặn mà công bố hoặc chia sẻ kế hoạch năm 2023. Hoạt động và tăng trưởng của doanh nghiệp sẽ có nhiều thay đổi trong năm 2023, ngay ở nhóm xuất khẩu vốn được nhận định có lợi thế tốt. Đây là chủ đề được Báo Đầu tư Chứng khoán phản ánh sâu trong số báo 52/2022, cũng nhằm đưa đến nhiều thông tin hơn tới nhà đầu tư khi cân nhắc các yếu tố quyết định việc lựa chọn danh mục cho tuần cuối năm và bước sang 2023.

Một tín hiệu dễ thấy hơn cho sự khó khăn của thị trường là động thái của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) khi tăng biên độ lợi suất trái phiếu 10 năm của nước này từ 0,25% lên 0,5%. Quyết định này gây bất ngờ với toàn thị trường khiến đồng Yên tăng hơn 3% so với USD và Nikkei 225 ngay sau đó giảm hơn 2%.

Việc giữ biên độ lợi tức 0,25% trong hơn 5 năm giúp chi phí sử dụng vốn bằng đồng Yên thấp và được ví dụ như mỏ neo gián tiếp giúp giữ chi phí vay ở mức thấp trên toàn cầu, bây giờ biên độ lợi tức tăng lên 0,5% nghĩa là chi phí vay sẽ cao hơn. Tháng 4/2023, BOJ sẽ có thống đốc mới và động thái này tạo nền tảng cho một chính sách tiền tệ mới, mức tăng 0,25% là nhỏ nhưng là một bước lớn trong việc xoay chuyển chính sách tiền tệ.

Như vậy, hai động lực quan trọng của giá và định giá cổ phiếu là lãi suất và tăng trưởng vẫn đang ở xu hướng tiêu cực. Tác động của lãi suất tăng mạnh và sự khó khăn của các đối tác lớn của doanh nghiệp Việt Nam gần đây đã thay đổi đáng kể bức tranh triển vọng tăng trưởng của nhiều ngành nghề và doanh nghiệp niêm yết trong năm 2023.

Bởi vậy, nhận diện các yếu tố thay đổi để có hành động phù hợp với danh mục đầu tư và sự chuẩn bị cho một năm mới có lẽ là điều cần thiết với các nhà đầu tư lúc này.

Người quan sát

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,209.52 4.55 0.38% 154,884 tỷ
HNX 226.82 -0.75 -0.33% 1,394 tỷ
UPCOM 88.66 0.33 0.37% 435 tỷ