Nhà nước quản lý vốn đầu tư vào doanh nghiệp hay "quản tất tần tật"?

0:00 / 0:00
0:00
Đây là một trong những câu hỏi được nêu tại Hội thảo tham vấn để sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69).
“Luật số 69 đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế bất cập như việc xác định thẩm quyền quyết định dự án đầu tư, xây dựng, mua bán tài sản cố định; đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp; đầu tư ra nước ngoài; bảo toàn và phát triển vốn…”, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính nhận định “Luật số 69 đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế bất cập như việc xác định thẩm quyền quyết định dự án đầu tư, xây dựng, mua bán tài sản cố định; đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp; đầu tư ra nước ngoài; bảo toàn và phát triển vốn…”, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính nhận định

Nhà nước quản lý “tất tần tật”

Luật số 69 điều chỉnh hoạt động đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và giám sát việc đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Vốn nhà nước tại doanh nghiệp bao gồm vốn ngân sách nhà nước, vốn tiếp nhận có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước; vốn từ quỹ đầu tư phát triển tại doanh nghiệp, quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp; vốn tín dụng do Chính phủ bảo lãnh, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước và vốn khác được Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.

Với phạm vi điều chỉnh và nội hàm vốn nhà nước rộng như vậy, nên ông Nguyễn Minh Khoa, Trưởng ban Pháp chế, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho rằng, đây không phải là Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp mà là “Luật Quản lý doanh nghiệp nhà nước” vì các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan đại diện vốn chủ sở hữu nhà nước “quản tất tần tật” mọi hoạt động của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) cả tổ chức, bộ máy, nhân sự, ban lãnh đạo, HĐTV, HĐQT đến kế hoạch, chiến lược, phương án sản xuất, kinh doanh; đầu tư vốn, thoái vốn, đầu tư xây dựng… lẫn tiền lương, thu nhập của người lao động.

“Quyền tự chủ trong hoạt động kinh doanh của DNNN rất ít, ít tới mức tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ muốn thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện cũng đều phải báo cáo đại diện chủ sở hữu, cơ quan quản lý nhà nước. Doanh nghiệp muốn bổ sung ngành nghề kinh doanh, thậm chí ngành nghề kinh doanh phát sinh từ ngành nghề kinh doanh cũ cũng không được tự chủ, nếu muốn mở thêm bất cứ hoạt động kinh doanh nào thì phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt”, đại diện EVN phản ánh.

Làm việc gì cũng phải “trình bẩm”, thậm chí cả những việc rất nhỏ, theo ông Khoa đã khiến không ít DNNN mất cơ hội tăng doanh thu, lợi nhuận, thu nhập cho người lao động. Đơn cử, doanh nghiệp đầu tư mở rộng văn phòng làm việc, nhà xưởng hay đầu tư vào thiết bị, máy móc, phương tiện vận tải, phương tiện chuyên dùng, những lúc không sử dụng hoặc không sử dụng hết công suất muốn cho thuê để khai thác tối đa hiệu quả vốn đầu tư, tăng doanh thu, thu nhập cho người lao động cũng phải chờ ý kiến đồng ý của cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan đại diện vốn nhà nước. Và chờ đến khi được đồng ý thì đối tác đã đi thuê chỗ khác.

Có thực tế này, theo TS. Phan Đằng Chương, Phó tổng giám đốc Dịch vụ tư vấn Công ty TNHH Ernst & Young Vietnam là do đang tồn tại các cách hiểu khác nhau về vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp và vốn của doanh nghiệp.

“Nhà nước chỉ nên tập trung vào quản lý “vốn nhà nước” đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, không nên quan tâm các vấn đề liên quan đến quản trị, vận hành của DNNN tương tự như quản lý DNNN của các nước trên thế giới”, ông Chương đề xuất.

