Bộ Y tế đã từng khuyến cáo, không ít doanh nghiệp (DN) công bố “chất lượng một đằng, nhưng sản xuất một nẻo”, song các biện pháp hậu kiểm việc công bố chất lượng của DN nhằm bảo vệ người tiêu dùng còn bị buông lỏng.
Liên quan tới sự việc nước tương “Gà trống vàng”, ông Phí Ngọc Chung, Tổng giám đốc Công ty Trung Thành cho biết, nước tương mang thương hiệu “Gà trống vàng” ra đời tháng 6/2006 khi Công ty sản xuất thử nghiệm nước tương theo phương pháp mới: lên men vi sinh toàn phần. Trong quá trình sản xuất thử nghiệm, Công ty vẫn sử dụng một số trang thiết bị cũ, nên sau này hàm lượng chất 3-MCPD được sinh ra cao hơn tiêu chuẩn cho phép. Tuy nhiên, tới nay thương hiệu nước tương “Gà trống vàng” đã hoàn toàn ngừng sản xuất.
Tuy nhiên, khi trả lời báo chí về việc trước khi tung sản phẩm thử nghiệm ra thị trường, DN có kiểm tra chất lượng để đảm bảo sức khoẻ cho người tiêu dùng hay không, ông Chung cho biết, vì đây là sản phẩm thử nghiệm, nên Công ty Trung Thành đã tự kiểm định chứ không được cơ quan chức năng kiểm định. “Kiểm tra các chỉ số hoá, sinh theo một hệ thống riêng, còn kiểm tra chất 3-MCPD lại theo một hệ thống khác. Việc kiểm tra rất khó khăn, mẫu phải được gửi vào TP.HCM để kiểm nghiệm”, ông Chung lý giải việc sản phẩm chưa được kiểm nghiệm mà DN đã tung ra thị trường.
Điều này khiến người tiêu dùng nghi ngờ về việc công bố chất lượng sản phẩm của DN và công tác hậu kiểm của cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng thực sự của sản phẩm sau khi DN tự công bố.
Thực tế cho thấy, không ít sản phẩm thực phẩm sau khi đã được DN công bố chất lượng và ngành y tế địa phương xác nhận về chất lượng, nhưng khi kiểm tra, vẫn không đủ tiêu chuẩn. Trao đổi với báo giới, ông Nguyễn Trần Thanh, Chánh thanh tra Sở Y tế tỉnh Hà Nam cho rằng, cơ quan quản lý không thể lạm dụng quyền hạn của mình để thường xuyên tiến hành thanh tra, kiểm tra DN. Theo quy trình, sau khi đăng ký chất lượng, DN nộp hồ sơ lên Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh. Tiếp đến, cơ quan này sẽ tiến hành kiểm tra và xét duyệt hồ sơ xem DN đăng ký chất lượng có đúng không. Sau đó, cơ quan y tế mới đồng ý để DN công bố chất lượng.
“Chúng tôi chỉ kiểm tra ngẫu nhiên, mà không thể kiểm soát hết được các lô hàng sau khi xuất xưởng có đạt tiêu chuẩn hay không”, ông Thanh cho biết. Vì lý do kiểm tra chất 3- MCPD khó khăn, nên sở y tế địa phương cũng chưa gửi mẫu kiểm định chất này. Chỉ sau khi thông tin rầm rộ về việc chất 3-MCPD có thể ảnh hưởng không nhỏ tới sức khoẻ người tiêu dùng, cơ quan y tế mới vội gửi mẫu đi kiểm nghiệm.
Cuối cùng, chất lượng thực sự của sản phẩm như thế nào, được công bố tới đâu lại phải chờ vào cái tâm của nhà sản xuất. Dư luận đặt ra câu hỏi, nếu báo chí không lên án mạnh mẽ chất 3-MCPD có trong nhiều loại nước tương có thể gây hại cho sức khoẻ người tiêu dùng, thì chắc chắn không nhà sản xuất nào trung thực công bố về chất lượng thực sự của sản phẩm và có khuyến cáo với người tiêu dùng, cơ quan y tế cũng vì vậy mà phát hiện ra công tác quản lý chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm lâu nay quá lỏng lẻo, thậm chí ngoài tầm kiểm soát.