Nhận diện nguyên nhân suy giảm lợi nhuận DN

(ĐTCK)Trong rất nhiều yếu tố tác động đến sự sụt giảm doanh thu, lợi nhuận của DN năm 2011, lạm phát đình đốn mới là căn nguyên cơ bản.

 Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự suy giảm và thua lỗ của đa số công ty niêm yết, thường được các doanh nghiệp viện dẫn, là do lãi suất cao và khó tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng. Lý do này chỉ đúng một phần. Có lẽ, khó khăn về tiêu thụ sản phẩm và sự thu hẹp “cánh kéo” giữa giá bán và giá vốn mới thực sự là những nguyên chính dẫn đến sự suy giảm mạnh lợi nhuận của các doanh nghiệp trong năm 2011. Chúng ta hãy cùng nhìn nhận vấn đề này qua những con số thống kê vĩ mô chung và qua số liệu cụ thể của doanh nghiệp.

Trước hết, hãy bắt đầu từ các con số thống kê chung. Nếu năm 2009 được gọi là năm “kích cầu đầu tư”, năm 2010 là năm “thích ứng linh hoạt” từ thắt chặt sang nới lỏng rồi lại thắt chặt, thì năm 2011 là năm kiên định và nhất quán với chính sách tiền tệ và tài khóa “chặt chẽ”. Tổng mức đầu tư toàn xã hội so với GDP đã có sự giảm sút đáng kể từ mức 42,9% (năm 2009) xuống mức 41,1% (năm 2010) và còn 34,6% (năm 2011). Tốc độ tăng trưởng tín dụng ngân hàng cũng giảm mạnh từ mức 37,73% (năm 2009) xuống mức 27,65% (năm 2010) và chỉ còn 12% (năm 2011). Cùng xu hướng đó, tốc độ tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán cũng giảm (năm 2009 là 28,67%, năm 2010 là 23% và năm 2011 là khoảng 10%).

Hệ quả của chính sách đầu tư và tín dụng rộng rãi, vượt quá sức hấp thụ của nền kinh tế, đã làm cho CPI tăng rất nhanh qua các năm gần đây (năm 2009 là 6,52%, năm 2010 là 11,75%, năm 2011 lên đến con số 18,13%) và nền kinh tế trở nên bất ổn. Nếu lãi suất cao tác động chủ yếu vào khía cạnh cung của thị trường hàng hóa, làm tăng chi phí và giá thành sản phẩm của người cung ứng, thì sự bất ổn vĩ mô và lạm phát cao lại tác động đồng thời vào cả hai phía cung và cầu.

Bên cạnh việc làm tăng chi phí sản xuất và tạo sự bất an đối với doanh nghiệp, lạm phát cao và bất ổn vĩ mô còn làm sụt giảm thu nhập (do đồng tiền bị mất giá) và hạn chế chi tiêu của người tiêu dùng. Điều đó đã tác động đến việc tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tốc độ tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (sau khi đã loại trừ yếu tố giá) đã chậm lại trong những năm qua (năm 2009 là 11%, năm 2010 là 14%, còn năm 2011 chỉ là 4,7%). Mặc dù chỉ số tiêu thụ sản phẩm chung của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn tăng (tốc độ tăng của năm 2010 là 12,3% và năm 2011 là 15,8%), nhưng đối với một số ngành đã có sự suy giảm mạnh (như xi măng và sắt thép).

Những số liệu về các loại chỉ số giá cũng cho thấy, “cánh kéo” chênh lệch giữa giá sản xuất và giá tiêu thụ cũng bị thu hẹp lại. Cụ thể là, mặc dù chỉ số giá bán sản phẩm của người sản xuất hàng nông, lâm, thủy sản trong năm 2011 tăng 31,8% so với năm 2010, nhưng chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho lĩnh vực này cũng tăng không kém (tăng 30,65%). Trong khi chỉ số tiêu dùng (CPI) tăng 18,13%, thì chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất năm 2011 tăng 21,27% so với năm 2010, chỉ số giá nhập khẩu nguyên liệu tăng 22,89%, chỉ số giá cước vận tải năm 2011 tăng 18,52% so với năm 2010…

Những con số trên cho thấy, các nhà sản xuất trong năm 2011 không những phải đương đầu với những khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm và dịch vụ do giảm đầu tư và thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng, mà còn phải chịu sức ép của sự thu hẹp “cánh kéo” giữa giá bán và giá vốn do lạm phát và bất ổn vĩ mô.

Hãy cùng xem xét vấn đề này qua một doanh nghiệp cụ thể, CTCP Cao su Đà Nẵng (mã DRC). Đây là một trong những công ty dựa khá nhiều vào vốn vay ngân hàng, chịu tác động mạnh của tỷ giá (để có một đồng doanh thu, công ty phải sử dụng khoảng 0,7 đồng vốn vay ngân hàng).

Năm 2009, DRC là một trong số ít công ty niêm yết có mức tăng trưởng lợi nhuận cực kỳ ấn tượng (tăng gấp hơn 3 lần so với năm 2008), nhờ doanh thu tăng mạnh (41%), trong khi giá vốn chỉ tăng 14%. Với mức lợi nhuận thuần “khủng” từ hoạt động sản xuất - kinh doanh (đạt 437 tỷ đồng), thì mức chi phí tài chính lớn (bao gồm lãi vay và chênh lệch tỷ giá) lên đến 38 tỷ đồng trong năm 2009 cũng không ảnh hưởng nhiều đến lợi nhuận sau thuế của DRC.

Sang năm 2011, tình hình đã khác. Doanh thu chỉ tăng 22%, nhưng giá vốn lại tăng 25% so với 2010, làm cho hiệu suất sinh lời (lợi nhuận từ SXKD/doanh thu) trong năm 2011 chỉ còn 11,6%, trong khi trong năm 2009, con số đó là 23,6%. Mặc dù chi phí tài chính (chỉ tính lãi vay và chênh lệch tỷ giá), xét về con số tuyệt đối, tuy không tăng là mấy, nhưng so với lợi nhuận từ SXKD, tỷ lệ này lại tăng mạnh từ mức 9%(năm 2009) lên 15% (2011).

Những con số thống kê trên cho thấy, tác động của lãi suất đến lợi nhuận của doanh nghiệp là có, nhưng không bằng tác động của việc suy giảm thị trường tiêu thụ và sự yếu kém trong năng lực cạnh tranh của bản thân doanh nghiệp. Với chính sách kiểm soát chặt chẽ dòng vốn đầu tư và tín dụng trong năm 2012, đây có lẽ là yếu tố tiên quyết mà doanh nghiệp phải tính đến trong việc xây dựng kế hoạch kinh doanh năm 2012.

Phạm Kinh Luân
Phạm Kinh Luân

Tin cùng chuyên mục