Nhà ở xã hội, “trâu chậm uống nước trong”

(ĐTCK) Nhìn các doanh nghiệp làm nhà xã hội hiện nay được nhiều ưu đãi, nhất là tiếp cận gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng, nhiều chủ đầu tư có dự án nhà ở xã hội đã được đưa vào hoạt động cảm thấy “tủi thân”.
Nhà ở xã hội, “trâu chậm uống nước trong”

> Nhà ở xã hội: Cảnh báo sớm nguy cơ dư thừa

> Chính sách ưu tiên nhà ở xã hội

Tại Hà Nội, một số dự án nhà thu nhập thấp, nhà ở xã hội tại Sài Đồng (Gia Lâm) do Công ty Handico 3 và Handico 5 làm chủ đầu tư và Khu đô thị Đặng Xá 1 do Viglacera làm chủ đầu tư đã được hoàn thành từ lâu, nhưng đến nay vẫn “bị ế” khá nhiều. Tuy nhiên, chủ đầu tư các dự án này như “mở cờ trong bụng” khi gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng được triển khai. Theo đó, người dân nếu mua nhà ở các dự án này tại thời điểm hiện tại sẽ được tiếp cận gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng, nên giúp việc bán hàng suôn sẻ hơn nhiều.

Ông Nguyễn Văn Cửu, Tổng giám đốc Tổng công ty Handico cho rằng, để hoàn thiện dự án, chủ đầu tư phải thu xếp nguồn vốn lớn với mức lãi suất cao, nên giá thành cũng đẩy lên cao, nếu bán với mức giá như hiện nay thì lãi ít, thậm chí chỉ hòa vốn. Tuy nhiên, việc dự án đưa vào sử dụng sẽ giúp người dân có nhà để ở, chủ đầu tư bán được hàng, thu hồi vốn nhanh, không lo bị ế.

Nhà ở xã hội, “trâu chậm uống nước trong” ảnh 1

Hợp đồng mua nhà ở xã hội ký sau ngày 7/1/2013 mới có điều kiện tiếp cận gói 30.000 tỷ đồng

Còn tại Đồng Nai, Công ty Sơn An cũng gặp khá nhiều khó khăn khi thực hiện dự án nhà ở cho người thu nhập thấp tại TP. Biên Hòa.

Theo kế hoạch, Sơn An đầu tư dự án nhà thu nhập thấp gồm 2 block cao 19 tầng, 2 tầng hầm và 6 thang máy, với 408 căn hộ, diện tích bình quân 70 m2/căn hộ, giá bán 8 triệu đồng/m2 tại TP. Biên Hòa. Đây là dự án có tiện ích tương đương, nhưng giá thấp hơn 1 - 1,5 triệu đồng/m2 so với các dự án thương mại quanh khu vực. Trước đó, tỉnh Đồng Nai ban hành cơ chế người mua chỉ phải trả trước 30%, còn 70% được trả chậm trong vòng 10 năm. Cơ chế này tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, nhưng doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn đầu tư. Do đó, chỉ sau 1 năm triển khai, dự án đã phải tạm dừng do thiếu vốn.

Ông Nguyễn Khắc Sơn, Tổng giám đốc Sơn An cho biết, Công ty đã đầu tư hơn 100 tỷ đồng, số tiền thu được từ bán hơn 100 căn hộ là 20 tỷ đồng. Hiện Công ty đã hoàn thiện hồ sơ vay vốn ngân hàng với mức duyệt theo danh sách của Bộ Xây dựng là 150 tỷ đồng. Nếu được vay, dự án sẽ nhanh chóng khởi động lại. Thêm vào đó, việc bán hàng cũng dễ dàng hơn, vì người mua cũng được hưởng ưu đãi từ gói hỗ trợ trên.

Không may mắn như những đồng nghiệp tại Hà Nội và Đồng Nai, Công ty TECCO, chủ đầu tư dự án Chung cư Lê Lợi tại TP. Vinh (tỉnh Nghệ An) lại đang “khóc dở, mếu dở”. Chung cư Lê Lợi được đưa vào sử dụng từ năm 2011, là dự án nhà ở xã hội đầu tiên trên địa bàn TP. Vinh. Dự án với 105 căn hộ, có giá bán 7,7 triệu đồng/m2. Tại thời điểm xây dựng, chủ đầu tư và người mua nhà cũng được công bố hưởng nhiều ưu đãi như miễn tiền thuế VAT, được vay vốn ưu đãi; còn người mua nhà ngoài việc được ưu đãi về giá, còn được vay vốn ưu đãi và được trả dần trong 10 năm. Tuy nhiên, trên thực tế, những ưu đãi trên chỉ dừng lại “trên giấy”.

Theo đại diện TECCO, chủ đầu tư không được hưởng ưu đãi miễn thuế VAT, cũng không được vay vốn ưu đãi, mà phải vay với lãi suất thị trường rất cao vào thời điểm đó. Trong khi người mua cũng không được ưu đãi vay vốn. Hệ quả là đẩy giá thành xây dựng tăng cao và chủ đầu tư buộc phải yêu cầu khách hàng phải thanh toán 100% giá bán căn hộ, thay vì trả góp trong 10 năm như cơ chế do UBND tỉnh Nghệ An ban hành. Tuy nhiên, đến nay, nhiều hộ mới chỉ trả một phần và công cuộc đòi nợ người mua của chủ đầu tư vẫn chưa đến hồi kết.

Ông Trần Hải Minh, Tổng giám đốc Công ty TECCO cho biết, sau nhiều cuộc họp và giải thích với dân, một số hộ dân cho biết, không phản đối chủ đầu tư, nhưng chính sách ưu đãi cho người mua sau quá nhiều khiến họ cảm thấy băn khoăn và cũng chưa thu xếp được nguồn tài chính để trả.

“Bây giờ dân đã vào ở, làm sao yêu cầu họ trả lại nhà được. Cái khổ là vì làm nhà cho người thu nhập thấp, lại được hứa hỗ trợ để người dân trả tiền. Bây giờ không biết kêu ai!?”, ông Minh than thở. Nhiều hộ dân hy vọng sẽ được vay lãi suất 6%/năm trong gói 30.000 tỷ đồng để trả cho chủ đầu tư, nhưng thời điểm ký hợp đồng mua nhà từ năm 2011, nên họ không nằm trong đối tượng được ưu đãi.

Chính vì vậy, các chủ đầu tư như TECCO đang mong muốn cơ quan quản lý có cơ chế hỗ trợ họ, dù mức ưu đãi không bằng các dự án nhà ở xã hội xây mới, nhưng dù sao cũng để "người đi trước" bớt thiệt thòi.

Thanh Uyên
Thanh Uyên

Tin cùng chuyên mục