Nhận diện rào cản đối với smarthome

(ĐTCK) Dù được kỳ vọng nhiều, nhưng trên thực tế, lĩnh vực nhà thông minh (smarthome) vẫn gặp phải không ít rào cản để có thể phát triển đột phá.
Smarthome là lĩnh vực nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai Smarthome là lĩnh vực nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai

Nhiều tiềm năng

Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ 4.0 khiến nhiều chủ đầu tư dự án bất động sản và người mua nhà ngày càng quan tâm đến smarthome. Đây được coi là nền tảng thuận lợi cho lĩnh vực nhà thông minh phát triển.

Đánh giá về tiềm năng phát triển của smarthome tại Việt Nam, bà Liễu Nguyễn, đại diện Việt Nam của Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Mỹ cho rằng, xu hướng phát triển các dự án bất động sản trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ đi theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin. Trên thế giới và Việt Nam sẽ xuất hiện ngày càng nhiều đô thị thông minh, mà nhà ở thông minh là một thành tố không thể thiếu.

Còn bà Mai Trang Thanh, Chủ tịch Honeywell khu vực Đông Dương, một trong những doanh nghiệp hàng đầu về nhà thông minh nhận xét: “Chúng tôi nhận được phản hồi rất tích cực của các khách hàng Việt Nam về lợi ích kinh tế, tính hiệu quả và hiệu suất mà các dịch vụ và công nghệ nhà thông minh đã và đang mang lại tại nhiều dự án”.

Sự phát triển của công nghệ smarthome đã lôi kéo không ít chủ đầu tư nhập cuộc. Khác với trước đây, triển khai smarthome là câu chuyện của mỗi khách hàng đơn lẻ, hiện nay, các chủ đầu tư đã tham gia sâu rộng hơn và smart được coi là yếu tố cạnh tranh cả trong công tác tạo dựng thương hiệu, cũng như bán hàng.

Trường hợp của Sunshine Group là một ví dụ. Chủ đầu tư này rất chịu chi cho các hạng mục thông minh tại các dự án của mình. Với Sunshine Center (16 Phạm Hùng, Nam Từ Liêm, Hà Nội), ứng dụng smarthome cho phép các cư dân truy cập ứng dụng để điều khiển điều hoà, bình nóng lạnh hay mở rèm cửa từ xa. Thậm chí, các công việc khác như gọi người giúp việc, dọn nhà, đi chợ online, sửa chữa điện…, cũng được thực hiện qua các ứng dụng smarthome.

 Đồ Họa: Thanh Huyền

Tương tự, tại Dự án Times City Park Hill Premium của Vingroup, tất cả các căn hộ đều là các căn hộ smart với hệ thống điều khiển thông minh, an toàn và tiết kiệm năng lượng, như hệ thống đèn, công tắc cảm ứng sang trọng; hệ thống chuông cửa hình ảnh thông minh; hệ thống âm thanh qua bluetooth; hệ thống điều khiển các thiết bị điện thông minh trên di động…

Không ít rào cản

Dù đã có những thay đổi và thu hút về mình khá nhiều sự quan tâm, nhưng thực tế, số người biết và hiểu về smarthome lại chưa nhiều. Khảo sát mới đây của một đơn vị cung cấp giải pháp nhà thông minh cho thấy, mới chỉ có 10 - 12% khách hàng mục tiêu biết đến smarthome, trên 80% chưa quan tâm.

Không chỉ gặp phải hạn chế về số người quan tâm, bản thân các khách hàng quan tâm cũng còn nhiều người chưa thực sự hiểu biết đầy đủ về lĩnh vực khá mới mẻ này. Phần lớn mới chỉ dừng ở việc nghe, hiểu khái niệm, thiếu trải nghiệm.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, bà Nguyễn Thu Trang, đại diện Arkos Smart Home cho biết: “Nhiều chủ đầu tư hoặc người dân trước đây lo ngại việc lắp đặt, triển khai ứng dụng các giải pháp nhà thông minh sẽ gặp khó khăn khi thay thế hoặc muốn quay về phương án nhà thông thường. Tuy nhiên, trên thực tế, các thay đổi này không hề làm ảnh hưởng đến các thiết kế vốn có của căn nhà như nhiều người vẫn nghĩ”.

