Nhà nhập khẩu Hoa Kỳ trở lại đặt hàng nhiều doanh nghiệp dệt may Việt Nam

(ĐTCK-online) Theo tin từ các doanh nghiệp (DN) dệt may xuất khẩu Việt Nam, sau một thời gian nghe ngóng và giãn tiến độ đặt hàng, tại thời điểm này, nhiều nhà nhập khẩu Hoa Kỳ tiếp tục quay trở lại đặt hàng với các DN dệt may nước ta. Các công ty cổ phần may như Thăng Long, Hưng Yên, Hiệp Hưng... đều đã có đơn hàng đến hết năm và quý I năm 2008.
Hàng hóa dệt may Việt Nam dần lấy lại lòng tin của các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ. Hàng hóa dệt may Việt Nam dần lấy lại lòng tin của các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ.

Ông Lê Văn Đạo, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho rằng, lý do các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ quay trở lại là do hàng hoá Việt Nam đang dần lấy lại lòng tin của các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ. Bản thân các nhà nhập khẩu đã nhận thấy chất lượng thực của hàng dệt may Việt Nam, cũng như cách thức làm ăn của các DN. Tình trạng hàng hoá từ các nước thứ 3 được dán nhãn Việt Nam rồi xuất sang Hoa Kỳ diễn ra nhiều trong thời gian trước, hiện đã chấm dứt với sự quản lý chặt chẽ của ngành chức năng. Đây là tín hiệu rất đáng mừng, sau một thời gian một số nhà nhập khẩu Hoa Kỳ tỏ ra e ngại với việc nhập khẩu hàng Việt Nam , do bị Bộ Thương mại nước này giám sát chặt chẽ.

Điển hình là Công ty cổ phần May Thăng Long, cách đây không lâu, chỉ hoạt động cầm chừng, phải chịu lỗ, do không có đơn hàng. Tuy nhiên, hiện nay, mọi sự đã khác, đơn hàng của Công ty xuất đi Hoa Kỳ đã kín hết năm và hết cả quý I/2008. Không chỉ các nhà nhập khẩu cũ quay trở lại, mà một số nhà nhập  khẩu lớn khác tại Hoa Kỳ cũng đã tìm đến với Công ty.

Bà Nguyễn Thị Tuyết, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần May Thăng Long cho biết, kể từ khi Hoa Kỳ áp đặt cơ chế giám sát, khách hàng trước đây của Công ty tại thị trường này đã thận trọng hơn trong việc đặt hàng. Tuy nhiên, thời gian này, cùng với những thông tin mà Hải quan Hoa Kỳ công bố về tình hình xuất khẩu dệt may Việt Nam vào Hoa Kỳ vẫn rất lành mạnh, các nhà nhập khẩu đã tiếp tục đặt hàng với Công ty. Theo bà Tuyết, Công ty đã đầu tư hơn 300.000 USD cho hệ thống dây chuyền hiện đại, nhằm nâng cao chất lượng, năng suất, đảm bảo kịp tiến độ với thời hạn giao hàng đã ký. Mặt khác, để tiếp nhận và đảm bảo những đơn hàng mới, Công ty đã có kế hoạch mở rộng nhà xưởng, đầu tư máy móc thiết bị và nghiên cứu để sản xuất thêm mặt hàng mới.

Công ty cổ phần May Hiệp Hưng cũng đã ký được hợp đồng xuất khẩu cho hết năm 2007 và đầu năm 2008. Bà Đoàn Thị Hữu Nghị, Giám đốc Công ty này cho biết, sản phẩm của Công ty đều là hàng chất lượng cao, chủ yếu làm bằng tơ tằm, nên khách hàng Hoa Kỳ rất tín nhiệm. Khách hàng chủ yếu lựa chọn những mặt hàng được làm bằng chất liệu tơ tằm và xơ vi sinh, với đơn hàng tăng 30 - 40%...

Báo cáo mới nhất của Hải quan Hoa Kỳ về tình hình xuất khẩu dệt may 6 tháng đầu năm 2007 cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may 6 tháng của Việt Nam vào thị trường này tăng 20,70% so với cùng kỳ năm ngoái. Về giá, hầu hết các Cat. bị giám sát trong tháng 6/2007 đều có hiện tượng giảm giá, nhưng vẫn ở mức trên dưới 10%, cá biệt có Cat.341/641 giảm 31,93%. Giá trung bình trong 6 tháng giảm, với Cat giảm giá  nhiều nhất  là 341/641:15,77%, có Cat. tăng như Cat. 638/639: tăng 1,18%.

Mặc dù với kết quả thống kê này, đến nay, hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam vào Hoa Kỳ vẫn được xem là khá lành mạnh, nhưng Vitas vẫn chỉ đạo các DN tiếp tục giám sát chặt chẽ hơn nữa số lượng các mã hàng xuất khẩu vào Hoa Kỳ. Đặc biệt, để tránh tình trạng không bị phụ thuộc quá vào một thị trường, các DN cần chuẩn bị trước cho mình những kế hoạch mới, để có thể sớm chủ động đối phó với những diễn biến không thuận của thị trường có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng khuyến cáo, DN dệt may cần lưu ý trong ký kết và thực hiện các đơn hàng/hợp đồng trong các tháng tiếp theo đối với các mặt hàng thuộc diện giám sát của Hoa Kỳ, nhất là với là các mã hàng thuộc các Cat. 339, 641, 639, 648; đồng thời tăng cường nhận các đơn hàng có chất lượng, giá trị cao, không nên thực hiện các đơn hàng đơn giản, giá thấp.

Dự báo, với diễn biến thị trường như hiện nay, nhiều khả năng, ngành dệt may sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu 7,5 tỷ USD trong năm 2007.

Thế Hải
Thế Hải

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,273.11 0.0 0.0% 230,739 tỷ
HNX 241.54 0.0 0.0% 2,110 tỷ
UPCOM 93.07 0.0 0.0% 1,197 tỷ