Ben Yang có một công ty sản xuất đồ nội thất tại Đông Hoản (Quảng Đông), là Sunrise Furniture. Nếu đầu năm tới, thuế nhập khẩu của Mỹ tăng lên 25%, tỷ trọng hàng xuất khẩu sang Mỹ của họ có thể giảm từ 90% xuống còn gần một phần ba.
“Đối thủ lớn của chúng tôi là Việt Nam. Thuế nhập khẩu 10% không đủ lớn để tạo ra sự khác biệt”, Yang cho biết, “Nhưng 25% thì đáng lo ngại đấy. Nó chắc chắn có ảnh hưởng trong ngắn hạn. Người Mỹ sẽ phải chấp nhận giá cao hơn”.
Tình hình của Yang cũng chính là vấn đề cả nền kinh tế Trung Quốc nói chung đang phải đối mặt. Các tin tức tiêu cực liên tục xuất hiện. Kinh tế Trung Quốc vẫn chưa chịu tác động mạnh, nhưng tăng trưởng giảm dần là điều đã được dự báo từ trước.
Đến nay, Mỹ đã áp thuế nhập khẩu lên tổng cộng 250 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc. Lần gần đây nhất, họ áp 10% với 200 tỷ USD hàng hóa. Sang năm sau, thuế này có thể được nâng lên 25%. Trung Quốc đã trả đũa lên 110 tỷ USD hàng Mỹ. Còn Tổng thống Mỹ - Donald Trump cũng đe dọa đánh thuế toàn bộ hàng Trung Quốc.
Chuyện gì sẽ xảy đến tiếp theo là điều các chủ doanh nghiệp tại Quảng Đông luôn suy nghĩ. Đây vừa là trung tâm sản xuất của Trung Quốc, vừa là nơi đặt trụ sở các công ty nổi tiếng, như Tencent. Các hãng xuất khẩu ở đây đang tìm cách điều chỉnh, bằng việc đa dạng hóa doanh thu sang các thị trường mới, cũng như tăng cường nhu cầu trong nước.
“Nếu thuế vượt trên 10%, sự gián đoạn sẽ rất khủng khiếp”, David Loevinger - cựu chuyên gia Trung Quốc tại Bộ Tài chính Mỹ nhận xét.
Chính phủ Trung Quốc đang giảm dần chiến dịch kiềm chế vay nợ, đồng thời bổ sung các biện pháp kích thích. Thuế nhập khẩu của Mỹ thực chất cũng đang giúp tăng xuất khẩu, khi các công ty Trung Quốc đổ xô xuất hàng trước khi thuế tăng cao hơn.
Ngày 19/10, Trung Quốc công bố GDP quý III. Khi đó, tác động của thuế nhập khẩu lên các công ty Trung Quốc mới được làm rõ. Theo dự báo, nền kinh tế lớn nhì thế giới có thể chỉ tăng trưởng 6,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây sẽ là tốc độ chậm nhất trong gần một thập kỷ.
Hôm qua, Mỹ tiếp tục đưa cuộc chiến thương mại với Trung Quốc sang chiến trường mới, khi tuyên bố rút khỏi một hiệp ước về bưu chính, mà họ cho là giúp công ty Trung Quốc có lợi thế không công bằng so với doanh nghiệp Mỹ. Mỹ có thể không rút đi nếu tái đàm phán được theo hướng có lợi hơn.
Tuy nhiên, động thái này có thể vẫn ảnh hưởng đến các công ty Trung Quốc, khi làm tăng giá vận chuyển hàng đến Mỹ qua đường bưu điện.
Kinh tế trong nước giảm tốc và áp lực bên ngoài tăng đang khiến các hãng sản xuất tại Quảng Đông phải chuẩn bị cho một năm 2019 khó khăn hơn. Baker Perfect - một hãng chuyên sản xuất đồ nội thất bán trong nước đang cảm thấy cạnh tranh tăng lên, khi các hãng xuất khẩu chuyển sang thị trường trong nước, trong bối cảnh chính họ cũng đang chật vật vì kinh tế Trung Quốc chậm lại.
Các hãng đồ nội thất đã ngừng kế hoạch mở rộng và hạn chế đầu tư mới, nhà sáng lập Baker Perfect - Li Shuiqing cho biết. “Dù sao, đây cũng không phải vấn đề sinh tồn, chỉ là vượt qua khó khăn thôi”, Li nói, “Giờ phải giữ tiền trong ngân hàng hơn là đầu tư vào cổ phiếu hay bất động sản. Trong thời kỳ khó khăn, anh phải thận trọng, không mở rộng hay đầu tư nhiều”.
Dù vậy, điều tồi tệ hơn có thể sắp đến. Bloomberg dự báo năm nay, tăng trưởng đầu tư tại Trung Quốc chậm lại, chỉ còn 6,5%. Năm tới, con số này có thể chỉ là 6%, bất chấp các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ Trung Quốc, như giảm thuế, tăng chi cho cơ sở hạ tầng, giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho các ngân hàng, và đẩy nhanh tốc độ phát hành trái phiếu chính quyền địa phương.
Chính quyền Quảng Đông đầu tháng 9 cũng thông báo hàng loạt biện pháp nhằm hỗ trợ các hãng sản xuất, như giảm thuế, giảm chi phí sử dụng đất, giảm cước giao thông và tiền điện cũng như hàng loạt chi phí tài chính khác.
Trái ngược với sự bùng nổ đơn hàng năm nay, số đơn hàng mới dựa trên khảo sát với giám đốc mua hàng của các công ty tháng trước đã xuống thấp nhất hai năm. Đây có thể là dấu hiệu cho sự giảm tốc sắp tới, Betty Wang, nhà kinh tế học cấp cao tại ANZ nhận xét.
Dù vậy, điều khiến các công ty ở Quảng Đông tự tin vượt qua cơn bão hiện tại là sự thống trị chuỗi cung ứng của Trung Quốc. Đồ gỗ, linh kiện điện tử, đồ gia dụng và thiết bị viễn thông là các sản phẩm chịu ảnh hưởng mạnh bởi thuế nhập khẩu Mỹ, nhưng cũng là các mặt hàng Mỹ phụ thuộc nhiều nhất vào Trung Quốc, theo Panjiva - hãng nghiên cứu chuỗi cung ứng thuộc S&P Global Market Intelligence.
“Các chuỗi cung ứng liên kết rất chặt chẽ. Trung Quốc được lựa chọn vì quy mô, tốc độ giao hàng và bản thân thị trường tiêu thụ cũng rất lớn”, James Laurenceson - Phó giám đốc Viện nghiên cứu Quan hệ Australia - Trung Quốc cho biết, “Tôi không cho là thuế Mỹ, kể cả là 25%, có thể đảo lộn lợi thế này”.
Shenzhen Garlant Technology Development sản xuất nhiều mặt hàng, như điện thoại di động và phụ kiện điện thoại. Một phần năm doanh thu hàng năm của họ là từ Mỹ. Andy Yu - nhà sáng lập công ty - đã phải cộng thêm thuế nhập khẩu 10% vào sản phẩm. Nếu năm tới, thuế nhập khẩu tăng lên 25%, anh cũng sẽ làm tương tự, dù doanh thu bán hàng sang Mỹ năm nay đã giảm 20%.
“Thiệt hại chỉ là trong ngắn hạn thôi”, Yu cho biết, “Chúng tôi có thể điều chỉnh chiến lược bán hàng, và mở rộng việc kinh doanh sang Đông Nam Á, châu Phi và Mỹ Latin. Phần thiệt sẽ được bù đắp dễ dàng”.