Thuế chồng thuế
Tại Hội nghị Khai thác thị trường quốc tế và chính sách thuế đối với lĩnh vực sáng tạo nội dung số, Liên minh Sáng tạo Nội dung số (DCCA, thuộc Hội Truyền thông số Việt Nam) cho biết, YouTube là nền tảng được người Việt sáng tạo nội dung nhiều bậc nhất. Năm 2022, khoảng 20.000 người kiếm tiền trên hạ tầng này, với hàng triệu người liên quan, mang về khoản doanh thu ngoại tệ tương đương 1.500 tỷ đồng.
Năm 2022, đã có hơn 51 triệu kênh YouTube được tạo mới, tương đương mức tăng trưởng 36%. Trong đó, 306.000 kênh YouTube đạt hơn 100.000 người đăng ký, 29.000 kênh có hơn 1 triệu người đăng ký và 700 kênh có hơn 10 triệu người đăng ký. Số lượng tài khoản khổng lồ này đem về cho YouTube hơn 1 tỷ giờ nội dung video được xem mỗi ngày.
Theo chính sách của Mỹ, các nhà sáng tạo nội dung ở các quốc gia ngoài Mỹ thực hiện đăng ký thuế với cơ quan thuế nước này sẽ chịu mức 30% thuế thu nhập cho các lượt xem đến từ Mỹ, các lượt xem từ các quốc gia khác không bị khấu trừ thuế. Các nhà sáng tạo nội dung từ các quốc gia ngoài Mỹ không đăng ký thuế tại Mỹ sẽ bị khấu trừ 24% thuế thu nhập cho tổng lượt xem toàn cầu.
Khi dòng tiền về đến Việt Nam, nhà sáng tạo cá nhân trên YouTube phải nộp thêm 7% (gồm 5% VAT và 2% thuế thu nhập cá nhân). Còn các tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh trên YouTube phải đóng khoản thuế 30% (gồm 10% VAT và 20% thuế thu nhập doanh nghiệp).
Ông Nguyễn Việt Tiệp, chuyên viên cao cấp về kế toán thuế, đại diện DCCA nêu ví dụ, một doanh nghiệp có doanh thu 100 USD trên YouTube, gồm 30 USD thu nhập từ người xem ở Mỹ (sẽ phải nộp thuế 9 USD) và 70 USD từ các quốc gia khác, khi tiền về Việt Nam còn 91 USD. Doanh nghiệp cũng phải nộp thêm thuế VAT 10% nữa, tỷ lệ thực nhận là 81,9%.
Tương tự, cá nhân có doanh thu 100 USD, ngoài thuế cho Mỹ, còn phải nộp 5% VAT và 2% thuế thu nhập cá nhân, nên thực nhận là 84,74 USD. “Có thể thấy, các doanh nghiệp, cá nhân hoạt động trên YouTube tại Việt Nam đang phải chịu 2 lần thuế đối với khoản doanh thu từ lượt xem tại Mỹ (do phía Mỹ đã thu thuế)”, ông Tiệp nói.
Hiệp định Tránh đánh thuế 2 lần giữa Việt Nam và Mỹ đã được ký kết vào ngày 7/7/2015. Ngày 24/2/2017, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã ký ban hành Nghị quyết số 29/NQ-CP phê duyệt Hiệp định và Nghị định thư giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Mỹ. Tuy nhiên, do phía Mỹ chưa phê chuẩn, nên Hiệp định chưa có hiệu lực thi hành.
Hiệp định trên quy định, cá nhân và doanh nghiệp Việt Nam có thu nhập tại Mỹ đã đóng thuế cho Mỹ, sẽ không phải đóng thuế tại Việt Nam. Đối với Mỹ, nhà đầu tư/quỹ đầu tư Mỹ tiến hành đầu tư và có thu nhập tại Việt Nam, khi đã đóng thuế ở Việt Nam, sẽ không phải đóng thuế cho Mỹ. “Việc sớm thực thi Hiệp định là bước đi quan trọng trong việc giảm bớt gánh nặng về thuế với những nhà sáng tạo nội dung số tại Việt Nam”, ông Tiệp nhận định.
Kiến nghị cơ chế thúc đẩy ngành sáng tạo nội dung số
Ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Công nghiệp công nghệ thông tin - truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, sáng tạo nội dung số đang phát triển rất nhanh tại Việt Nam và có doanh thu khoảng 800 triệu USD vào năm 2022. Dù nhiều dư địa, nhưng lĩnh vực này mới chiếm một phần nhỏ doanh thu của ngành công nghệ thông tin và truyền thông, khoảng 148 tỷ USD năm 2022.
Theo ông Nghĩa, dư địa còn nhiều thôi thúc những nhà sáng tạo phát triển hơn nữa, nhằm tận dụng tối đa lợi thế của Việt Nam là chi phí sản xuất thấp hơn so với trung bình thế giới hàng chục lần. Bên cạnh việc nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, công nghệ, cơ quan quản lý cần có những chính sách ưu đãi về thuế, cả thuế thu nhập cá nhân lẫn thuế thu nhập doanh nghiệp, để duy trì lợi thế cạnh tranh của Việt Nam, cũng như giữ chân các chuyên gia sáng tạo nội dung số.
Đại diện DCCA kiến nghị, Tổng cục Thuế xem xét áp dụng nguyên tắc tránh đánh thuế hai chiều với các nguồn thu nhập từ các quốc gia đã ký hiệp định với Việt Nam. Đồng thời, Chính phủ cần thúc đẩy để Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần giữa Việt Nam và Mỹ sớm được thực thi.
Với các nội dung số sản xuất - kinh doanh phục vụ thị trường nước ngoài, DCCA đề xuất áp thuế VAT 0%. Với thu nhập từ lượt xem tại Việt Nam, mức thuế đề xuất là 10% cho doanh nghiệp, 2% thuế VAT và 1% thuế thu nhập cho đối tượng cá nhân.
“DCCA cũng kiến nghị, Nhà nước xem xét để hỗ trợ, thúc đẩy ngành công nghiệp nội dung số phát triển với các chính sách ưu đãi về thuế, ưu đãi về đầu tư, hỗ trợ đào tạo nhân lực…, tương tự ưu đãi với lĩnh vực phần mềm và công nghệ cao (được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm, giảm 50% trong 9 năm, cùng nhiều chính sách ưu đãi đầu tư khác)”, ông Tiệp nói.