Phần lớn các khu chung cư cho người TNT được xây dựng tại thời hoàng kim của thị trường bất động sản. Mức giá từ 11 - 13 triệu đồng/m2 đối với căn hộ TNT tại Hà Nội và từ 6 - 8 triệu đồng/m2 với căn hộ ở các thành phố như Vinh, Biên Hòa, Đà Nẵng là mức giá được cho là hấp dẫn ở thời điểm đó. Tại Hà Nội, để mua được một căn hộ TNT, người mua phải cạnh tranh với rất nhiều hồ sơ khác. Việc giành được quyền mua căn hộ TNT cũng được xem như là thắng lợi của nhiều người và một số hộ sau khi mua được nhà đã bán sang tay luôn để hưởng khoản chênh lệch. Thời điểm đó, dù không đủ tiền mua nhưng từ người mua đến các cơ quan chức năng chẳng thấy ai kêu giá nhà TNT cao.
Thế nhưng, tại thời điểm này, khi thị trường BĐS trầm lắng, nhiều dự án chung cư thương mại trong cơn “đói vốn” cũng được bán ngang giá, hoặc nhỉnh hơn so với giá nhà TNT cùng với nhiều chính sách ưu đãi, khuyến mại khiến những người mua được nhà TNT “giật mình” tự hỏi, liệu họ có thực sự được ưu đãi? Và giá nhà TNT trở thành đề tài nóng bỏng, khiến cuộc chiến giành quyền lợi của cả người bán lẫn người mua bắt đầu dội vào cơ chế. Cơ chế, chiếc vé thông hành không đồng nghĩa với phương tiện để về đích của nhiều dự án đang gây tranh cãi về giá bán, về việc không được hỗ trợ vay vốn ưu đãi, chủ đầu tư không được miễn tiền thuế VAT…
Chủ đầu tư đòi tiền, người mua nhà TNT đòi quyền là thực tế đã xảy ra tại Chung cư Lê Lợi, TP. Vinh do Công ty Tecco làm chủ đầu tư. Số là theo cơ chế xây dựng nhà ở TNT do UBND tỉnh Nghệ An ban hành, chủ đầu tư được ưu đãi miễn tiền thuế VAT và được vay vốn ưu đãi các tổ chức tín dụng; còn người mua nhà TNT ngoài việc được ưu đãi về giá (7,7 triệu đồng/m2), thấp hơn mức giá trên thị trường lúc ấy khoảng 1 - 1,2 triệu đồng/m2, còn được vay vốn ưu đãi và được trả dần trong 10 năm. Tuy nhiên, trên thực tế, những ưu đãi trên chỉ dừng lại ở việc “ban hành cơ chế” mà thôi. Phía chủ đầu tư Dự án Chung cư Lê Lợi không được hưởng ưu đãi miễn thuế VAT và phải đi vay vốn đầu tư cho dự án với lãi suất cao. Chính vì vậy, phía Tecco đã đòi khách hàng phải thanh toán luôn 100% giá bán căn hộ, mà không cho trả góp trong 10 năm như cơ chế do UBND tỉnh Nghệ An ban hành.
Không được trả góp trong 10 năm, nhiều hộ dân ở đây không biết xoay xở thế nào với khoản tiền còn lại để nộp cho chủ đầu tư.
Chung cư Lê Lợi không phải là trường hợp nhà TNT đầu tiên khách hàng không chịu nộp phần tiền còn lại, mà cách đây gần 10 năm, CTCP Đầu tư và phát triển nhà Nghệ An (nay là HANDICO 30) xây dựng Khu chung cư tái định cư Nam Nguyễn Sỹ Sách cũng ở trong tình trạng tương tự.
Lĩnh ấn tiên phong xây nhà TNT rồi lại mắc kẹt trong cơ chế cũng là tình cảnh của chủ đầu tư Dự án TNT tại TP. Biên Hòa (Đồng Nai) là Công ty Sơn An. Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 320 tỷ đồng, gồm 2 block cao 19 tầng với 408 căn hộ, với diện tích bình quân 70 m2/căn hộ, phải ngừng thi công trong 3 tháng do thiếu vốn và mới được khởi động lại hơn 1 tháng nay. Ông Nguyễn Khắc Sơn, Tổng giám đốc Công ty Sơn An cho biết: “Chúng tôi không được vay vốn ưu đãi, số tiền thu từ khách hàng được khoảng 20 tỷ đồng. Hiện Công ty đã đầu tư hơn 100 tỷ đồng và hồ sơ vay vốn đang chờ thẩm định. Nếu không được vay vốn ưu đãi thì chúng tôi cũng không biết phải làm thế nào”.
Được biết, Công ty đã bán được khoảng 100 căn hộ cho người TNT với mức giá 8 triệu đồng/m2, mức giá này chênh lệch so với giá nhà thương mại trên thị trường khoảng 2,5 - 3 triệu đồng/m2. Nhìn vào thiết kế thì chung cư đầu tiên dành cho người TNT trên địa bàn TP. Biên Hòa rất lý tưởng với 2 tầng hầm, 6 thang máy tốc độ cao… cùng với các tiện nghi mà xét về tính tiện ích và hiện đại thì không khác gì nhà ở thương mại trên địa bàn. Tỉnh đã có cơ chế ưu đãi cho người mua chỉ phải trả trước 150 triệu đồng, số tiền còn lại được trả chậm trong vòng 30 năm. Người mua tương đối yên tâm, nhưng phía chủ đầu tư như Công ty Sơn An đương nhiên phải tự tìm kế thoát hiểm.