Thứ trưởng có thể cho biết rõ hơn những kết quả đã đạt được?
Trong một thời gian ngắn triển khai chính sách này, hiện đã có khoảng 190 dự án với tổng số vốn trên 28.000 tỷ đồng được đăng ký với quy mô xây dựng khoảng 170.000 căn hộ, tương ứng với khoảng 7 triệu m2 sàn, đáp ứng cho khoảng 700.000 người có thu nhập thấp.
Đặc biệt, riêng tại Hà Nội, các dự án được khởi công có quy mô khoảng 25.000 căn hộ, trong đó có những dự án của Vinaconex đã bắt đầu bán hàng. Tại TP. HCM, các dự án được khởi công với tổng quy mô khoảng 10.000 căn hộ và sẽ được bán trong cuối năm 2010 và năm 2011.
Theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở vừa qua, cả nước có khoảng 500.000 hộ gia đình đang ở trong diện tích nhà bình quân khoảng 5-6 m2/người. Điều đó cho thấy, nhu cầu về nhà ở còn rất lớn, vượt xa so với khả năng cung cấp nhà ở của các dự án trên. Tuy vậy, trong khoảng hơn 1 năm mà chúng ta ra được số dự án như vậy là điều đáng mừng, chứng tỏ chính sách đã bắt đầu đi vào cuộc sống.
Hiện nay, trên các phương tiện thông tin đại chúng, hai thuật ngữ "nhà ở xã hội" và "nhà ở thu nhập thấp" đang cùng được sử dụng. Vậy các khái niệm bên trong hai thuật ngữ này có gì khác nhau?
Hiện nay, theo Luật Nhà ở và Nghị định 71 hướng dẫn Luật Nhà ở, nhà ở xã hội là loại hình nhà ở được đầu tư bằng ngân sách nhà nước, là tài sản của Nhà nước và chỉ dùng với mục đích cho thuê. Còn nhà ở thu nhập thấp là nhà ở dành để bán cho người có thu nhập thấp sống ở đô thị, là loại hình nhà được đầu tư bằng nguồn vốn thương mại của các doanh nghiệp cùng với một số ưu đãi, khuyến khích của Nhà nước. Vì thế, nhà ở thu nhập thấp là loại hình nhà ở thương mại, có sự điều tiết của Nhà nước về diện tích, giá cả, điều kiện và đối tượng được mua bán loại nhà này.
Điểm giống nhau là các loại hình nhà này đều dành cho đối tượng là các thành phần có khó khăn về nhà ở trong xã hội mà không có điều kiện tự cải thiện. Tuy nhiên, ở giai đoạn hiện nay, khi mà nguồn lực về vốn ngân sách nhà nước còn hạn chế, hình thức nhà ở thu nhập thấp sẽ là hướng chủ đạo trong 10-20 năm tới.
Nhiều người tỏ ra phân vân và nghi ngờ về chất lượng nhà ở thu nhập thấp. Là người chịu trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, Thứ trưởng có thể nói gì về chất lượng của các công trình nói trên?
Đây là vấn đề mà người dân cũng như Chính phủ hết sức quan tâm vì trên thực tế, có một số công trình xây dựng, thậm chí các công trình xây dựng theo hình thức thương mại cũng không đảm bảo chất lượng xây dựng, ảnh hưởng đến môi trường, thậm chí là tính mạng, tài sản của nhân dân. Trong Thông tư số 10 và số 36 của Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện Quyết định số 67 của Thủ tướng Chính phủ, đã nhấn mạnh đến việc kiểm soát chất lượng của các công trình xây dựng nhà ở thu nhập thấp. Theo đó, ngoài việc các công trình xây dựng này phải đáp ứng được các quy chuẩn, tiêu chuẩn chung của các công trình xây dựng, còn được kiểm tra chất lượng kép bằng việc phải có giấy chứng nhận đạt yêu cầu đưa vào sử dụng của một công ty kiểm định độc lập. Mặt khác, việc Bộ Xây dựng cũng như chính quyền các tỉnh thành đã lựa chọn các doanh nghiệp lớn có thương hiệu và uy tín, kinh nghiệm trong công tác xây dựng để giao các dự án ở giai đoạn đầu.
Vì thế, tôi có thể khẳng định, chất lượng cũng như dịch vụ của các dự án nhà ở thu nhập thấp sẽ được đảm bảo và tương đương với những nhà ở thuộc khu đô thị tầm trung như Định Công, Linh Đàm. Hơn nữa, việc sử dụng quỹ đất 20% tại các dự án khu đô thị có quy mô 10 héc-ta trở lên sẽ đảm bảo cho nhà ở thu nhập thấp cũng được hưởng các tiện ích về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội như các dự án đô thị thương mại.
Dư luận cho rằng, có hiện tượng đầu cơ ở các dự án nhà ở cho người có thu nhập thấp? Theo Thứ trưởng, điều này có xảy ra không và Bộ Xây dựng đã có những biện pháp cụ thể như nào để hạn chế tình trạng này?
Việc dư luận lo ngại về hiện tượng đầu cơ ở các dự án nhà ở thu nhập thấp là có cơ sở vì hiện nay nhu cầu mua nhà ở thu nhập thấp rất cao trong khi số dự án ban đầu còn rất khiêm tốn. Tuy nhiên, trong Quyết định 67 cũng như các văn bản hướng dẫn của Bộ Xây dựng và chính quyền các địa phương đều quy định chặt chẽ quy trình thủ tục và điều kiện đối với các đối tượng được mua loại hình nhà ở này.
Theo tôi, trong thực tế, cũng có thể lọt lưới một số các trường hợp không đúng đối tượng và điều kiện. Bộ Xây dựng và chính quyền các địa phương sẽ tổ chức hậu kiểm và nếu phát hiện thấy sai sót, hoặc lợi dụng thì sẽ xử lý theo chế tài được quy định như: thu hồi lại giấy chứng nhận sở hữu nhà hoặc thu hồi lại quyền sử dụng nhà. Đối với các doanh nghiệp bán sai đối tượng, có thể bị cấm triển khai các dự án nhà ở và đô thị trong vòng 2 năm hoặc bị thu hồi giấy phép kinh doanh. Trường hợp vi phạm nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Chúng tôi hết sức hoan nghênh và khuyến khích người dân, báo chí giám sát và phát hiện những sai phạm trong quá trình thực hiện chính sách này và sẽ xử lý nghiêm minh các trường hợp sai phạm nếu có thông tin cụ thể.