CTCK Hoàng Gia (ROSE) có vốn điều lệ 35 tỷ đồng. Tại thời điểm cuối tháng 9/2014, vốn chủ sở hữu chỉ còn hơn 22 tỷ đồng. Kể từ khi thành lập vào cuối năm 2006, ROSE tăng vốn đúng 1 lần, từ 20 tỷ đồng lên 35 tỷ đồng. Kết quả hoạt động các năm qua rất lèo tèo. ROSE gần như vô danh trên thị trường.
Đầu tháng 12/2014, HĐQT đã ra nghị quyết tăng vốn thêm 100 tỷ đồng bằng cách chào bán 10 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cổ phần. Đợt chào bán dự kiến sẽ được thực hiện ngay trong tháng 12. Quyết định này được đưa ra sau khi một nhóm nhà đầu tư mới bước vào, thay thế toàn bộ bộ máy lãnh đạo cũ, và có lẽ với mức giá chào bán nêu trên thì cũng chỉ có nhóm nhà đầu tư mới này mua.
Những người mới này chẳng phải ai xa lạ, nhiều người trong số họ chính là “người cũ” của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank). Họ rời Sacombank sau khi ông Đặng Văn Thành không còn ngồi ghế Chủ tịch, và hiện nay họ vẫn sát cánh bên ông Thành tại Tập đoàn Thành Thành Công (TTC Group).
Cụ thể, tân Chủ tịch ROSE, ông Trần Xuân Huy, từng là thành viên HĐQT và Tổng giám đốc Sacombank. Có thông tin là ông Huy hiện đang giúp ông Thành quản lý Công ty Việt Thành Công (Viet Victory) chuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng cho sinh viên ngành ngân hàng cũng như những người đang làm việc tại các ngân hàng.
Còn bà Trần Mỹ Phân, tân Tổng giám đốc ROSE, và ông Võ Duy Đạo, thành viên HĐQT mới của ROSE, hiện đều là thành viên Hội đồng chủ tịch TTC Group. Ông Đạo trước đây từng giữ chức Tổng giám đốc CTCK Sacombank (SBS).
Một CTCK khác cũng vừa được “thay máu”, đó là Hồng Bàng (HBSC). HBSC mờ nhạt không kém ROSE. HBSC bị kiểm soát đặc biệt từ tháng 5-9/2013 do không đáp ứng quy định về chỉ tiêu an toàn tài chính. “Án” đưa ra là khi hết thời hạn kiểm soát đặc biệt mà vẫn không khắc phục được và lỗ lũy kế từ 50% vốn điều lệ trở lên sẽ bị đình chỉ hoạt động. Cuối cùng, HBSC cũng thoát nạn bằng cách tăng vốn từ 35 tỷ đồng lên 50 tỷ đồng, khiến tỷ lệ lỗ luỹ kế trên vốn điều lệ trong quý III/2013 giảm từ 62,3% xuống còn 46,7%.
Ngày 30/11/2014, HBSC họp cổ đông bất thường thông qua việc thay đổi toàn bộ thành viên HĐQT và Ban kiểm soát. Ngay sau đó, HĐQT ra quyết định bổ nhiệm ông Vũ Đình Hưng làm Chủ tịch HĐQT, bà Vũ Hồng Hạnh giữ chức Quyền Tổng giám đốc và bà Nguyễn Thị Quy làm Kế toán trưởng.
Chỉ sau hơn 1 tháng, vào ngày 3/12/2014, HĐQT lại ra quyết định miễn nhiệm chức danh Quyền Tổng giám đốc đối với bà Hạnh, đồng thời bổ nhiệm ông Đinh Thế Lợi làm Tổng giám đốc. Tất cả những người mới này trước đây đều từ CTCK Phương Đông (ORS), nơi bà Hạnh từng giữ chức Tổng giám đốc. Theo tìm hiểu của ĐTCK, việc đầu quân vào HBSC là do bà Hạnh “chủ xị” và mặc dù không chính danh làm Tổng giám đốc nhưng công việc điều hành vẫn do bà cầm trịch. Nhiều nhân viên khác của ORS cũng chuyển qua HBSC, giống như thể HBSC là “ORS thứ 2”.
Chuyện “thay máu” tại ROSE và HBSC gợi nhớ lại giai đoạn năm 2006 - 2008, khi mà nhiều “nhà đầu tư” đổ về nông thôn tìm kiếm những ngân hàng vô danh, sau đó tăng vốn và đưa chúng lên “đô thị”. Chỉ có điều, “máu mới” trước đây là các “đại gia” và phần lớn họ là dân “ngoại đạo” với tài chính, còn “máu mới” tại 2 CTCK vừa nêu lại là những người đã từng lăn lộn trong lĩnh vực này.
Nói đến ORS, gần đây, CTCK này cũng công bố thay đổi chủ tịch HĐQT. Người đảm nhiệm vị trí này nay là ông Phan Vũ Tuấn. Ông Tuấn được Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) tiến cử làm người đại diện phần vốn cho Ngân hàng tại ORS. Hiện ông Tuấn cũng là người đại diện theo pháp luật của CTCK này.
Tuần trước, ORS công bố nghị quyết của HĐQT về việc thông qua chủ trương hợp nhất hoặc sáp nhập với một CTCK khác, song danh tính “CTCK khác” vẫn chưa được tiết lộ.
Thời điểm ông Tuấn về làm Chủ tịch ORS cũng là lúc CTCK Châu Á (ASC) công bố miễn nhiệm tư cách thành viên HĐQT và sau đó quyết định miễn nhiệm chức danh Giám đốc điều hành của ông Tuấn tại ASC. Tuy nhiên, hiện ông Tuấn vẫn cùng một số nhân vật chủ chốt của ASC điều hành Văn phòng Công chứng Châu Á với vị trí Phó giám đốc điều hành tại đây.
Một số nguồn tin thân cận cho biết, có khả năng ORS và ASC sẽ về với nhau. Tuy nhiên, ASC là CTCK nhỏ, còn ORS đang lỗ luỹ kế 210 tỷ đồng trên vốn điều lệ 240 tỷ đồng và có khả năng lỗ luỹ kế hết năm nay sẽ lớn hơn vốn điều lệ, nên việc hợp nhất hoặc sáp nhập giữa 2 CTCK này chưa biết sẽ giải quyết vấn đề gì.