Nhà xây trái phép: Nơi tháo dỡ, nơi không?

Hàng trăm căn nhà xây trái phép đã mọc lên tại P.Hiệp Bình Chánh (Q.Thủ Đức, TP.HCM) trong thời gian gần đây. Điều người dân thắc mắc là vì sao có nhiều trường hợp vẫn thản nhiên tồn tại, trong khi một số trường hợp khác bị cưỡng chế tháo dỡ.
Một trong các căn nhà xây trái phép tại khu phố 7 Một trong các căn nhà xây trái phép tại khu phố 7

Gần đây nhất là vụ xử lý 15 căn nhà xây trái phép tại khu phố 7, trong đó có đến 12 căn vẫn đang tồn tại.

 

Chờ xử lý theo quy trình!

 

Tại văn bản báo cáo với UBND Q.Thủ Đức về những căn nhà xây trái phép nói trên, UBND P.Hiệp Bình Chánh cho biết căn nhà xây trái phép có diện tích nhỏ nhất là 18m2 và lớn nhất là 110m2.

 

Trong số này có nhiều căn nhà đã xây dựng xong, gần một năm sau mới bị UBND phường phát hiện, lập biên bản. Một số trường hợp khác đã phát hiện xây dựng trái phép, lập biên bản từ giữa năm 2010, đến nay gần một năm rưỡi nhưng vẫn chưa xử lý xong.

 

Ông Huỳnh Thanh Lâm, phó chủ tịch UBND P.Hiệp Bình Chánh, cho biết trong 15 trường hợp xây dựng trái phép ở khu phố 7, UBND phường đã cưỡng chế ba trường hợp. 12 trường hợp còn lại UBND phường đã ban hành quyết định xử lý vi phạm hành chính, chờ xử lý theo quy trình.

 

Ông Lâm giải thích: đa số trường hợp xây dựng trái phép đều tranh thủ làm ngày đêm để hoàn thành công trình và khi phát hiện thì các công trình đã xây cao từ 3m trở lên. Theo quy định, với những trường hợp như vậy khi xử lý phải lập phương án tháo dỡ nhằm đảm bảo an toàn. Trước mắt phường sẽ vận động các hộ dân tự tháo dỡ, thời gian thực hiện trong vòng một tháng (từ ngày 20-11 đến 20-12-2011), trường hợp không tự tháo dỡ, phường sẽ tổ chức cưỡng chế.

 

Theo ông Lâm, việc chậm phát hiện công trình vi phạm do lỗi của thanh tra xây dựng phường và ban điều hành khu phố. Lãnh đạo phường đã có hình thức xử lý đối với những người có trách nhiệm liên quan. Ông Lâm cũng khẳng định: việc chậm xử lý các công trình trên do phải làm theo đúng quy trình, hoàn toàn không có chuyện tiêu cực như một số ý kiến của người dân.

 

Trách nhiệm của phường hay quận?

 

Thế nhưng, đó không phải là lần đầu tiên UBND P.Hiệp Bình Chánh chậm xử lý những căn nhà xây dựng trái phép. Số liệu cho thấy trong năm 2009, cơ quan chức năng đã phát hiện 216 trường hợp xây dựng trái phép trên địa bàn phường nhưng đến nay vẫn còn 23 trường hợp chưa bị tháo dỡ. Trong năm 2010 cũng vẫn còn 23 trường hợp chưa xử lý xong.

 

Từ đầu năm 2011 đến nay, trên địa bàn phường đã có 52 trường hợp xây dựng trái phép và vẫn còn 20 trường hợp chưa tháo dỡ. Như vậy, đến nay trên địa bàn phường còn 66 trường hợp xây trái phép chưa xử lý xong, trong số này chỉ có hơn chục trường hợp thuộc thẩm quyền xử lý của UBND Q.Thủ Đức, số còn lại thuộc thẩm quyền của UBND phường.

 

Tương tự những căn nhà xây trái phép tại khu phố 7 vẫn đang tồn tại, ông Lâm cũng giải thích rằng các căn nhà xây trái phép trên không thể cưỡng chế, tháo dỡ ngay mà phải cẩn trọng kiểm tra từng trường hợp cụ thể. Mặt khác, do một số căn nhà đã có người vào ở hoặc không liên lạc được với chủ nhà nên phải xử lý theo đúng quy trình. Do vậy có một số căn nhà, việc xử lý xây dựng trái phép kéo dài 2-3 năm là “chuyện bình thường”.

 

Theo Thanh tra xây dựng Q.Thủ Đức, chỉ những công trình xây dựng trái phép mà khi phát hiện đã hoàn tất mới thuộc thẩm quyền xử lý của UBND quận. UBND quận chỉ ra quyết định xử phạt, còn việc tháo dỡ, cưỡng chế công trình do UBND phường thực hiện.

 

Một lãnh đạo Thanh tra xây dựng Q.Thủ Đức cho biết hầu hết những công trình thuộc thẩm quyền xử phạt của quận sau khi phát hiện đã được UBND quận ra quyết định xử phạt và cơ bản người dân đã nộp phạt xong, trách nhiệm còn lại thuộc UBND phường.

 

“Chúng tôi sẽ tiếp tục yêu cầu UBND P.Hiệp Bình Chánh báo cáo danh sách cụ thể và tiến độ xử lý các căn nhà xây trái phép, để Thanh tra xây dựng quận tham mưu lãnh đạo UBND quận có hướng xử lý” - vị lãnh đạo trên nói.

 

Chủ tịch UBND phường phải chịu trách nhiệm

 

Theo nghị định 180 của Chính phủ (quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật xây dựng về xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị, có hiệu lực từ ngày 4-1-2008): Trong thời hạn tối đa 60 ngày kể từ khi có quyết định đình chỉ thi công công trình, nếu người dân không trình được giấy phép xây dựng của cơ quan thẩm quyền thì phải cưỡng chế, tháo dỡ công trình. Chủ đầu tư phải chịu toàn bộ chi phí lập phương án tháo dỡ và chi phí tổ chức cưỡng chế.

 

Theo nghị định trên, chủ tịch UBND phường phải chịu trách nhiệm về tình hình vi phạm trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn.

 

Theo lãnh đạo Thanh tra xây dựng Q.Thủ Đức, nếu để xảy ra các công trình xây dựng trái phép trên địa bàn phường, không chỉ các cán bộ có liên quan bị xử lý mà tùy mức độ vi phạm, lãnh đạo UBND phường cũng bị kiểm điểm, xử lý.


Tuổi Trẻ

Tin cùng chuyên mục