Nhận diện đầy đủ hơn khó khăn, thách thức trong hội nhập kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ cần nêu đầy đủ hơn các thách thức, khó khăn đã và đang đặt ra thi thực hiện các nội dung đã cam kết trong các FTA mà Việt Nam là thành viên.
Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu, nhiệm kỳ này Chính phủ đã rất thành công trong hội nhập kinh tế. Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu, nhiệm kỳ này Chính phủ đã rất thành công trong hội nhập kinh tế.

Nhiệm kỳ 2016 - 2021 kinh tế hội nhập rất sâu rộng, tuy nhiên báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Chính phủ cần nêu rõ và đầy đủ hơn các thách thức, khó khăn đã và đang đặt ra cho Chính phủ khi chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nội dung đã cam kết trong các FTA mà Việt Nam là thành viên.

Đó là ý kiến của Uỷ ban Đối ngoại Quốc hội khi tham gia thẩm tra báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2016-2021 của Chính phủ. Báo cáo này vừa được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 53.

Sức ép cạnh tranh rất lớn

Nhận xét Chính phủ đã rất thành công trong hội nhập kinh tế, Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu điểm lại, nhiệm kỳ này Việt Nam đã ký kết và phê chuẩn các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới CPTPP, EVFTA, EVIPA, RCEP và mới đây ký FTA giữa Việt Nam và Vương quốc Anh.

Đây là những hiệp định mở ra động lực mới cho sự phát triển bền vững của đất nước, tác động mở rộng thị trường, thúc đẩy hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và đặc biệt là thước đo để đánh giá tăng năng lực cạnh tranh ở 3 cấp độ quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm - ông Giàu khái quát.

Tuy nhiên, Uỷ ban Đối ngoại vẫn chỉ ra không ít khó khăn, thách thức. Đó là đối với các ngành sản xuất, dịch vụ thì khả năng tiếp cận thị trường các nước thành viên, đặc biệt trong bối cảnh các quốc gia tăng cường áp dụng hàng rào thương mại phi thuế quan, khả năng vượt qua rào cản kỹ thuật, thâm nhập và mở rộng thị trường nước ngoài của nhiều mặt hàng trong nước còn hạn chế. Trong khi đó, một số thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc có quy định chặt chẽ và khắt khe đối với nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, tiêu chuẩn chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Cơ quan thẩm tra cũng đề cập khó khăn trong việc duy trì khả năng cạnh tranh trong thị trường nội địa. Khi các FTA được thực thi, cam kết mở cửa thị trường dịch vụ, đầu tư, phân phối sẽ làm tăng làn sóng đầu tư của doanh nghiệp các nước thành viên vào thị trường nước đối tác. Chỉ có một số ít doanh nghiệp trong nước lớn như Saigon Co.op, VinCommerce, Thegioididong, Bách hóa Xanh, Satra, BRG Retail mới đủ năng lực để cạnh tranh, khẳng định vị thế của mình trên thị trường. Cùng với hệ thống phân phối của các nhà bán lẻ nước ngoài khác hiện có tại Việt Nam như Lotte, Emart (Hàn Quốc), Aeon (Nhật Bản), Metro, BigC (Thái Lan), sức ép cạnh tranh đối với doanh nghiệp phân phối và bán lẻ trên thị trường dịch vụ phân phối, bán lẻ là rất lớn.

Điều này cũng đặt ra lo ngại về việc các hệ thống phân phối bán lẻ nước ngoài tăng cường đưa hàng hóa của doanh nghiệp nước họ sang tiêu thụ tại Việt Nam, làm suy giảm thị phần của hàng hóa sản xuất trong nước.

Bên cạnh đó, cam kết giảm thuế trong các FTA sẽ dẫn đến tăng cạnh tranh với sản xuất trong nước, mặc dù có lộ trình thực hiện để các doanh nghiệp và ngành hàng chuẩn bị. Nguy cơ cạnh tranh thiếu lành mạnh từ hoạt động thương mại là thách thức rất lớn trong thời gian tới nếu không có giải pháp phù hợp, trong khi việc xây dựng, áp dụng các biện pháp phi thuế quan, hàng rào kỹ thuật của nước ta còn hạn chế. Cơ sở hạ tầng, đặc biệt cơ sở giao thông chưa đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của thị trường, dẫn đến chi phí vận chuyển, logistics tăng, làm tăng giá thành sản phẩm, dịch vụ và từ đó giảm sức cạnh tranh của các ngành hàng trong nước - Uỷ ban Đối ngoại phân tích.

Tại báo cáo tham gia thẩm tra, cơ quan của Quốc hội cũng nêu thách thức trong việc nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu của các nước đối tác. Việt Nam chủ yếu tham gia trong các phân khúc giá trị thấp của chuỗi cung ứng toàn cầu, đóng góp của khoa học và công nghệ vào nâng cao chuỗi giá trị khá thấp. Giá trị gia tăng xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam tăng bình quân 8,7%/năm trong giai đoạn 2005-2019, thấp hơn đáng kể so với tốc độ gia tăng xuất khẩu 16,6%/năm. Năm 2019, giá trị gia tăng xuất khẩu của Việt Nam đạt 68,9 tỷ USD, chỉ bằng 24,5% giá trị xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của cả nước.

Mức chênh lệch lớn cho thấy giá trị gia tăng của các công đoạn sản xuất thực hiện tại nước ta trong chuỗi cung ứng toàn cầu là khá thấp. Trong khi các nước cạnh tranh như Trung Quốc và Thái Lan có khả năng tham gia vào toàn bộ chuỗi cung ứng ngành dệt may, Việt Nam chỉ dừng lại ở khâu cuối cùng là gia công theo hình thức lắp ráp các chi tiết nhập khẩu (gia công CMT) hoặc hoàn thành các sản phẩm quần áo/giày dép từ các nguyên liệu nhập khẩu từ các quốc gia khác (gia công FOB) - báo cáo nêu rõ.

Lo hoàn thiện thể chế

Khả năng hấp thụ của nền kinh tế và định hướng dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam dưới tác động của các FTA thế hệ mới vào các lĩnh vực và địa bàn ưu tiên cũng là vấn đề cần được nhìn nhận kỹ hơn, theo Uỷ ban Đối ngoại.

Cơ quan thẩm tra cho rằng, khả năng hấp thụ dòng vốn FDI vào Việt Nam phụ thuộc vào 4 yếu tố là thể chế, kết cấu hạ tầng, chất lượng lao động và sự phát triển của công nghiệp phụ trợ. Về tổng thể, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam đã có sự cải thiện đáng kể, nhưng xếp hạng Chỉ số cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Việt Nam năm 2019 chỉ đạt vị trí thứ 67, thấp hơn đáng kể so với Malaysia (vị trí 27), Thái Lan (vị trí 40), Philippines (vị trí 64), Indonesia (vị trí 50) và Trung Quốc (vị trí 28).

Chất lượng kết cấu hạ tầng được cải thiện, song năng lực của cảng biển, cảng hàng không quốc tế và tính kết nối của mạng lưới giao thông đa phương thức còn hạn chế; chi phí vận tải cao, dịch vụ logistics chậm phát triển. Chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế, tỷ trọng lao động qua đào tạo và chất lượng đào tạo thấp, chưa đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp FDI phải tăng cường sử dụng lao động nước ngoài ở hầu hết vị trí quản lý doanh nghiệp. Công nghiệp hỗ trợ chậm phát triển, ít doanh nghiệp trong nước có khả năng nâng cấp công nghệ để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp FDI. Doanh nghiệp nội địa chủ yếu tham gia vào chuỗi cung ứng của công ty xuyên quốc gia trong các phân khúc thâm dụng lao động và trình độ công nghệ thấp.

Vấn đề nữa cũng cần đánh giá đầy đủ hơn là việc sửa đổi hệ thống pháp luật, hoàn thiện thể chế để thực thi các cam kết trong các FTA, đặc biệt trong các FTA thế hệ mới như CPTPP và EVFTA, theo cơ quan thẩm tra là một thách thức lớn.

Để thực thi các cam kết trong CPTPP, Việt Nam phải sửa đổi 10 luật, 22 nghị định và ban hành mới 09 văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời phải rà soát các đạo luật khác ngoài cam kết để đảm bảo lợi ích cao nhất trong quá trình hội nhập. Bên cạnh đó, thách thức hoàn thiện pháp luật cũng đặt ra khi hết thời hạn của các điều khoản tạm hoãn thực hiện nghĩa vụ theo quy định của FTA hay các thư song phương mà Việt Nam đã ký kết với từng nước thành viên của FTA. Nhiều quy định pháp luật chưa theo kịp với các nước đối tác khác, gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp trong nước và nước ngoài - cơ quan thẩm tra lo ngại.

An Nguyên
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục