Thưa ông, người Việt chúng ta, hình như chưa bao giờ bị coi là “nghèo” niềm tin?
Trong mắt bạn bè quốc tế, người Việt bao giờ cũng được đánh giá là dân tộc lạc quan, yêu đời. Theo tôi, có rất nhiều nguyên nhân, nhiều lý do để người Việt Nam chúng ta được như vậy. Cho đến nay, có lẽ cũng chưa có một nghiên cứu nào về sự kỳ lạ đó, bởi ai cũng nghĩ rằng, sự việc vốn phải như thế.
Tuy nhiên, trong suy ngẫm của mình, tôi cho rằng, đối với người Việt, có thể họ không xác lập niềm tin theo tôn giáo, theo phương pháp tư duy triết học, mà người Việt chúng ta ai cũng tin về tương lai xán lạn, tin vào cái thiện sẽ thắng cái ác, tin vào những điều tốt đẹp đơn giản chỉ như là ý thức sống.
Từ ngàn xưa chúng ta đã biết rằng, khi có khát vọng ánh sáng, người ta có thể tìm thấy ánh sáng ngay trong bóng tối. Lịch sử dân tộc này đã minh chứng cho điều đó.
Không phải ai cũng tường tận thuyết nhân quả, không phải ai cũng có thể đọc làu làu những điển tích, điển cố về sự thiện - ác, xấu - đẹp…, nhưng ai ai cũng đều tâm niệm rằng, mình làm một việc tốt, người thân của mình, con cháu của mình sẽ nhận được một kết quả còn tốt hơn thế. Nếu không có lòng tin mạnh mẽ đến vậy, chắc chắn sẽ chẳng có bất kỳ một sự hy sinh, sự dâng hiến nào cả.
Lòng tin của người tử tế chắc hẳn sẽ khác với lòng tin của… người không tử tế?
Theo tôi, lòng tin và đạo đức là hai khái niệm vừa thống nhất, vừa biệt lập, bởi lẽ, người xấu, người tốt, người mạnh mẽ, người yếu đuối… đều không thể sống khi đã mất niềm tin.
Thiếu niềm tin thì ngay cả những người mạnh mẽ nhất cũng sẽ chỉ là những vật thể đang tồn tại. Đó là sự thống nhất.
Nhưng tin vào sự đẹp đẽ trên đời, với một niềm tin trong sáng khác hẳn với lòng tin vào sự man rợ bằng cách thức mù quáng. Đó lại là sự biệt lập của hai khái niệm.
Với dân tộc Việt, tôi cho rằng, sự trường tồn của lòng tin là bất kỳ ai trong chúng ta đều hướng về một tương lai tươi sáng. Người Việt chúng ta, khi làm một việc tốt đâu có ai nghĩ làm cho mình, mà đều tâm niệm “để phúc cho đời sau”. Chính vì vậy, sự lan tỏa của những dâng hiến, những hy sinh đã vun đắp cho những nỗ lực chung, cho cả dân tộc và tôi cho rằng, sự giản dị đó, sự tưởng như rất tự nhiên đó là nét khác biệt của dân tộc Việt.
Thưa ông, lý giải thế nào về việc, những khi phải đối mặt với khó khăn, thách thức, thì càng trở ngại, càng khó khăn, niềm tin của người Việt lại càng trở nên sắt đá hơn?
Nếu khảo sát lịch sử tiến hóa của nhân loại, thì đây không phải là đặc sản của người Việt, bởi khi rơi vào hoàn cảnh tuyệt vọng, con người thay vì đầu hàng số phận, bó tay thúc thủ trước cái ác thì đều trở nên quật cường hơn. Với những cá thể, có thể lý giải đó là bản năng.
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều
Nhưng với một cộng đồng, một dân tộc không bao giờ quy hàng trước cái ác, trước đói khổ, trước những cuộc chiến xâm lăng tàn khốc như dân tộc Việt Nam, có thể khẳng định, đó là sự biểu hiện của khí chất được hình thành nên từ một bề dày lịch sử oanh liệt đã được thấm đẫm bằng máu và nước mắt.
Hơn thế, chính những phen không khuất phục, không quy hàng trong những cuộc chiến cam go trước thiên nhiên hung dữ, hay những đội quân xâm lược hùng mạnh đã càng hun đúc thêm khí chất của những con người sống trên mảnh đất này.
Tuy nhiên, mỗi cá nhân tồn tại một niềm tin khác nhau, làm sao để có một niềm tin chung, tạo nên sự gắn kết cả một dân tộc như vậy?
Vâng, về hình thức thì đúng là mỗi cá thể sẽ đặt niềm tin vào những điều khác nhau. Người đói khổ sẽ tin về một ngày no ấm; người mất tự do tin rằng, có ngày họ như cánh chim trời, kẻ bất hạnh sẽ chắc rằng, hạnh phúc sẽ về với họ.
Còn đối với một dân tộc, bao giờ cũng tồn tại một nét chung cơ bản nhất, đó là lòng tin vào một ngày mai tốt đẹp hơn, khát vọng về một tương lai xán lạn hơn.
Hơn thế, khi mà cuộc sống của cả cộng đồng gồm những con người dường như đã quen với việc phải đối mặt với những khó khăn, thách thức, thì trong huyết quản riêng của mỗi người, có vẻ như đều đang cuồn cuộn một khí huyết tương đồng. Khi đó, niềm tin vào tương lai sẽ gắn kết những nghĩa vụ, hành động của từng người trong toàn xã hội, tạo nên một khối thống nhất. Theo tôi, đó là biểu trưng khó trộn lẫn của một dân tộc.
Lật lại những trang sử hào hùng của dân tộc ta thì thấy rằng, hoàn cảnh khách quan, với những thuận lợi và những bất lợi khác nhau đã khiến dân tộc ta đã trở nên mạnh mẽ.
Thưa ông, thời gian qua, Đảng ta đã thẳng thẳn chỉ ra tình trạng tự diễn biến, tự chuyển hóa; thể hiện quyết tâm làm rõ trách nhiệm về những dự án ngàn tỷ đắp chiếu gây lãng phí lớn, những sai phạm trong công tác cán bộ… Những nỗ lực đó đã và đang nhận được sự đồng tình, ủng hộ của người dân. Ông nghĩ gì về thử thách, khó khăn này đối với Đảng, với đất nước?
Từ ngàn xưa chúng ta đã biết rằng, khi có khát vọng ánh sáng, người ta có thể tìm thấy ánh sáng ngay trong bóng tối. Lịch sử dân tộc này đã minh chứng cho điều đó.
Khi Đảng ta dũng cảm, công khai chỉ rõ một bộ phận cán bộ suy thoái, thậm chí suy đồi về đạo đức, thì người dân hiểu rằng, sự công khai đó, sự dũng cảm đó thể hiện một khát khao cháy bỏng, dám nhìn vào sự thật để vượt qua những thách thách thức, khó khăn. Vì thế, trước sự chân thành của Đảng, người dân thêm tin vào Đảng.
Theo tôi, Đảng đặt lòng tin vào dân và người dân tự hào khi được trao gửi niềm tin. Xét trên khía cạnh tình cảm, dễ dàng nhận ra rằng, khi ai đó đã nhận ra và công khai thiếu sót của mình, thì họ đã nhận được sự đồng cảm, chia sẻ từ bản chất vị tha của con người Việt. Hơn thế, tất cả chúng ta đều tâm niệm, khi trong ai đó thường trực ý nghĩ phải vượt qua sai lầm, thì có thể hiểu rằng, đấy là biểu hiện lớn nhất của việc họ sẽ thành công.
Có thể thấy rằng, một con người sẽ không thể trưởng thành khi không biết nói thật, một dân tộc sẽ diệt vong khi không bao giờ nói thật. Hệ quả suy ra là, chúng ta sẽ trưởng thành, dân tộc ta sẽ phồn vinh khi chúng ta đã nhìn thẳng vào sự thật, dù chẳng dễ dàng gì.
Lẽ tất nhiên, không phải chỉ nói ra sự thật là xong, để sửa sai, để hoàn thiện, đi đến thành công sẽ là một quá trình rất dài, rất gian khó. Xác định được khó khăn, tìm ra được phương hướng và lộ trình xử lý sẽ khiến lòng tin của người dân từ bước ban đầu thiên về cảm tính, khi sẻ chia sẽ biến thành cơ sở để xác lập niềm tin, đó là quá trình rất biện chứng trong tư duy mỗi người dân chúng ta, nó rất rõ ràng và mạch lạc.
Như tôi đã từng nói, để vứt một túi rác xuống nơi công cộng, người ta chỉ mất một giây, nhưng để tạo được thói quen văn hóa cúi xuống nhặt túi rác, có lẽ sẽ là quá trình kéo dài hàng thập kỷ, thậm chí là nhiều thập kỷ mới hình thành được thói quen đó. Nhưng chúng ta vẫn đặt hy vọng vào việc hình thành những điều tốt đẹp như vậy, như một nhà văn nào đó đã từng nói: Chạm đến niềm tin, ánh sáng sẽ về. Tôi tin chắc vào điều đó.