Yếu tố khiến nhà đầu tư “đứng ngồi không yên” năm 2019
Kỳ vọng về một năm thăng hoa của thị trường chứng khoán song hành với đà tăng trưởng kinh tế Việt Nam đã không xảy ra.
Bất chấp những số liệu khả quan từ kinh tế vĩ mô Việt Nam cuối năm 2019 và dự báo kinh tế tích cực của các tổ chức quốc tế kể từ đầu năm, VN-Index chỉ tăng hơn 11%, không mang lại thành quả như ý, thậm chí có nhiều nhà đầu tư thua lỗ.
Theo Tổng cục Thống kê, GDP năm 2019 tăng 7,02%, vượt xa mức kế hoạch 6,5% đặt ra từ đầu năm của Chính phủ; Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn thu hút dòng vốn đầu tư FDI; CPI, lạm phát được điểm soát tốt; dự trữ ngoại hối tăng mạnh, đạt hơn 73 tỷ USD...
Trái ngược với sự khởi sắc của nền kinh tế, thị trường chứng khoán không có chuyển động bứt phá nào, thậm chí biến động khó lường khi nhiều thời điểm trong năm 2019 chưa thể chinh phục được ngưỡng 1.000 điểm.
Không ít cổ phiếu vốn hóa lớn thuộc VN30 giảm giá, ảnh hưởng đến chỉ số chung, chưa kể đến việc khối ngoại đẩy mạnh hoạt động bán ròng trong 6 tháng cuối năm.
Thị trường “đi ngang” trong phần lớn thời gian năm 2019 quanh khu vực 960 - 1.000 điểm. Nhiều nhà đầu tư “đứng ngồi không yên”, tâm lý bị thử thách ghê gớm trước những diễn biến của cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung và khối ngoại có động thái bán ra mạnh mẽ ở nhóm cổ phiếu lớn.
Bên cạnh đó, Dragon Capital, Mekong Capital, VinaCapital, Tundra và các quỹ ETF mạnh tay tái cơ cấu danh mục, khiến giới đầu tư càng thêm e ngại về sự điều chỉnh của thị trường.
Tất nhiên, thị trường diễn biến khó lường hơn thì việc tìm kiếm và chọn lọc cơ hội đầu tư lại càng khó khăn.
Ngoài việc chọn lựa đúng cổ phiếu thuộc đúng các nhóm ngành triển vọng, nhà đầu tư còn phải chọn đúng thời điểm của thị trường (market timing).
Những thử thách trong hoạt động đầu tư năm 2019 khiến nhà đầu tư có tâm lý thận trọng. Liệu trong năm 2020, kinh tế vĩ mô có xảy ra những cú “sốc”.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương lớn khác trên thế giới có thay đổi chính sách tiền tệ? Vấn đề tỷ giá, chiến tranh thương mại có ảnh hưởng xấu đến dòng tiền khối ngoại hay không?
Ngoài ra, kịch bản Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách áp thuế quan cũng không thể được loại trừ. Nguy cơ hàng Trung Quốc lẩn tránh thuế qua Việt Nam, hay Mỹ có thể đưa Việt Nam vào danh sách các nước thao túng tiền tệ cũng sẽ khiến đà tăng trưởng kinh tế bị ảnh hưởng, tác động đến tâm lý nhà đầu tư.
Năm 2020, rủi ro có thể đến từ lĩnh vực bất động sản
Bên cạnh những thành tựu kinh tế - xã hội mà Việt Nam đã đạt được trong năm 2019, kinh doanh bất động sản, huy động vốn qua kênh trái phiếu doanh nghiệp có thể tiềm ẩn rủi ro cao nếu không được quản lý chặt chẽ hơn.
Trong năm qua, Ngân hàng Nhà nước đã tiến hành 2 đợt điều chỉnh giảm lãi suất điều hành, tuy nhiên, việc này liên quan đến giảm lãi suất huy động, chứ lãi suất cho vay vẫn chưa thực sự hấp dẫn.
Nếu so sánh lãi suất trái phiếu mà các doanh nghiệp bất động sản, ngân hàng, chứng khoán đang chào bán riêng lẻ trên thị trường với lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại thì mức chênh lệch còn lớn.
Làn sóng triển khai các dự án bất động sản và dư nợ đối với trái phiếu doanh nghiệp tăng mạnh khiến giới đầu tư e ngại về hiện tượng “bong bóng”, nếu không được kiểm soát có thể khiến nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng biến động khó lường.
Dòng tiền khối ngoại khó dự báo
Nhiều nhà đầu tư cá nhân và tổ chức chuyên nghiệp kỳ vọng vào khả năng nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi, qua đó thu hút mạnh mẽ dòng vốn đầu tư nước ngoài, hỗ trợ thị trường tăng điểm.
Tuy nhiên, dự báo và khả năng diễn ra với xác suất cao là 2 câu chuyện cần phải rạch ròi trong hoạt động đầu tư cổ phiếu.
Về các tiêu chí nâng hạng mà MSCI đang yêu cầu Việt Nam đáp ứng, một số tiêu chí như tự do hóa thị trường ngoại hối, công bố thông tin, bán khống hay nới tỷ lệ sở hữu tối đa (room) cho khối ngoại đang cản trở việc thị trường chứng khoán nâng hạng.
Câu chuyện nâng hạng cần thêm thời gian và khó có thể coi đó là lý do để đi trước đón đầu trong đầu tư cổ phiếu nếu Chính phủ, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước… không mạnh mẽ cải thiện thể chế, hoàn thiện các tiêu chí.
Ngoài ra, lộ trình 93 doanh nghiệp nhà nước mà Chính phủ công bố mới đây cần phải thực hiện cổ phần hóa, phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) giai đoạn 2019 - 2020 sẽ không khả thi nếu các vấn đề liên quan đến cơ chế, quyết tâm của cổ đông lớn, định giá tài sản, đất đai vẫn là nguyên nhân chính gây chậm tiến độ.
Quản lý đầu tư công, chi ngân sách nhà nước hay hoạt động thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp là các yếu tố ảnh hưởng đến sự “thăng hoa” của nền kinh tế và ảnh hưởng không nhỏ đến xu hướng thị trường chứng khoán cũng như hoạt động đầu tư trên thị trường.
Cần chọn đúng ngành nghề, cổ phiếu và thời điểm thị trường
Mỗi năm, thị trường chứng khoán đều có những nhóm ngành được hưởng lợi và các cổ phiếu có mức tăng giá tốt, mang lại cho nhà đầu tư nhiều cơ hội giải ngân.
Cơ hội mỗi năm, mỗi khác. Chẳng hạn, giai đoạn 2016 - 2017 là các cổ phiếu ngân hàng, tài chính, xây dựng, năm 2018 là các doanh nghiệp thủy sản, bất động sản khu công nghiệp, năm 2019 là các cổ phiếu bất động sản vừa và nhỏ, các cổ phiếu bị định giá thấp, các cổ phiếu đầu cơ.
Năm 2020, cơ hội có thể xuất hiện ở nhóm cổ phiếu dầu khí, cảng biển, vận tải, đến từ triển vọng giá dầu hồi phục, nhưng quan trọng là lựa chọn thời điểm nào để giải ngân và khi nào thì thoát ra.
Chắc chắn, hoạt động đầu tư sẽ cần nhiều hơn khả năng nhạy bén cũng như sự từng trải trên thị trường. Ðầu tư sẽ càng khó hơn trong bối cảnh thị trường đi ngang. Mặc dù vậy, cơ hội luôn có, ngay cả khi chưa có “sóng”, thậm chí thị trường điều chỉnh. Ðiều này sẽ thử thách tâm lý, sự kiên nhẫn cũng như niềm tin của các nhà đầu tư trong năm 2020.