Nhà phố tăng giá và phân hóa

(ĐTCK) Sự sôi động trở lại của thị trường bất động sản TP. HCM đã kéo theo đà tăng giá của nhà phố, nhưng không phải căn nào cũng dễ bán.
Nhà phố giá thấp tại TP. HCM có mức tăng khá mạnh trong thời gian gần đây - Ảnh:Hoài Nam Nhà phố giá thấp tại TP. HCM có mức tăng khá mạnh trong thời gian gần đây - Ảnh:Hoài Nam

Theo khảo sát của Đầu tư Bất động sản, mức tăng của nhà phố từ 4 - 12% tùy theo khu vực, loại hình. Chẳng hạn, nhà giá thấp, khoảng từ 400 triệu đồng đến 1,3 tỷ đồng có mức tăng từ 7 - 10%, nhà trung bình từ 1,3 - 3,5 tỷ đồng có mức tăng từ 7 - 12%, nhà có giá từ 3,6 - 7,5 tỷ đồng tăng từ 3 - 6%, nhà trên 7,5 tỷ đồng tăng khoảng 2 - 3%.

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM nhận định, giá nhà phố là do người bán và người mua đưa ra chứ không theo quy chuẩn nào. Thị trường chỉ có mức chung cho đất ở từng khu vực. Người bán và mua sẽ căn cứ trên giá đất chung rồi áp vào giá nhà. Nhà phố còn phụ thuộc vào vị trí và sở thích của chủ nhà, nên giá cũng không thể ấn định một mức cụ thể. Trong khi đó, giá nhà và đất nền ở các dự án có giá cụ thể, chênh lệch chút ít do vị trí.

Trên thực tế, có nhiều căn nhà phố còn phải bán thấp hơn cả thời bất động sản trầm lắng, bởi nó phụ thuộc vào mức độ cần tiền của chủ nhà. Đơn cử, tại một hẻm ô tô vào được trên đường Lê Văn Sỹ, căn nhà xây 4 tầng kiên cố có diện tích đất 75 m2 vào năm 2013 được trả 5,3 tỷ đồng, thế nhưng tháng 7/2015, chủ nhà này đã bán với giá 4,8 tỷ đồng vì lý do cả gia đình xuất ngoại. Chủ nhà cho biết, khách mua trước đó thích thiết kế của căn nhà nên trả giá cao, còn những khách sau không thích, thậm chí có người còn muốn đập đi xây lại.

Bán nhà phố gần như chỉ bán đất, nên nhà phố, đặc biệt là nhà lớn khó bán nếu “đua” tăng giá theo thị trường. Phân khúc nhà phố gần như chỉ tập trung cho những người khá giả, có sẵn nguồn tiền. Đa phần khách mua là những người không quá bức xúc về nhà ở. Trong khi phân khúc này không có giá cụ thể, lại phải trả liền một lần khi mua, khiến cho người mua luôn cân nhắc kỹ.

Chị Nga - người mua nhà ở xã hội trải lòng: “Không có dự án nhà ở giá rẻ và gói 30.000 tỷ đồng, thì gia đình tôi không biết tích cóp đến lúc nào mới đủ tiền mua nhà. Với nhà ở xã hội, mình chỉ cần đóng trước một khoản, còn lại được vay rồi cân đối trả nợ hàng tháng. Mỗi tháng khoảng 4 triệu đồng là cân đối được”.

Còn anh Bình, người vừa mua nhà ở thương mại được vay gói 30.000 tỷ đồng cũng cho biết, dù biết việc mua căn hộ này có giá tương đương, thậm chí đắt hơn mua nhà đất ở một số khu vực của Thành phố, nhưng do không đủ tiền trả một lần khi mua nhà mặt đất, nên quyết định mua nhà dự án. Nếu vay ngân hàng mua nhà mặt đất, thì chắc chắn sẽ không có mức lãi suất 5%/năm như vay gói 30.000 tỷ đồng.

Tăng giá theo thị trường khiến nhà phố khó bán là một thực tế. Tuy nhiên, tại một số khu vực, các căn nhà phố giá thấp, giao dịch vẫn tăng mạnh trong thời gian gần đây. Anh Tiến, một cò đất tại quận Phú Nhuận cho biết: “Nhà từ 1,2 - 1,3 tỷ đồng dạo này bán dễ. So với đầu năm, mỗi căn cũng tăng từ 20 - 50 triệu đồng. Nhiều người không đủ tiền cũng đi vay ngân hàng. Khách mua cho biết, nếu với mức giá này, vay thêm chút ít thì lại lợi hơn mua nhà dự án, vì tiền không nhiều, lại vào ở ngay. Nhà giá này cũng dễ mua dễ bán”.

Tại các quận 10, 11 và 5, nhà phố có giá 2,5 - 3 tỷ đồng được giao dịch mạnh trong vài tháng gần đây. Với mức giá này sẽ mua được những căn nhà trong hẻm cách đường lớn không xa, tiện để ở và kinh doanh.

Chị Thanh vừa mua căn nhà tại quận 10 cho biết: “Mua căn nhà 2,7 tỷ đồng, mình không phải chi trả chi phí thuê hàng tháng, vẫn kinh doanh dưới tầng trệt. Còn nếu đi thuê căn nhà tương tự cũng mất 11 triệu đồng/tháng. Tính ra, nếu để 2,7 tỷ đồng gửi ngân hàng, thì lãi suất cũng tương đương, nên không dại gì gửi nhân hàng rồi lại đi thuê nhà để kinh doanh”.           

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Trung Kiên
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục