Nhận diện “chướng ngại vật” của ngành dệt may

0:00 / 0:00
0:00
Tăng trưởng cao trong 6 tháng đầu năm 2022 với kim ngạch xuất khẩu 22,3 tỷ USD, nhưng ngành dệt may lo ngại khi bước vào chặng đường nửa cuối năm, do xuất hiện một loạt “chướng ngại vật”.
Dệt may đang chịu tác động tiêu cực từ việc chi phí sợi, vải, logistics và nhân công tiếp tục neo ở mức cao. Ảnh: Đ.T Dệt may đang chịu tác động tiêu cực từ việc chi phí sợi, vải, logistics và nhân công tiếp tục neo ở mức cao. Ảnh: Đ.T

Lo tăng trưởng giảm tốc

Sáu tháng đầu năm 2022, xuất khẩu dệt may đạt kim ngạch 22,3 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2021. Dẫu vậy, kết quả này chưa thể khiến ngành dệt may yên tâm.

Giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào vẫn tiếp tục tăng phi mã; cước vận tải biển đã thiết lập một mặt bằng giá mới ở mức cao. Trước áp lực lớn của lạm phát, cầu hàng dệt may tại các thị trường lớn như Mỹ, EU đã giảm tốc… Đây là mối lo lớn, đe dọa khả năng hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 43 tỷ USD của ngành dệt may trong năm nay.

Bình quân mỗi năm, hai thị trường Mỹ và EU nhập khẩu khoảng 20 tỷ USD hàng dệt may từ Việt Nam. Theo kết quả khảo sát của Thredup, 44% người tiêu dùng Mỹ và 34% thế hệ Z (những người sinh từ sau năm 1996) sẽ cắt giảm chi tiêu cho hàng may mặc, với mức cắt giảm nhiều nhất trong số 5 nhóm hàng họ sẽ cắt giảm chi tiêu, gồm lương thực, thực phẩm, xăng dầu, nhà hàng, chi phí sinh hoạt cho hộ gia đình.

Ngành dệt may hiện có hơn 7.000 doanh nghiệp, sử dụng khoảng 3 triệu lao động, xuất khẩu dệt may của Việt Nam đứng trong top 3 trên thế giới. Năm 2021, xuất khẩu dệt may đạt 40 tỷ USD, mục tiêu năm 2022 đạt 43 - 43,5 tỷ USD.

Ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) chia sẻ, doanh nghiệp dệt may đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức do dịch Covid-19 chưa được khống chế, thậm chí tại nhiều quốc gia, tình hình dịch bệnh đang bùng phát trở lại. Trong khi đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành dệt may lại phụ thuộc rất nhiều vào chính sách chống dịch trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng.

Ngoài ra, tình hình thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến đà tăng giá năng lượng, nguyên, vật liệu. Đơn cử, trong 6 tháng đầu năm 2022, giá bông đã tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo ông Cẩm, nửa đầu năm 2022, thị trường xuất khẩu phục hồi mạnh mẽ, nhưng từ cuối quý II, đã xuất hiện những biến động về thị trường, cộng với tình hình lạm phát trên thế giới, khiến đà tăng trưởng này chậm lại.

Trong buổi làm việc với Vitas vào cuối tuần qua, nhiều doanh nghiệp dệt may tại Đồng Nai đã phản ánh về những vấn đề mà doanh nghiệp đang phải đối mặt. Công ty TNHH Saitex

International Đồng Nai cho biết, họ đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động nghiêm trọng; chi phí logistics, nguyên phụ liệu... đều tăng, trong khi từ đầu tháng 7 phải tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động.

Kéo giảm hiệu quả kinh doanh

Trong báo cáo cập nhật ngành dệt may, Trung tâm Phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) dự báo, tăng trưởng doanh thu của các doanh nghiệp dệt may tại Việt Nam sẽ giảm tốc trong 6 tháng cuối năm 2022 và năm 2023.

SSI nhận định, toàn bộ chuỗi cung ứng hàng dệt may, từ nhà sản xuất đến nhà bán lẻ sẽ chịu tác động tiêu cực từ việc chi phí sợi, vải, logistics và nhân công tiếp tục neo ở mức cao, do giá dầu tăng và sự cạnh tranh trên thị trường lao động. Theo đó, biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp sản xuất trong nước tiếp tục bị thu hẹp.

Các doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc trong nước cũng cho biết, khách hàng đã rút ngắn thời gian đặt trước đơn hàng (ngoại trừ kỳ nghỉ lễ trong quý IV/2022) do lượng hàng tồn kho ở thị trường xuất khẩu ở mức cao và áp lực lạm phát. Trước đây, khách hàng thường đặt hàng trước 6 tháng, thì nay chỉ đặt trước 3 tháng.

Dù đã đạt được kết quả ấn tượng trong nửa đầu năm, song Vitas nhận định, mục tiêu xuất khẩu 43,5 tỷ USD (theo kịch bản cao) trong năm 2022 của ngành dệt may Việt Nam vẫn là một thách thức lớn, thậm chí là khó khả thi, khi áp lực lạm phát đang tăng lên tại các thị trường nhập khẩu lớn như Mỹ, EU. Xung đột Nga - Ukraine khiến chi phí đầu vào tăng lên, đặc biệt là chi phí xăng dầu, vận chuyển, tác động đến giá thành, kéo lợi nhuận của doanh nghiệp dệt may Việt Nam giảm tốc mạnh.

Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 thừa nhận, tiêu thụ hàng dệt may tại Mỹ và EU nhiều khả năng sẽ giảm trong quý tới trước áp lực của lạm phát. Dù doanh nghiệp đã ký đơn hàng đến hết quý III/2022, một số mặt hàng thế mạnh như sơ mi, veston cao cấp đã có đơn hàng đến hết năm 2022, nhưng hoàn toàn có thể xảy ra khả năng khách hàng điều chỉnh giảm hoặc hủy đơn đột ngột nếu tồn kho tăng và sản lượng tiêu thụ giảm. Những yếu tố này sẽ kéo giảm hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Thế Hoàng
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục