Vay tiền nhưng… không chi đạt
Theo UBND TP.HCM, Thành phố đang thực hiện 6 dự án ODA, gồm 4 dự án nhóm A và 2 dự án nhóm B, với tổng vốn đầu tư 17.566 tỷ đồng, trong đó vốn ODA là 98.154 tỷ đồng, vốn đối ứng là 19.412 tỷ đồng.
Năm 2013, kế hoạch vốn ODA giao cho TP.HCM là 5.702,808 tỷ đồng, vốn đối ứng là 1.370,148 tỷ đồng. Lũy kế giải ngân từ đầu năm đến ngày 31/12/2023, vốn vay ODA là 3.805,592 tỷ đồng, chỉ đạt 66,73% so với kế hoạch vốn được giao; vốn đối ứng là 583,524 tỷ đồng, chỉ đạt 42,59% so với kế hoạch vốn được giao.
Trong 4 dự án nhóm A giải ngân, thì Dự án Xây dựng đường sắt đô thị số 1 TP.HCM (tuyến Bến Thành - Suối Tiên) có vốn vay ODA 2.913,286 tỷ đồng, lũy kế giải ngân đạt 72,32% so với kế hoạch vốn được giao; Dự án Xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 (tuyến Bến Thành - Tham Lương), vốn đối ứng là 232,490 tỷ đồng, lũy kế giải ngân đạt 40,23% so với kế hoạch vốn được giao.
Ngoài ra, Dự án Cải thiện môi trường nước TP.HCM lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ (giai đoạn II) có vốn vay ODA là 425,011 tỷ đồng, lũy kế giải ngân đạt 68,03% so với kế hoạch vốn được giao; Dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM giai đoạn II có vốn vay ODA 461,426 tỷ đồng, lũy kế giải ngân đạt 48,57% so với kế hoạch vốn được giao.
Như vậy, năm 2023, tỷ lệ giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi và vốn đối ứng các dự án ODA của TP.HCM không đạt kế hoạch.
Vì đâu nên nỗi?
Lãnh đạo UBND TP.HCM cho rằng, nguyên nhân đầu tiên của tình trạng trên là cơ quan chức năng Thành phố vừa phải tuân thủ các quy trình thủ tục trong nước, vừa phải tuân thủ các quy định, yêu cầu của nhà tài trợ, dẫn đến tình trạng các dự án phát sinh nhiều thủ tục hành chính. Thời gian chờ ý kiến không phản đối của nhà tài trợ ở giai đoạn thực hiện dự án bị kéo dài, làm chậm tiến độ triển khai dự án.
Ngoài ra, còn có vướng mắc do chậm nhận được ý kiến không phản đối của nhà tài trợ đối với hồ sơ mời thầu, các hồ sơ có liên quan trong toàn bộ quá trình triển khai dự án, lý do có thể trực tiếp từ nhà tài trợ (Dự án Cải tạo phục hồi đường cống thoát nước cũ, xuống cấp bằng công nghệ không đào hở).
Một số chủ đầu tư chưa quyết liệt thực hiện theo kế hoạch, tiến độ giải ngân; công tác thiết kế công trình, đấu thầu, thẩm định, phê duyệt chậm do trình độ chuyên môn và năng lực của chủ đầu tư, tư vấn, chất lượng hồ sơ chưa đạt yêu cầu, phải điều chỉnh nhiều lần...
Mặt khác, Thành phố gặp khó khăn trong việc xác định chỉ số giá để tiến hành điều chỉnh giá cho tất cả các hợp đồng của Dự án Xây dựng đường sắt đô thị số 1 chưa được giải quyết dứt điểm do Bộ Xây dựng chưa ban hành chỉ số giá cho công trình metro từ khi bắt đầu dự án cho đến nay (hiện chỉ thanh toán tạm 70% giá trị điều chỉnh giá sử dụng chỉ số giá của Tổng cục Thống kê ban hành); thực hiện điều chỉnh thiết kế phòng cháy chữa cháy để bổ sung hoàn thiện hồ sơ nghiệm thu, thanh toán (Hạng mục Tháp thông gió của Gói thầu CP1a - đoạn ngầm từ ga Bến Thành đến ga Nhà hát Thành phố).
Bên cạnh đó, tiến độ Dự án Xây dựng đường sắt đô thị số 1 đến nay đạt tỷ lệ hơn 97%, vốn ODA đã bố trí cho Dự án, nhưng không thể giải ngân theo tiến độ thực tế do chưa hoàn tất các thủ tục theo điều khoản hợp đồng. Nguyên nhân là các gói thầu chính của Dự án với đặc điểm trong hợp đồng được ký kết giữa các bên, việc thanh toán một hạng mục công việc/mốc thanh toán lớn chỉ có thể tiến hành khi nhà thầu hoàn thành 100%.
Cụ thể, đối với Gói thầu CP3 (gói thầu mua sắm thiết bị cơ điện, đầu máy toa xe, đường ray và bảo dưỡng), có những hệ thống đã được nhà thầu nhập khẩu thiết bị đến 95%, nhưng vẫn chưa thể thanh toán do đặc điểm trên. Đối với công tác thi công lắp đặt tại công trường, do đặc tính là gói thầu thiết bị, sau khi hoàn thành lắp đặt phải có kết quả thử nghiệm hệ thống mới có thể tiến hành thanh toán, chứ không thể thanh toán cho phần lắp đặt thiết bị...
Ngoài ra, trong quá trình thi công lắp đặt cống bằng phương pháp khoan kích ngầm của Dự án Cải thiện môi trường nước TP.HCM lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - kênh Đôi - Tẻ (giai đoạn II), đã gặp phải một số chướng ngại vật dưới lòng đất không thể lường trước được; định mức chi phí cho công tác xử lý chướng ngại vật này chưa có trong quy định của Việt Nam.
Nhà thầu xem chi phí xử lý chướng ngại vật không lường trước này và chi phí để duy trì máy móc, nhân sự phục vụ thi công để có thể thi công trở lại ngay sau khi xử lý xong chướng ngại vật trong thời gian chờ đợi này là chi phí phát sinh hợp lý để phục vụ thi công gói thầu theo đúng yêu cầu thiết kế. Đây là một dạng chi phí chưa từng có tiền lệ trong các hợp đồng ODA ở Việt Nam và giá trị do nhà thầu đề xuất rất lớn.
Ngoài ra, việc triển khai các công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng cũng gặp khó, dự án phải điều chỉnh thời gian thực hiện, gia hạn, điều chỉnh hiệp định vay (Dự án Xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2, tuyến Bến Thành - Tham Lương).
UBND TP.HCM kiến nghị cấp thẩm quyền bổ sung vốn trung hạn 2021-2025 cho Dự án Xây dựng đường sắt đô thị số 1 |
Do cả năng lực thực hiện dự án
Về việc giải ngân vốn vay không đạt, lãnh đạo TP.HCM không phủ nhận nguyên nhân do năng lực tổ chức thực hiện dự án chưa đáp ứng yêu cầu. Một số chủ đầu tư chưa quyết liệt thực hiện theo kế hoạch, tiến độ giải ngân; công tác thiết kế công trình, đấu thầu, thẩm định, phê duyệt chậm do trình độ chuyên môn và năng lực của chủ đầu tư, tư vấn, chất lượng hồ sơ chưa đạt yêu cầu, nên phải điều chỉnh nhiều lần; một số chủ đầu tư còn lúng túng trong chuẩn bị, thực hiện dự án, hoạt động mua sắm đấu thầu theo quy định của nhà tài trợ.
Bên cạnh đó, công tác dự báo nhu cầu, kế hoạch vốn chưa sát với tình hình triển khai thực tế của các dự án. Cụ thể, Dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM giai đoạn II đăng ký nhận thêm 150 tỷ đồng vốn kế hoạch 2023, nhưng chưa giải ngân hết; Dự án Cải tạo phục hồi đường cống thoát nước cũ, xuống cấp bằng công nghệ không đào hở không triển khai được công tác lựa chọn nhà thầu do phải chờ ý kiến của JICA đối với việc điều chỉnh quy mô, thời gian thực hiện dự án... (chỉ giải ngân được khoảng 6/100 tỷ đồng).
Đó là chưa nói, sự chậm trễ trong việc đệ trình thiết kế bản vẽ thi công, biện pháp thi công và các hồ sơ cần thiết khác; chậm trễ trong công tác đệ trình thầu phụ và mua sắm thiết bị và chậm trễ trong công tác bổ nhiệm nhân sự giám đốc thi công/quản lý xây dựng của nhà thầu gây ảnh hưởng đến tiến độ của dự án. Nhà thầu chưa đưa ra các biện pháp cụ thể để khắc phục các chậm trễ và các hành động cho thấy sự nỗ lực của nhà thầu trong công tác đẩy nhanh tiến độ thi công.
Thay vào đó, trong các cuộc họp cấp quản lý, nhà thầu thường xuyên đề xuất giải quyết những khiếu nại, nhưng những vấn đề này lại không ảnh hưởng đến tiến độ, như vấn đề trượt giá, khiếu nại về thuế VAT (Dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM giai đoạn II).
Các bộ, ngành cần sớm gỡ vướng
Lãnh đạo TP.HCM cho rằng, Thành phố nhận thấy nhu cầu vận động nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi để đầu tư các dự án trên địa bàn trong lĩnh vực phát triển hạ tầng kỹ thuật, giảm ùn tắc giao thông và ứng phó biến đổi khí hậu là rất lớn. Do đó, để tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án ODA, cũng như tranh thủ vận động nguồn vốn ODA từ các nhà tài trợ để đầu tư phát triển Thành phố, UBND TP.HCM kiến nghị cấp thẩm quyền bổ sung vốn trung hạn 2021-2025 cho Dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1, tuyến Bến Thành - Suối Tiên.
Cũng dự án này, Bộ Xây dựng cần sớm có ý kiến thống nhất về vấn đề chỉ số giá xây dựng trong nước để điều chỉnh giá hợp đồng; về áp dụng quy định QCVN 08:2018/BXD về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia Công trình tàu điện ngầm.
Bộ Tài chính hoàn tất các thủ tục hiệu lực Thỏa thuận vay lần 4; thủ tục ký kết hợp đồng cho vay lại để làm cơ sở cho Thành phố đăng ký, bố trí vốn cho dự án này và sớm có ý kiến hướng dẫn về chính sách thuế để thực hiện hợp đồng số WEI/CON/J/2014 ký ngày 25/12/2014 để thi công Gói thầu J “Mở rộng nhà máy xử lý nước thải” thuộc Dự án Cải thiện môi trường nước TP.HCM lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - kênh Đôi - Tẻ (giai đoạn II).
Với Dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM giai đoạn II, UBND Thành phố kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu Dự án làm cơ sở Thành phố thực hiện các bước tiếp theo.