Nhà sáng lập trẻ cần thu hút nhà đầu tư bằng tư duy độc lập

Trong thế giới khởi nghiệp, các nhà đầu tư không tìm kiếm bản sao, mà tìm kiếm những người sáng lập có tư duy độc lập, biết đặt câu hỏi đúng, có quan điểm riêng và khả năng trình bày vấn đề một cách thuyết phục.

Nhiều nhà sáng lập trẻ thường rơi vào cái bẫy là chạy theo xu hướng và sao chép công thức thành công của người đi trước. Trong quá trình khởi nghiệp, không ít người từ bỏ ý tưởng riêng để chuyển sang các lĩnh vực được xem là “thời thượng” như AI, blockchain… chỉ vì tin rằng, đó là điều nhà đầu tư muốn thấy.

Tâm lý muốn được chấp nhận, được “thuộc về” khiến họ dễ dàng đồng thuận với những tiêu chuẩn số đông đặt ra, mà không nhận ra mình đang đánh mất điều quan trọng nhất là bản sắc riêng.

Thực tế, việc nghĩ giống đám đông sẽ dẫn đến hành động giống đám đông, biến start-up thành một phiên bản lặp lại. Trong khi đó, các nhà đầu tư không tìm kiếm điều này. Điều họ tìm kiếm là những ý tưởng khác biệt, có căn cứ rõ ràng, đến từ những nhà sáng lập biết phân tích, phản biện và trình bày quan điểm riêng một cách logic.

Điều trớ trêu là, phần lớn nhà sáng lập trẻ chưa từng thực sự rèn luyện tư duy độc lập. Theo chuyên gia khởi nghiệp Hải Nguyễn, người sáng lập website Beginguru.com, từ trường học đến môi trường xã hội, con người được dạy cách ghi nhớ và lặp lại, trong khi xem nhẹ cách đặt câu hỏi và phản biện. Trong môi trường số, tư duy đám đông càng được củng cố, khi mọi người dễ bị cuốn theo những gì được chia sẻ nhiều nhất, thay vì tìm kiếm những thông tin sâu sắc, có chiều sâu.

Chuyên gia Hải Nguyễn cho rằng, để rèn luyện tư duy độc lập, điều đầu tiên nhà sáng lập cần làm là học cách hoài nghi. Theo đó, không chỉ hoài nghi người khác, mà hoài nghi cả những niềm tin của bản thân. Mọi ý tưởng tiếp nhận từ bên ngoài đều cần được xem xét, phản biện từ nhiều góc độ. Khi từ bỏ thói quen giữ khư khư những quan điểm sẵn có, người sáng lập mới mở ra cơ hội hình thành ý kiến riêng, dựa trên phân tích khách quan.

Tuy nhiên, việc xây dựng tư duy độc lập không đồng nghĩa với việc tìm kiếm sự khác biệt bằng mọi giá. Đôi khi, chính những góc nhìn riêng biệt về một vấn đề cũ lại giúp start-up trở nên khác biệt. Một ý tưởng quen thuộc, nếu được phân tích từ trải nghiệm và lập luận riêng, vẫn có thể tạo nên dấu ấn. Thay vì cố nghĩ ra điều hoàn toàn mới, các nhà sáng lập nên tập trung khám phá những vấn đề quen thuộc từ một góc nhìn mới, dựa trên chính trải nghiệm và hiểu biết của mình.

Để phát triển khả năng này, việc chủ động tiếp cận thông tin là rất quan trọng. Những ý tưởng giá trị thường nằm trong các nguồn tài liệu ít phổ biến, như những cuốn sách, báo cáo chuyên ngành, hay nghiên cứu sâu mà số đông không tiếp cận. Đọc rộng, đọc sâu và kết nối thông tin từ nhiều lĩnh vực khác nhau, theo chuyên gia Hải Nguyễn, là cách giúp người sáng lập mở rộng tư duy, tìm ra những liên hệ mới giữa các khái niệm tưởng chừng không liên quan. Chính những kết nối bất ngờ này có thể mở ra góc nhìn mới, giúp ý tưởng có chiều sâu và sức thuyết phục cao hơn.

Ngoài ra, thay vì e ngại các khuôn mẫu tư duy, nhà sáng lập nên coi đó là công cụ hỗ trợ. Những khung phân tích đơn giản như “vấn đề - giải pháp - dẫn chứng” có thể giúp ý tưởng được trình bày mạch lạc, dễ hiểu. Khi đó, khuôn mẫu không làm mất đi tính sáng tạo, mà giúp nhà sáng lập tổ chức ý tưởng rõ ràng, giúp nhà đầu tư dễ dàng nắm bắt vấn đề.

Đức Thọ
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục