Nhà ở xã hội là phân khúc luôn có nhu cầu cao, song nguồn cung lại thiếu hụt. Từ nhiều năm trước, các đơn vị nghiên cứu thị trường đã nói nhiều về sự thiếu vắng nhà giá rẻ ở các thành phố lớn, nhưng khi đó, các chủ đầu tư lớn vẫn “say sưa” với bất động sản cao cấp. Chỉ từ khi thị trường rơi vào khó khăn, thanh khoản liên tục sụt giảm, nhà ở xã hội mới được các doanh nghiệp quan tâm.
Tại khu vực phía Nam, từ giữa năm 2022, Công ty Địa ốc Hoàng Quân (HQC) bắt đầu quay lại với phân khúc sở trường - nhà ở xã hội. Trước đó, Hoàng Quân mua lại dự án nhà ở xã hội Golden City (Tây Ninh) với giá cao, dù trước đó từng bán rẻ, để chuẩn bị cho kịch bản “săn” dòng vốn vay ưu đãi.
Trong kế hoạch năm 2023, đơn vị này đặt mục tiêu doanh thu đạt 1.700 tỷ đồng, tăng 5 - 7 lần so với năm 2022, với “nắm đấm chủ lực” là nhà xã hội (các dự án tại Trà Vinh, Tây Ninh).
Tương tự, Him Lam, Novaland, Bitexco cũng lên kế hoạch đưa ra thị trường hàng trăm ngàn căn nhà ở xã hội trong những năm tới trên quỹ đất hiện có hoặc mở rộng…
Dù nhiều kế hoạch mới chỉ ở bước khởi đầu, nhưng giới phân tích nhìn nhận, động thái xoay trục này cho thấy, mỗi khi bế tắc, doanh nghiệp lại nghĩ đến nhà ở xã hội, nhà giá rẻ. Trước đây, giữa lúc thị trường bất động sản ở đáy của cuộc khủng hoảng kéo dài từ năm 2011, phân khúc nhà giá rẻ có thanh khoản tốt đã hâm nóng thị trường nhờ gói vay hỗ trợ lãi suất của Chính phủ (gói 30.000 tỷ đồng). Vì thế, việc tăng nguồn cung nhà ở xã hội và nhà thương mại giá rẻ ở giai đoạn này không chỉ cứu doanh nghiệp, mà còn có thể “rã đông” thị trường địa ốc.
Số liệu từ Bộ Xây dựng cho thấy, trong năm 2023, trên cả nước có 44 dự án nhà ở xã hội dành cho người có thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp đã hoàn thành và được cấp phép, khởi công xây dựng. Trong đó, có 28 dự án đã hoàn thành với quy mô 13.864 căn; 16 dự án đã được cấp phép, khởi công xây dựng với quy mô 22.398 căn.
Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), dù có sự cải thiện theo thời gian, nhưng nhìn chung, nguồn cung nhà ở năm 2023 vẫn thiếu hụt, nghèo nàn. Tổng nguồn cung nhà ở cả năm 2023 đạt hơn 55.329 sản phẩm, tăng 14% so với năm 2022, chỉ bằng 32% so với năm 2018, thời điểm trước khi xảy ra đại dịch Covid-19.
Nguyên nhân dẫn đến sự thiếu hụt nguồn cung được VARS chỉ ra là, trong năm 2023, rất hiếm dự án được phê duyệt, bên cạnh đó, vẫn còn hàng ngàn dự án dở dang, bị “đắp chiếu” do vướng mắc pháp lý, chưa kể một lượng không nhỏ dự án bị ngưng trệ vì thiếu vốn.
Phân khúc bất động sản nhà ở, với sự góp mặt của nhà ở xã hội, được cho là cột trụ vững chắc nhất trong các phân khúc bất động sản vẫn còn để lộ nhiều bất cập với sự lệch pha cung - cầu, thiếu vắng trầm trọng về nguồn cung.
Ông Bùi Quang Cường, Giám đốc điều hành Công ty Bất động sản Bầu trời Việt Nam cho hay, lý do lớn nhất khiến các doanh nghiệp không mặn mà với nhà ở xã hội nằm ở yếu tố lợi nhuận.
Cụ thể, nhà ở xã hội bị khống chế về mức giá, doanh nghiệp bị giới hạn tỷ lệ lợi nhuận. Đặc biệt, thủ tục pháp lý của dự án nhà ở xã hội rất phức tạp, nên chưa thực sự tạo động lực và khuyến khích doanh nghiệp tích cực triển khai.
Ngoài các ưu đãi về thuế, tiền sử dụng đất, Ngân hàng Nhà nước đang triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng với lãi suất thấp hơn 1,5 - 2 điểm phần trăm so với lãi suất cho vay trung và dài hạn trên thị trường, để cho vay phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất hiện nằm ở cơ chế - chính sách, quy trình - thủ tục. Quy định phức tạp, thiếu hướng dẫn chi tiết, trong khi thủ tục rườm rà, tốn rất nhiều thời gian đã làm nản lòng các doanh nghiệp quan tâm tới nhà ở xã hội…
Trong bối cảnh hiện nay, nhiều chuyên gia nhận định, nếu tháo gỡ được nút thắt thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, thì không những có thể giải quyết nhu cầu nhà ở đang rất bức thiết của người dân, mà sức nóng của nhà ở xã hội cũng sẽ lan tỏa tới các phân khúc bất động sản khác, giúp thúc đẩy thị trường bất động sản hồi phục.