Nhà nước chỉ có trách nhiệm định hướng vĩ mô

(ĐTCK-online) Trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2008, phần đánh giá về TTCK tương đối bi quan, nhưng kể từ khi bản báo cáo này được công bố công khai (ngày 6/5/2008) đến nay, TTCK thậm chí còn diễn biến theo chiều hướng xấu hơn dự tính. Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế, TS. Nguyễn Đức Kiên lý giải về vấn đề này ra sao?
Ông Nguyễn Đức Kiên. Ông Nguyễn Đức Kiên.

Ông nhận định thế nào về TTCK thời gian gần đây?

Nếu ngắn gọn tôi chỉ có thể nói rằng, giá cổ phiếu không phản ánh đúng giá trị thực của nó. Trong thời gian TTCK tăng trưởng mạnh, giá cổ phiếu cũng không phản ánh giá trị thực: được đánh giá quá cao. Còn bây giờ thì ngược lại: bị đánh giá quá thấp.

 

Nếu người thân, bạn bè của ông đang đầu tư vào TTCK thì ông sẽ đưa ra lời khuyên nào đối với họ?

Thật khó để đưa ra bất cứ lời khuyên nào trong thời điểm hiện nay. Tuy nhiên, nếu ai hỏi, tôi vẫn giữ nguyên quan điểm là đầu tư vào TTCK chứ không đầu cơ vào TTCK. Nếu NĐT tham gia mua cổ phiếu vài năm trước đây, hoặc mua cổ phiếu khi DN niêm yết/đăng ký giao dịch với thị giá 2X - 3X thì bây giờ cũng chưa rơi vào thua lỗ, hoặc nếu có lỗ thì cũng chưa đến mức phá sản. Ngược lại, nếu NĐT mua cổ phiếu với kỳ vọng chỉ sau một đêm đã có thể thay được xe máy tay ga đời mới, hoặc sau vài tháng đã mua được nhà cửa, ô tô thì đều thất bại thảm hại.

Nhưng dù đầu cơ hay đầu tư thì tham gia vào TTCK, nhiều người vẫn phải vay vốn, cả vốn ngân hàng lẫn huy động vốn từ anh em, bạn bè. Trong bối cảnh thị trường giảm mạnh, theo ông, NĐT nên xử lý ra sao?

Trước hết phải nói rằng, đầu tư vào lĩnh vực nào cũng vậy, nếu phải vay vốn vượt quá khả năng chi trả, kết quả không được như dự tính ban đầu thì thường thất bại. Nếu anh có 1.000 đồng vốn và sở hữu số tài sản trị giá 3.000 đồng, là NĐT chuyên nghiệp, anh chỉ nên đầu tư 50 - 60% số vốn mà thôi. Nhưng do không chuyên nghiệp, không hiểu được sự khắc nghiệt của TTCK và lại muốn mua nhà, mua xe chỉ trong vòng vài tháng, nhiều NĐT không chỉ đầu tư toàn bộ tiền vốn mà còn thế chấp toàn bộ tài sản để vay tiền mua cổ phiếu. Khi thế chấp, tài sản chỉ được ngân hàng định giá 60 - 70% giá trị. Như vậy, vô hình trung anh đã bán rẻ tài sản của mình để đầu tư vào TTCK, trong khi chỉ có “kỳ vọng” giá cổ phiếu tăng mà không có cơ sở nào bảo đảm chắc chắn cổ phiếu mà anh đầu tư sẽ tăng giá. Thua lỗ là điều tất nhiên. Trong trường hợp này, anh phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về quyết định của mình, hay nói đúng ra anh phải chịu trách nhiệm trước lòng tham của mình. Theo tôi biết, trên thế giới không chính phủ nào đứng ra chịu thay trách nhiệm cho NĐT chứng khoán.

 

Nhưng trên thực tế, Chính phủ đã sử dụng nhiều biện pháp kể cả hành chính lẫn kinh tế để khôi phục giá cổ phiếu, nhưng các biện pháp gần như không đạt hiệu quả?

Chính phủ với tư cách là người quản lý thì chỉ có trách nhiệm định hướng cho sự phát triển của TTCK. Xét một cách toàn diện, Chính phủ đã thực hiện đúng chức năng, quyền hạn và cả nghĩa vụ của mình với TTCK, đặc biệt là việc giao cho Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) tham gia mua chứng khoán. Việc SCIC mua chứng khoán không có nghĩa là Chính phủ sử dụng biện pháp kinh tế hay hành chính để can thiệp trực tiếp vào thị trường, để vực TTCK mà chỉ có ý nghĩa về mặt tinh thần là Chính phủ chia sẻ khó khăn với NĐT.

 

Nhà nước đang sở hữu hàng chục ngàn tỷ đồng tại các CTCP, giá cổ phiếu xuống thì người “mất” nhiều nhất là Nhà nước?

Giá trị thực sự của cổ phiếu không mất, thị trường đi xuống thì chỉ mất giá trị ảo. Nhà nước không bán cổ phiếu mình đang sở hữu nên không thể nói Nhà nước bị thua lỗ do thị trường đi xuống. Giá cổ phiếu của DN dù bị mất giá 50 - 60% nhưng DN vẫn đang hoạt động bình thường, nhiều DN vẫn đạt tốc độ phát triển khả quan nên sự tác động của TTCK đến các hoạt động kinh tế - xã hội không lớn. Khi thị trường giảm giá mạnh trong một thời gian dài, Nhà nước (nếu có) thì chỉ “cứu” DN phát hành cổ phiếu chứ không “cứu”  được NĐT.

 

Nếu ông là người chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về chứng khoán và TTCK, trong bối cảnh này ông xử lý thế nào?

Thứ nhất, phải tạo dựng lại niềm tin cho NĐT. Thứ hai, đưa ra chính sách nhằm bình thường hóa các hoạt động trên TTCK. Một TTCK hoạt động bình thường có lúc tăng đương nhiên phải có lúc giảm, dù tăng hay giảm thì các hoạt động khác như IPO, đưa các DN đủ điều kiện ra niêm yết vẫn phải thực hiện bình thường. Thậm chí, trong trường hợp nếu có DN vì lý do nào đó buộc phải tạm dừng giao dịch hoặc rút luôn cổ phiếu ra khỏi thị trường thì vẫn phải thực hiện. Nhưng trên thực tế, cơ quan quản lý nhà nước lại chưa để cho TTCK vận hành đúng theo quy luật. Cụ thể, trong khi TTCK sụt giảm thì hoạt động IPO bị dừng lại hay trong bối cảnh này, nhằm bảo vệ sự mất mát quá lớn của NĐT, có DN muốn tạm thời dừng giao dịch cổ phiếu hoặc rút cổ phiếu ra khỏi thị trường giao dịch chính thức cũng khó có thể được đáp ứng yêu cầu chính đáng này. Số lượng DN niêm yết/đăng ký giao dịch vẫn không biến động nhiều so với cuối năm 2007, hoạt động IPO bị tạm dừng, cộng thêm sự mất lòng tin của NĐT đã tác động xấu tới TTCK. Nếu vẫn để TTCK hoạt động không đúng quy luật của nó thì khó có thể phục hồi lại thị trường.

 

Mặc dù lãnh đạo Bộ Tài chính luôn khẳng định sẽ đưa cổ phiếu tốt lên thị trường, nhưng thực tế hoạt động này đã bị dừng  lại. Ông bình luận thế nào về động thái trên của cơ quan này?

Phải nhìn Bộ Tài chính dưới 2 góc độ: dưới góc độ là chủ đầu tư (quản lý tài sản nhà nước tại DNNN), trong khi thị trường sụt giảm người ta không IPO là hợp lý (vì để bảo toàn lợi ích của Nhà nước). Thế nhưng, với tư cách là người quản lý nhà nước đối với TTCK thì Bộ Tài chính phải có trách nhiệm thúc đẩy IPO các DNNN, nhằm đưa hàng hóa tốt ra thị trường mới hy vọng kích cầu. Vấn đề nằm ở chỗ IPO (để kích cầu thị trường) hay không IPO (để bảo toàn nguồn vốn nhà nước). Với tư cách vừa là người quản lý TTCK, vừa là người chủ sở hữu vốn nhà nước tại rất nhiều doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã tham mưu cho Chính phủ chọn phương án tối ưu.

 

Mạnh Bôn thực hiện.
Mạnh Bôn thực hiện.

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,244.7 0.0 0.0% 162,835 tỷ
HNX 235.68 0.0 0.0% 1,903 tỷ
UPCOM 91.72 0.02 0.02% 825 tỷ