Nhận diện “phần chìm” của hoạt động bán khống

(ĐTCK-online) Có thể thấy, bản chất của việc bán khống hiện nay tại Việt Nam là mua bán chứng khoán thật. Chỉ có việc các hoạt động này đang được giao dịch ngầm và chưa có sự quản lý của các cơ quan chức năng.
Nhận diện “phần chìm” của hoạt động bán khống

>> Bán khống không phải là "tội đồ"

>> "Nhiều nguy hại khi lan tràn bán khống"

Tại buổi hội thảo của một CTCK lớn mới đây, các nhà đầu tư cá nhân được nhân viên môi giới chăm sóc khá tận tình, hỏi thăm tình hình tài khoản. Nếu nhà đầu tư còn một lượng cổ phiếu lớn trong tài khoản, nhưng không có ý định giao dịch trong bối cảnh thị trường ảm đạm hiện nay, thì nhân viên môi giới không ngần ngại hỏi vay chứng khoán. Những cổ phiếu được thu gom này dùng để cho một số nhà đầu tư mạo hiểm vay để thực hiện  "bán khống", người cho vay sẽ nhận được một khoản phí cho vay.

Một chuyên gia phân tích cho biết, trong bối cảnh TTCK ảm đạm, dòng tiền bị hạn chế như hiện nay, thì vẫn có những phiên có giao dịch đột biến tại một số mã cổ phiếu. Đây chính là phần nổi hoạt động giao dịch của một số nhà đầu tư mạo hiểm, sẵn sàng bán khống lượng cổ phiếu lớn nhằm kiếm lời hoặc đang mua lại (cover) để trả hàng (chứng khoán vay).

Đi tìm phần chìm của hoạt động này, phóng viên ĐTCK đã tiếp cận được một số thông tin về việc bán khống.

Theo một môi giới lâu năm, hiện thị trường có ít nhất 5 đầu mối cung cấp dịch vụ cho vay chứng khoán. Những giao dịch này được thực hiện thông qua các CTCK, nhưng không có CTCK nào đứng ra trực tiếp làm, mà chỉ đóng vai trò trung gian để tránh bị cơ quan quản lý kiểm tra xử phạt.

Nhà đầu tư nếu có nhu cầu bán khống sẽ được hướng dẫn mở tài khoản tại một CTCK được chỉ định, nộp tiền ký quỹ vào tài khoản và ký hợp đồng vay với đầu mối này. Tuy nhiên, nguồn hàng hiện nay khá khan hiếm, nên phải là nhà đầu tư lớn mới được ưu tiên tiếp cận. Vào những lúc nhu cầu vay hàng bán khống nhiều, nhà đầu tư thậm chí còn phải đăng ký từ một vài hôm trước mới được đáp ứng.

Thông thường, nhà đầu tư sẽ phải nộp trước khoản tiền ký quỹ 20 - 30%, tùy vào loại cổ phiếu vay. Khi đó, nhà đầu tư được bán số lượng cổ phiếu đã vay và bị tính phí vay dựa trên giá trị hàng vay. Khi mua cổ phiếu trả lại, nhà đầu tư cũng bị tính phí vay để mua chứng khoán (số tiền còn thiếu sau khi trừ tiền ký quỹ). Nếu mua thấp bán cao thì nhà đầu tư có lãi, còn ngược lại thì nhà đầu tư có thể bị mất khoản tiền ký quỹ. Lãi suất cho vay cao hơn lãi suất ngân hàng, dao động trong khoảng 23 - 30%. Những cổ phiếu được vay bán khống chủ yếu là những mã có thanh khoản cao, được thị trường ưa chuộng bởi mức độ biến động giá lớn như SSI, KLS, PVX… Do giá cổ phiếu hiện nay khá rẻ, đa số 1x, nên khối lượng một lần vay tối thiểu phải là 10.000 cổ phiếu.

Nhà đầu tư bán khống phải chịu phí vay tiền mua hàng, phí vay hàng bán, phí giao dịch mua và bán, nên với các cổ phiếu có giá khoảng 1x thì tổng phí lên đến gần 1 "lai"/ngày (100 đồng/ngày/cổ phiếu). Nếu chênh lệch giá bán và giá mua khoảng 2 "lai" mà mua bán trong ngày thì nhà đầu tư bắt đầu có lãi. Hiện tại, một số đầu mối quy định chỉ tính phí vay dựa trên thời gian vay thực tế, một số đầu mối khác lại bắt khách hàng vay theo kỳ (1 tháng, 3 tháng).

Các đầu mối cung cấp dịch vụ cho vay chứng khoán có nhiều tài khoản tổng ở nhiều CTCK, cho phép nhà đầu tư đặt lệnh bán mà không cần quan tâm đến việc bán chứng khoán ở tài khoản nào. Nếu nhà đầu tư bán chứng khoán trước, rồi đặt mua sau, thì không cần quan tâm đến việc quản lý tài khoản, mà chỉ cần quan tâm đến mức giá giao dịch. Các giao dịch mua bán có thể được thực hiện ngay cùng phiên (T+0).

Trường hợp nhà đầu tư đã mua chứng khoán trên tài khoản của mình, nếu thấy biến động giá theo hướng có lợi thì có thể vay chứng khoán bán luôn trong phiên. Đến ngày T+4, khi cổ phiếu về tài khoản thì NĐT giao dịch thỏa thuận số cổ phiếu đó sang tài khoản của đầu mối. Như vậy, nhà đầu tư sẽ phải chịu thêm chi phí vay tiền T+4 và phí giao dịch thỏa thuận. Việc này cũng chỉ áp dụng với những giao dịch lô lớn, do phải giao dịch thỏa thuận.

Có thể thấy, bản chất của việc bán khống hiện nay tại Việt Nam là mua bán chứng khoán thật. Chỉ có việc các hoạt động này đang được giao dịch ngầm và chưa có sự quản lý của các cơ quan chức năng. Do đó, có thể xảy ra những tranh chấp về mặt pháp lý và gây thiệt hại cho nhà đầu tư. Cho phép bán khống, đưa hoạt động bán khống vào trong khuôn khổ pháp luật là mong mỏi của giới đầu tư từ lâu. Luật Chứng khoán năm 2006 quy định Bộ Tài chính hướng dẫn hoạt động này, nhưng đến nay vẫn chẳng biết đến bao giờ mới có hướng dẫn 

Việt Quang
Việt Quang

Tin cùng chuyên mục