Một khó khăn nữa là có sự hiểu sai lệch về mức giá. Đại diện một doanh nghiệp cung cấp giải pháp nhà thông minh cho biết, hiện mức giá để triển khai ứng dụng nhà thông minh cơ bản gồm hệ thống chiếu sáng, bình nóng lạnh, tivi, rèm cửa, an ninh…, với nhà chung cư vào khoảng 25 triệu đồng/căn. Còn với biệt thự thì gấp khoảng 3 - 4 lần.

Mức giá này được cho là hợp lý, nhưng nhiều khách hàng trước đó từng tiếp nhận các thông tin về chi phí lắp đặt nhà thông minh với mức giá rất lớn (hàng chục nghìn USD/căn), nên đã triệt tiêu tâm lý tìm hiểu sản phẩm. Đây cùng là một rào cản ngăn smarthome trở nên phổ biến với mọi người.

Chính bởi những nhìn nhận của công chúng, khách hàng chưa đầy đủ về sản phẩm, nên theo các chuyên gia và doanh nghiệp, hiện ở nước ta, lĩnh vực smarthome vẫn đang trong giai đoạn giáo dục thị trường.

“Chúng ta cần 1 - 3 năm để truyền thông, giáo dục thị trường, làm cho khách hàng hiểu và có cái nhìn đúng đắn về nhà thông minh, từ đó mới thúc đẩy được sự phát triển của lĩnh vực này. Theo tôi, hiện chúng ta mới đang trong năm đầu tiên của tiến trình 3 năm”, vị chuyên gia chia sẻ.

Cạnh tranh bằng sự khác biệt

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản mới đây, ông Nguyễn Đức Tài, Giám đốc Lumi Việt Nam cho rằng, để có thể phát triển thành công và cạnh tranh được với các thương hiệu ngoại, giải pháp nhà thông minh của Việt Nam phải đáp ứng được các yếu tố là giá thành hợp lý, chế độ bảo hành tốt và tính chuyên biệt.

Theo ông Tài, hiện các sản phẩm của Lumi Việt Nam nói riêng và các doanh nghiệp nội địa nói chung có mức giá phù hợp do chưa phải gánh các chi phí về marketing, chi phí làm thương hiệu. Còn về tính chuyên biệt, phụ thuộc khá nhiều vào các đơn vị phát triển sản phẩm.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, hiện nay, nhiều khách hàng đang khá băn khoăn về việc sử dụng các sản phẩm, giải pháp ngoại khi không có sự tương thích về hạ tầng và vấn đề truy cập dữ liệu. Đơn giản nhất như một chiếc ổ cắm cho thiết bị, các sản phẩm ngoại nhập thường có cấu tạo, hình dáng khác biệt với hạ tầng điện Việt Nam. Trong khi phần lớn khách hàng chỉ nghĩ đến việc lắp đặt, ứng dụng giải pháp smarthome cho ngôi nhà, căn hộ khi đã hoàn thiện, dẫn đến những khó khăn trong công tác triển khai lắp đặt.

Cũng theo ông Tài, so với các thương hiệu ngoại, dù đi sau, nhưng những sản phẩm smarthome “made in Vietnam” cũng có những lợi thế cạnh tranh riêng. Đó là các thiết kế, quy cách sản phẩm, mẫu mã phù hợp hơn với ngôi nhà Việt. Đặc biệt, do được phát triển bởi doanh nghiệp trong nước, nên khả năng tương thích cũng cao hơn với hạ tầng cơ sở.

Một điểm nữa mà những khách hàng đã từng sử dụng công nghệ smarthome nhiều nhận ra, đó là nếu sử dụng sản phẩm ngoại, đồng nghĩa với sever đặt ở nước ngoài, nên đôi khi thời gian truy cập, trao đổi dữ liệu khá lâu (do phải truyền qua máy chủ ở nước ngoài xử lý, rồi mới tương tác ngược trở lại với thiết bị trong ngôi nhà thông minh ở Việt Nam). Tuy nhiên, với các giải pháp, công nghệ do doanh nghiệp trong nước phát triển, rào cản này lại được xóa bỏ. Đây có thể coi là một lợi thế cạnh tranh riêng, nhưng chỉ những khách hàng đã có nhiều trải nghiệm mới nhận ra.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com 

Thanh Huyền
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục