Nhận diện những ngành “hút” M&A

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường M&A tại Việt Nam bùng nổ với hàng loạt thương vụ trong những năm gần đây, nơi mà phần lớn giá trị và số lượng giao dịch đều đến từ các công ty Việt Nam và từ các lĩnh vực truyền thống.
Sự sáp nhập của VinCommerce vào hệ sinh thái của Masan là một trong những thương vụ M&A nổi bật giữa các doanh nghiệp nội. Sự sáp nhập của VinCommerce vào hệ sinh thái của Masan là một trong những thương vụ M&A nổi bật giữa các doanh nghiệp nội.

Kênh truyền thống dẫn dắt

Dịch Covid-19 ập đến tưởng chừng khiến mọi hoạt động của doanh nghiệp phải tạm ngừng, song những thông tin lạc quan được chia sẻ tại Diễn đàn M&A Việt Nam với chủ đề “Cơ hội trong thị trường bùng nổ” do Báo Đầu tư tổ chức vào cuối tuần qua đã cho thấy, điều lo ngại nói trên không diễn ra.

Quy mô giá trị thị trường M&A Việt Nam được thống kê đạt 8,8 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm 2021, tăng 18% so với năm 2020 với trọng tâm đến từ các lĩnh vực truyền thống như hàng tiêu dùng thiết yếu, bất động sản và tài chính.

Ông Warrick Cleine, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc KPMG Việt Nam và Campuchia cho biết, ba lĩnh vực tiêu dùng thiết yếu, tài chính và bất động sản là các ngành thu hút nhiều thương vụ M&A nhất, chiếm 55 - 60% tổng giá trị giao dịch trong những năm vừa qua và nhiều khả năng xu thế này sẽ tiếp tục trong tương lai.

“Các ngành này hưởng lợi lớn từ nhu cầu cao về nhà ở, dịch vụ tài chính và các hàng hóa tiện lợi, thúc đẩy bởi số lượng dân số đông, sự tăng trưởng của tầng lớp trung lưu và tốc độ đô thị hóa nhanh”, ông Warrick Cleine nói.

Không quá ngạc nhiên khi từ đầu năm đến nay, các thương vụ lớn nhất đều thuộc về các công ty hoạt động trong những lĩnh vực này, bao gồm thương vụ Tập đoàn Tài chính Sumitomo Mitsui đầu tư 1,3 tỷ USD vào FE Credit, Quỹ SK South East Asia đầu tư 410 triệu USD vào Vincommerce, và Baring và Alibaba đầu tư 400 triệu USD vào CrownX, tất cả đều diễn ra trong nửa đầu năm 2021.

Đáng chú ý, nếu loại trừ thương vụ Tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui mua 49% cổ phần của FE Credit, các công ty Việt Nam đã vượt xa các nhà đầu tư Nhật Bản và Hàn Quốc về giá trị thương vụ.

Trong đó, Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Masan, Tập đoàn Hòa Phát, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam, Tập đoàn Novaland đang là 5 đơn vị có hoạt động M&A thuộc hàng lớn nhất trên thị trường, cả về mặt giá trị và số lượng giao dịch trong 2 năm vừa qua.

Cụ thể, những tập đoàn lớn đã khuấy động thị trường với nhiều thương vụ bom tấn trong vai trò cả là bên mua và bên bán khi họ đã nâng giá trị thương vụ gấp 5 lần từ 248 triệu USD vào năm 2019 lên 1,21 tỷ USD vào năm 2020, chiếm 53% tổng giá trị giao dịch M&A trong nước.

Bất chấp đợt bùng phát dịch lần thứ 4 vào giữa năm 2021, nhóm doanh nghiệp này vẫn thể hiện nỗ lực lớn trong việc tìm kiếm các khoản đầu tư chất lượng. Qua đó, họ đã đóng 11 thương vụ với tổng giá trị lên đến 1,13 tỷ USD trong vòng 10 tháng của năm 2021, chiếm đến 70% tổng giá trị giao dịch trong nước.

Những thương vụ trong lĩnh vực truyền thống mang tính đột phá được thực hiện bởi 5 doanh nghiệp có hoạt động sôi nổi trong thị trường M&A trong vòng 3 năm gần đây bao gồm sự sáp nhập của chuỗi bán lẻ lớn nhất toàn quốc VinCommerce vào hệ sinh thái của Tập đoàn Masan, thương vụ mua lại 98% cổ phần của Công ty TNHH Đô thị Đại học quốc tế Berjaya Việt Nam của Vinhomes

với mức giá 514 triệu USD; và thương vụ mua Sữa Mộc Châu của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) bằng cách nâng số lượng cổ phần tại GTNFoods từ 32% lên 75% để gián tiếp trở thành cổ đông lớn nhất của doanh nghiệp mục tiêu.

Theo các chuyên gia tại Diễn đàn, sự chuyển biến tích cực trong hoạt động M&A trong nước sẽ vẫn còn được duy trì đối với những doanh nghiệp này, vì họ không chỉ có đủ lượng tiền mặt dự trữ để tìm kiếm các mục tiêu chất lượng, mà còn có khẩu vị mang tính chiến lược trong việc tiếp tục tìm kiếm các cơ hội mở rộng thị trường và cải thiện tỷ suất lợi nhuận.

Chẳng hạn như Tập đoàn NovaGroup, xuất phát điểm là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, đến bất động sản, doanh nghiệp này đang tái cấu trúc để trở thành tập đoàn đầu tư và phát triển kinh tế với 3 trọng tâm chính là bất động sản, dịch vụ và nông nghiệp.

Trong đó, NovaConsumer - thành viên của NovaGroup đang hướng đến chuỗi sản xuất 3F và mở rộng sang ngành hàng tiêu dùng. Cơ hội M&A sẽ đến từ những mảnh ghép đầy mới mẻ này.

Những ngành “hot” mới

Cùng với các ngành truyền thống, dòng vốn M&A đang được đánh giá là có sự rẽ nhánh đổ vào các ngành, lĩnh vực mới nổi. Như nhận định của ông Phạm Văn Thinh, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn và kiểm toán Deloitte Việt Nam, các doanh nghiệp hoạt động trong những lĩnh vực mà Việt Nam có lợi thế sẽ là mục tiêu được chú ý cho hoạt động M&A thời gian tới.

Trong đó, một số ngành về tiêu dùng, năng lượng, giáo dục, đầu tư cơ sở hạ tầng sẽ thu hút rất mạnh, nhất là những doanh nghiệp có sử dụng công nghệ ở trong hoạt động kinh doanh của mình sẽ là những doanh nghiệp thu hút nguồn vốn đầu tư từ các thương vụ M&A.

Trong số đó, công nghệ là lĩnh vực đang nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư khi 10 tháng đầu năm 2021, thị trường M&A liên quan đến công nghệ ghi nhận sự tăng vượt bậc về cả giá trị và số lượng.

“Số lượng thương vụ tăng gấp hai lần trong khi tổng giá trị tăng trưởng hơn gấp ba lần so với cả năm 2020, đạt gần 1 tỷ USD, thậm chí vượt mức trước khi dịch xảy ra. Nhân tố thúc đẩy chính đến từ nhu cầu đầu tư cho cơ sở hạ tầng công nghệ cũng như để đáp ứng nhu cầu sử dụng các dịch vụ trực tuyến thay thế trong hoàn cảnh dịch bệnh đang diễn ra”, ông Warrick

Cleine nói và cho rằng, giao dịch trực tuyến được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát triển kể cả sau khi dịch kết thúc nhờ vào quyết tâm chuyển đổi số của Chính phủ, cùng với đó là sự tăng trưởng về số lượng người tiêu dùng trẻ có hiểu biết về công nghệ.

Ngoài ra, lĩnh vực năng lượng tái tạo được rất nhiều nhà đầu tư lao vào cuộc đua. Với định hướng phát triển của Chính phủ với năng lượng tái tạo trong những năm qua đã tạo nhiều cơ hội cho nhà đầu tư trong và ngoài nước. Điển hình, BCG Energy thuộc Bamboo Capital là tên tuổi rất tích cực trên thị trường trong vấn đề thu hút vốn của các nhà đầu tư.

Theo bà Thương Phạm, Phó tổng giám đốc, kiêm Giám đốc tài chính Công ty BCG Energy, BCG có mảng năng lượng tái tạo và thu hút nguồn vốn của nhà đầu tư, Công ty cũng nhận thấy sự hỗ trợ của Chính phủ trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Trên thực tế, doanh nghiệp này đã có nhiều thương vụ thành công trong việc thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Trong đó, nổi bật là thương vụ gọi vốn thành công 43,6 triệu USD, tương đương hơn 1.018 tỷ đồng từ Leader Energy dưới dạng trái phiếu chuyển đổi để đầu tư vào mảng năng lượng tái tạo của BCG.

“Tại COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tham gia và đưa ra tầm nhìn của Chính phủ là sẽ thay đổi, chuyển hóa các dự án năng lượng than sang năng lượng tái tạo, tạo cơ hội rất lớn với cơ hội đầu tư tại thị trường Đông Nam Á”, bà Thương cho hay.

Cùng với các ngành này, lĩnh vực được cho là sẽ thu hút sự quan tâm lớn của nhà đầu tư quốc tế còn có tài nguyên, công nghiệp, hàng không, dược phẩm… bùng nổ khi xu hướng tái cơ cấu các tập đoàn tư nhân trong nước, cộng với sự dịch chuyển dòng vốn sản xuất đến Việt Nam… là các yếu tố được kỳ vọng giúp thị trường M&A bật dậy mạnh mẽ.

Ông Lê Khánh Lâm, Chủ tịch Công ty RSM Việt Nam chia sẻ, các doanh nghiệp FDI có niềm tin cao với thị trường Việt Nam trong các năm tới. Song trước khi đưa ra quyết định với thương vụ lớn, nhà đầu tư cũng cần nhìn nhận và cảm nhận nhiều thông tin khác nữa. Các lĩnh vực hấp dẫn với hoạt động M&A như fintech, dịch vụ tài chính, logistics… đang khiến nhiều nhà đầu tư lạc quan.

“Những ngành nghề chịu tác động trong giai đoạn vừa qua như bán lẻ, F&B, giải trí, du lịch, hàng không… vẫn đang phải chịu tác động quá nặng nề do giới hạn việc đi lại”, ông Lâm nói, đồng thời nhấn mạnh, năm 2022 có dư địa bật lại mạnh mẽ cho Việt Nam, nhưng vẫn còn nhiều tổn hại đến bảng cân đối kế toán của các doanh nghiệp.

Thậm chí, sẽ là năm để “vá lại” những tổn thất đó trên bảng cân đối kế toán. Đây cũng là cơ hội cho các nhà đầu tư có tiềm lực mạnh M&A vào lĩnh vực này.

Trọng Tín

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục