Nhà xây xong phải có giấy phép mới được ở?

“Khi xây xong nhà, chủ đầu tư muốn đưa vào sử dụng thì phải được cơ quan nhà nước chứng nhận nhà đã xây dựng đúng giấy phép, đảm bảo chất lượng”
Nhiều nhà chủ đầu tư kiêm nhà thầu ở Việt Nam làm ăn gian dối, chụp giựt. Ảnh minh họa.

Phó Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng cho biết, quy định trên đã đưa vào dự thảo một nghị định sắp được trình Chính phủ.

 

Rủi ro rình rập từ những ngôi nhà kém chất lượng

 

Đến nay, vụ sập nhà làm chết hai cháu nhỏ xảy ra hồi đầu tháng 11 trên phố Tạ Quang Bửu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội vẫn làm không ít gia đình lo ngại. Một trong những nguyên nhân là do nhà xây kém chất lượng, bởi “nếu nhà được xây tốt thì việc nổ bình gas ở tầng một không thể làm đổ sập căn nhà được” như lời ông Lê Văn Thịnh, Trưởng phòng Quản lý chất lượng công trình xây dựng 1, Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng).

 

Hàng loạt vụ việc có nguyên nhân từ chất lượng đáng ngại của công trình xây dựng. Tháng 8/2010, tòa nhà ba tầng ở 442 Nguyễn Văn Linh, phường Tân Phú, quận 7, TP. HCM bị sập khi đang sửa chữa, vùi lấp bảy người. Nguyên nhân do quá trình thi công không đảm bảo kỹ thuật. Trước đó, tháng 8/2009, một căn nhà trong hẻm 149 đường Lũy Bán Bích, quận Tân Phú, TP.HCM bị sập hoàn toàn làm hai người chết, tám người bị thương nặng.

 

Kết quả giám định cho thấy hệ khung chịu lực của căn nhà không đảm bảo khả năng chịu lực. Vụ sập đổ căn nhà ở 49 Huỳnh Thúc Kháng, Đống Đa, Hà Nội cũng xuất phát từ việc cải tạo ngôi nhà nhiều lần không chú trọng việc đảm bảo an toàn cho công trình. Cách đây không lâu, báo PLVN cũng đã thông tin về công trình nhà ở 5 tầng số 28 ngõ Đại Đồng (Khâm Thiên, Hà Nội) vừa xây xong ít ngày đã nghiêng tựa vào ngôi nhà gần bên, gây lún nghiêng nhiều nhà và đe dọa sự an toàn của cả trăm con người sống xung quanh.

 

Chủ nhà chỉ quan tâm đến việc… xin phép xây dựng

 

Theo Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, qua kiểm tra những căn nhà gặp sự cố, hàng loạt yếu kém trong quá trình xây dựng đã lộ ra, từ khâu khảo sát, thiết kế, thi công cho đến giám sát. Trong đó, chủ yếu là chủ đầu tư không thuê tư vấn khảo sát, lập thiết kế; thuê nhà thầu, giám sát không đủ năng lực… Nhiều trường hợp xây không phép, sai phép.

 

Ông Lê Văn Thịnh nhận thấy, mối quan tâm lớn nhất của chủ nhà chỉ là việc xin phép xây dựng. Khi có giấy phép rồi, việc xây ra sao, chất lượng thế nào họ gần như phó mặc cho nhà thầu. Người cẩn thận hơn thì thuê thiết kế nhưng chủ yếu chỉ quan tâm đến kiến trúc ngôi nhà ra sao, nội thất bài trí thế nào, còn giám sát chất lượng lại ít được chú trọng.

 

Nhiều chủ nhà tự đứng ra giám sát hoặc nhờ người thân giám sát hộ. Năng lực giám sát của những người không có chuyên môn này rất hạn chế, thậm chí có công trình chủ nhà khoán trắng cho nhà thầu. Trong khi đó, thợ xây lành nghề không nhiều, chủ yếu là lao động nông nhàn. Chưa kể nhiều nhà thầu không có cái tâm sáng trong nghề.

 

Chính vì thế, một điểm mới trong Dự thảo Nghị định về quản lý chất lượng công trình xây dựng và Dự thảo Nghị định cấp phép xây dựng là chất lượng nhà ở của người dân được quản ngay từ khâu cấp phép - ông Bùi Trung Dung, Phó Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng cho biết. Nếu các dự thảo trên được thông qua, thời gian tới những nội dung như năng lực của bên thiết kế và bên thi công, độ an toàn với công trình lân cận… phải được làm rõ trước khi cấp phép.

 

Nhà kém chất lượng – chính quyền không vô can

 

Theo quy định, chính quyền cấp xã, phường phải nắm rõ công trình khởi công khi nào, có giấy phép xây dựng hay không. Cấp quận, huyện phải thực hiện nghiêm túc quy trình, thủ tục cấp phép xây dựng. Cán bộ cấp phép nghiên cứu kỹ hồ sơ thiết kế, xem năng lực của bên thi công đã đạt chưa, giải pháp kỹ thuật ra sao… Trước thực trạng hầu hết các địa phương vẫn buông lỏng việc quản lý chất lượng nhà ở tư nhân, ông Lê Văn Thịnh cho biết,  trong các dự thảo mới, ngoài vai trò của chủ nhà và bên thi công, chính quyền địa phương cũng phải có trách nhiệm quản lý chất lượng công trình, thể hiện qua việc kiểm tra, giám sát.

 

Ông Bùi Trung Dung cũng cho hay, các cơ quan quản lý còn phải có trách nhiệm kiểm tra, đánh giá chất lượng nhà ở sau khi xây xong: “Khi xây xong nhà, chủ đầu tư muốn đưa vào sử dụng thì phải được cơ quan nhà nước chứng nhận nhà đã xây dựng đúng giấy phép, đảm bảo chất lượng”.

 

Các dự thảo nghị định quản lý chất lượng công trình dự kiến trình Chính phủ vào đầu năm 2012.


Pháp luật Việt Nam

Tin cùng chuyên mục