Không thể đòi hỏi “trăm trận đánh, trăm trận thắng”

Muốn quản lý được thì phải có chế tài để xử lý, nên trong Luật số 69 và các văn bản hướng dẫn quy định rất rõ ràng các tiêu chí, dựa vào các tiêu chí này, hàng năm doanh nghiệp sẽ được xếp hạng A, B, C. Căn cứ vào mức độ xếp hạng để đánh vào “túi tiền” không chỉ của ban lãnh đạo, HĐTV, HĐQT mà thậm chí còn đánh vào thu nhập của người lao động.

Cụ thể, theo Luật số 69, việc đánh giá, xếp loại doanh nghiệp căn cứ vào các tiêu chí: mức độ thực hiện kế hoạch về doanh thu, lợi nhuận và tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu; khả năng thanh toán nợ, nợ phải trả quá hạn… việc chấp hành chính sách, pháp luật về đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Chi cục phó Chi cục Tài chính doanh nghiệp TP.HCM, ngay cả tiêu chí đầu tiên để xếp loại doanh nghiệp hàng năm “mức độ thực hiện kế hoạch về doanh thu, lợi nhuận và tỷ suất lợi nhuận” cũng không hợp lý vì với quy định này, doanh nghiệp đầu tư 10 dự án trong đó chỉ cần 1-2 dự án bị thua lỗ, nhưng tổng số vốn đầu tư vào 10 dự án không chỉ bảo tồn mà còn phát triển, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, đóng góp vào ngân sách nhà nước (không chỉ thuế như doanh nghiệp dân doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mà còn phải nộp cả lợi nhuận sau thuế), lãnh đạo doanh nghiệp không chỉ chịu trách nhiệm mà doanh nghiệp còn bị hạ xếp hạng, theo đó, thu nhập của lãnh đạo doanh nghiệp sẽ bị giảm xuống.

“Cũng như doanh nghiệp dân doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chúng ta không thể đòi hỏi doanh nghiệp Nhà nước “trăm trận đánh, trăm trận thắng”. Đã đầu tư phải có trận thắng, trận thua, nhưng quan trọng là thắng trong cả cuộc chiến”, ông Minh nhấn mạnh.

Trưởng ban Pháp chế EVN, ông Nguyễn Minh Khoa cũng cho rằng: “Không thể đòi hỏi doanh nghiệp nhà nước trăm trận đánh, trăm trận thắng”. Vì vai trò, trách nhiệm của DNNN không chỉ vì mục tiêu lợi nhuận mà còn phải thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao đó là “thực hiện định hướng, điều tiết, ổn định kinh tế vĩ mô; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội”, phải đầu tư vào những lĩnh vực mà biết chắc là chỉ có lỗ như kéo điện lên biên giới, ra đảo, đầu tư vào những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn. Vì vậy, chỉ cần dựa vào tiêu chí này rất nhiều DNNN không bao giờ được xếp hạng cao.

Ngay cả tiêu chí: “Việc chấp hành chính sách, pháp luật và quy định khác của pháp luật có liên quan”, theo đại diện của EVN cũng không phù hợp trong nhiều trường hợp cụ thể.

“Một doanh nghiệp đáp ứng được tất cả các tiêu chỉ để được xếp hạng A, nhưng cơ quan thuế kiểm tra các nghĩa vụ về tài chính với ngân sách nhà nước 5 năm trở về trước trước, do sơ suất của bộ phận kế toán, 4-5 năm trước, doanh nghiệp có một khoản thuế nào đó trị giá 10-15 năm chưa nộp nên bị xử phạt vi phạm hành chính thế là doanh nghiệp bị đánh tụt hạng, thu nhập của cả ban lãnh đạo lẫn người lao động cũng bị giảm theo trong khi lỗi xảy ra từ 4-5 năm trước và quá nhỏ so với số thuế hàng trăm ngàn tỷ đồng doanh nghiệp đã đóng trong suốt 5 năm qua”, ông Khoa nêu bức xúc.

Mạnh Bôn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục