Nhiều gia đình công nhân 4 - 5 người nhưng phải ở trong một căn phòng trọ tồi tàn, chỉ rộng chừng 10 m2. Có trường hợp nữ công nhân sắp đến ngày sinh nhưng vẫn bị chủ đòi phòng. Việc nhiều công nhân không có khả năng thanh toán tiền thuê nhà và bị chủ trọ yêu cầu dọn đi cũng đã không còn là chuyện hiếm.
Đây là các ví dụ thực tế được anh Nguyễn Việt Anh, đoàn viên công đoàn Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel, nêu ra trong Diễn đàn Người lao động năm 2023. Vấn đề an cư, lạc nghiệp đang trở thành một “bài toán khó” đối với công nhân nói riêng và người lao động nói chung.
Nhiều người kỳ vọng nhà ở xã hội sẽ trở thành “lời giải” cho vấn đề này. Tuy nhiên, thực tế đang cho thấy việc sở hữu nhà ở giá rẻ đang không hề dễ dàng.
Lãi vay vẫn còn quá cao
Nhiều người dân trông chờ vào gói hỗ trợ lãi suất tín dụng 120.000 tỷ đồng, áp dụng cho cả chủ đầu tư và người mua, thuê nhà ở xã hội. Tuy nhiên, không ít người mua nhà đã “vỡ mộng” khi biết về mức lãi suất được coi là ưu đãi của gói tín dụng này.
“Lãi suất mua nhà ở xã hội hiện vẫn còn quá cao. Theo tính toán, gia đình tôi sẽ phải trả ngân hàng hơn 10 triệu đồng/tháng cho cả gốc lẫn lãi. Số tiền này đã chiếm quá nửa thu nhập của hai vợ chồng tôi”, anh Đức Tùng (50 tuổi, nhân viên kho vận) than thở.
Tình hình càng trở nên khó khăn hơn khi các doanh nghiệp dần “thấm đòn” từ những biến cố của nền kinh tế vĩ mô. Anh Tùng cho biết công ty anh đã nợ lương 2 tháng. Gần đây, quản lý còn thông báo sẽ cắt giảm lương của nhân viên khoảng 10 - 15%.
“Mức lãi suất 8,2%/năm là rất cao, quá sức chịu đựng của người có thu nhập thấp. Thời gian ưu đãi của gói tín dụng đối với người mua nhà chỉ trong 5 năm là quá ngắn, gây tâm lý bất an cho công nhân, người lao động khi vay. Thực tế, gần như công nhân lao động chưa tiếp cận được nguồn vốn này”, ông Nguyễn Minh Sơn, Chủ tịch Công đoàn cơ sở, Công ty TNHH SWCC Showa Việt Nam, cho biết.
Chia sẻ với Báo Đầu tư, ông Nguyễn Thế Điệp, Phó chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội, cũng thừa nhận mức lãi suất cho vay đối với người mua nhà ở xã hội vẫn còn bất hợp lý.
“Theo tôi, lãi suất ưu đãi nên về mức 4 - 5%. Không chỉ vậy, thời hạn có thể kéo dài tới 15 - 20 năm. Từ đó, người dân mỗi tháng chỉ cần bỏ ra 2 - 3 triệu đồng để trả góp ngân hàng. Đây mới là kế hoạch phù hợp đối với những người lao động có thu nhập dưới 10 triệu đồng/tháng”, ông Nguyễn Thế Điệp chia sẻ.
“Đỏ mắt” tìm dự án mới
Bên cạnh việc lãi suất tăng cao, người mua nhà còn khốn đốn vì nguồn cung hạn chế, đặc biệt là tại các thành phố lớn.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trong 6 tháng đầu năm, số lượng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân được khởi công là 9 dự án. Trong đó, Hà Nội có 1 dự án. Thậm chí, TP.HCM còn không ghi nhận thêm bất cứ dự án nào.
“Biển người” xếp hàng đăng ký mua nhà ở xã hội tại dự án NHS Trung Văn. Ảnh: Thanh niên. |
Việc nguồn cung khan hiếm khiến cho nhiều người buộc phải mua nhà bằng “vận may”. Vào tháng 5, dự án NHS Trung Văn (Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã mở bán 149 căn hộ. Tuy nhiên, chủ đầu tư lại nhận về tới hơn 1.300 hồ sơ đăng ký mua nhà.
Với sự chênh lệch cung cầu lớn như vậy, những người đăng ký đã buộc phải bốc thăm với tỷ lệ trúng chỉ vỏn vẹn 1/9. Con số này còn cao hơn cả tỷ lệ “chọi” khi học sinh thi vào trường chuyên, lớp chọn.
Đáng chú ý, NHS Trung Văn hiện là dự án nhà ở xã hội có giá cao nhất từng được ghi nhận tại Hà Nội, lên tới gần 20 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, bất chấp điều đó, lượng người quan tâm tới dự án vẫn rất lớn. Điều này cho thấy thị trường bất động sản tại các thành phố lớn đang thiếu trầm trọng các dự án chung cư giá rẻ.
Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), phân khúc căn hộ trung cấp (25 - 50 triệu đồng/m2) và cao cấp (50 - 80 triệu đồng/m2) đang chiếm lần lượt 53% và 34% tổng nguồn cung căn hộ đang mở bán trong quý II. Trong khi đó, phân khúc căn hộ bình dân (dưới 25 triệu đồng/m2) gần như đã “tuyệt chủng” khỏi thị trường.
Trên thị trường thứ cấp, giá bán nhà ở xã hội cũng liên tục tăng vọt. Căn hộ tại dự án The Vesta Phú Lãm (Hà Đông, Hà Nội) trước năm 2018 có giá khoảng 15 triệu đồng/m2, nay giá đã lên tới 23 - 27 triệu đồng/m2. Dự án nhà ở xã hội IEC Residences Tứ Hiệp (Thanh Trì, Hà Nội) có giá lúc đầu chỉ 16 - 17 triệu đồng/m2. Sau 2 năm, mức giá đã thành 24 - 27 triệu đồng/m2.
Theo ông Nguyễn Thế Điệp, việc nguồn cung nhà ở xã hội còn hạn chế xuất phát từ sự thiếu “mặn mà” của doanh nghiệp. Cụ thể, mức lợi nhuận tối đa 10% chưa thực sự thu hút các chủ đầu tư. Ngoài ra, quy trình thủ tục, pháp lý còn phức tạp. Điều này khiến thời gian xây dựng bị kéo dài và vô hình trung khiến giá nhà tăng lên.
“Bên cạnh đó, quá trình quy hoạch đất ‘sạch’ dành cho nhà ở xã hội diễn ra vẫn còn chậm. Các cấp chính quyền địa phương còn thiếu sát sao vì tư duy ‘sợ sai’. Nhiều nơi mất cả năm trời để đấu giá đất”, ông Điệp bình luận.
Tuy nhiên, nguồn cung mới có thể sẽ được cải thiện trong nửa cuối năm nay. Theo Colliers, nhận thấy cơ hội lớn trong đầu tư, các ông lớn bất động sản đang lên kế hoạch mở bán các dự án nhà ở xã hội.
Một trong những chủ đầu tư đáng chú ý là Vingroup với quy mô cung cấp cho thị trường khoảng 3.500 căn. Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng đã giao Công ty Viglacera triển khai đầu tư 50.000 căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2022 - 2030.