Nhận diện "cơ hội, rủi ro” mùa đại hội 2024

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thuận lợi và khó khăn đan xen, trong đó có cơ hội từ việc các doanh nghiệp tăng vốn, đẩy mạnh triển khai dự án.

Triển vọng khả quan

Chuyên gia chứng khoán Nguyễn Việt Quang cho rằng, bên cạnh cơ hội đầu tư từ triển vọng kinh doanh khả quan khi kinh tế hồi phục, sẽ có những doanh nghiệp bộc lộ sự yếu kém sau giai đoạn dài trước đó chống chịu với dịch bệnh Covid-19 và suy thoái kinh tế.

“Mùa đại hội cổ đông 2022, không ít doanh nghiệp xác định sẽ bắt đầu lại ‘cuộc chơi’, nhưng sang năm 2023 vẫn đối mặt với nhiều khó khăn khiến doanh nghiệp nhóm này kiệt quệ, nên năm 2024 có thể không còn sức để bật dậy”, ông Quang nói.

Thực tế, lợi nhuận bình quân năm 2023 của các doanh nghiệp trên toàn thị trường chứng khoán giảm gần 7%, riêng nhóm phi tài chính giảm gần 19% so với năm 2022. Một số doanh nghiệp ghi nhận lỗ lớn như Công ty cổ phần Đầu tư LDG lỗ hơn 527 tỷ đồng, Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai lỗ 1.098 tỷ đồng.

Mặc dù vậy, năm 2024, triển vọng kinh tế nói chung, thị trường chứng khoán nói riêng được hầu hết các tổ chức đánh giá khả quan.

Công ty Chứng khoán KB Việt Nam vừa điều chỉnh dự báo chỉ số VN-Index thời điểm cuối năm 2024 từ 1.330 điểm lên 1.360 điểm khi nâng dự báo tăng trưởng lợi nhuận trên mỗi cổ phần của các doanh nghiệp niêm yết trên HOSE từ 16% lên 19%, trong khi duy trì mức P/E kỳ vọng toàn thị trường cuối năm nay là 15,3 lần.

Về triển vọng lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết, Công ty Chứng khoán SSI (SSI) dự báo, năm 2024 có thể đạt mức tăng bình quân 15 - 16%; Công ty Chứng khoán MB kỳ vọng, lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết sẽ tăng bình quân 16,8% trong năm nay.

SSI nhận định về thị trường chứng khoán tháng 4/2024: “Cao điểm mùa công bố báo cáo tài chính quý I và đại hội cổ đông, cùng các chủ đề liên quan đến tăng trưởng như kế hoạch tăng vốn, mở rộng sản xuất - kinh doanh sẽ thu hút sự quan tâm của dòng tiền”.

Sôi động tăng vốn

Lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết năm 2024 được dự báo tăng trưởng từ 15 - 19%.

Ông Dương Quang Trung, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Chứng khoán Đầu tư Tài chính Việt Nam (VISC) cho biết, với các dự báo lạc quan về thị trường chứng khoán năm 2024, nhất là giai đoạn cuối năm, nhiều công ty chứng khoán lên kế hoạch tăng vốn để tận dụng cơ hội từ thị trường và VISC cũng không ngoại lệ. Kế hoạch của VISC là phát hành 50 triệu cổ phiếu, thu về 500 tỷ đồng nhằm bổ sung nguồn vốn cho vay giao dịch ký quỹ (400 - 450 tỷ đồng) và tự doanh chứng khoán (50 - 100 tỷ đồng).

Trong khi đó, đại hội cổ đông SSI đã thông qua phương án phát hành hơn 453,3 triệu cổ phiếu, qua đó tăng vốn điều lệ từ hơn 15.111 tỷ đồng lên gần 19.645 tỷ đồng. Tương tự, Công ty Chứng khoán Vietcap sẽ tăng vốn điều lệ từ 4.375 tỷ đồng lên gần 7.200 tỷ đồng.

Với Công ty cổ phần Ống thép Việt Đức VGPIPE (VGPIPE), doanh nghiệp này sẽ phát hành hơn 2,6 triệu cổ phiếu, dự kiến thu về hơn 26,6 tỷ đồng. Đáng chú ý, đại hội cổ đông VGPIPE đã thông qua Quy chế phân quyền đầu tư dự án bất động sản, đây được xem là bước chuyển lớn nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp tập trung nguồn lực triển khai dự án Việt Đức Legend City.

Ông Lê Minh Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị VGPIPE cho hay, dự án Việt Đức Legend City đã đáp ứng đầy đủ các điều kiện cần thiết, Công ty đang chờ Sở Xây dựng Vĩnh Phúc cấp phép để triển khai giai đoạn 1 (23 ha), đồng thời đẩy mạnh giải phóng mặt bằng giai đoạn 2 (37 ha), nhằm mục tiêu đưa sản phẩm ra thị trường trong năm 2024 để đón con sóng phục hồi ngành bất động sản.

Theo ông Trung Kiên, người sáng lập Công ty Quản lý tài sản Việt Nam Holdings Inc, giai đoạn 2020 - 2021, khi thị trường chứng khoán tăng điểm, nhiều doanh nghiệp nhóm ngành bất động sản, chứng khoán thực hiện tăng vốn “khủng” và năm 2024, hoạt động này có dấu hiệu sẽ lặp lại. Cuộc đua tăng vốn cũng sẽ diễn ra với nhóm ngân hàng.

Ở giai đoạn thị trường giao dịch sôi động, có diễn biến khả quan hiện tại, nhóm cổ phiếu tài chính - chứng khoán đáng quan tâm đầu tư.

“Với bài toán đầu tư năm nay, tôi cho rằng, cơ hội chiếm 60%, còn rủi ro 40%. Điều may mắn là các rủi ro cơ bản đã được định hình và nhận diện từ trước, các rủi ro bất ngờ, đột biến không còn nhiều và về cơ bản, mọi thứ sẽ tích cực hơn”, ông Quang nhấn mạnh.

Thành Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục