Đồng thuận cho thi công trở lại
Bộ Công thương đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ nhất trí với đề xuất của EVN về kết quả đánh giá tổng thể Dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng và việc đề nghị cho phép thi công Dự án trở lại. Báo cáo của Bộ Công thương cũng nhắc tới việc EVN chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về nội dung tính chính xác, hợp lệ của hồ sơ, tài liệu, số liệu và các nội dung đề nghị cho phép thi công trở lại đối với Dự án.
Trong quá trình thi công tiếp theo, EVN có trách nhiệm bảo đảm an toàn tuyệt đối trên công trường, cho Nhà máy Thủy điện Hòa Bình hiện hữu, Tượng đài Bác Hồ và các công trình phụ cận liên quan.
Trước khi Bộ Công thương có ý kiến chính thức, tất cả 14 thành viên Hội đồng Tư vấn thẩm định Hồ sơ báo cáo đánh giá tổng thể Dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng đều có ý kiến bằng văn bản “đồng ý cho công trình thi công trở lại” sau khi xem xét hồ sơ Báo cáo đánh giá tổng thể Dự án của Tư vấn thiết kế.
Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, UBND tỉnh Hòa Bình cũng đã có văn bản thống nhất nội dung Báo cáo đánh giá tổng thể và thống nhất ý kiến cho phép thi công trở lại công trình.
Theo Bộ Công thương, Hồ sơ Báo cáo đánh giá tổng thể Dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng do EVN trình đã thể hiện rõ quá trình rà soát các bước thiết kế công trình, thông qua kết quả quan trắc, khảo sát bổ sung để phân tích, đánh giá điều kiện địa chất thực tế trong thời gian thi công vừa qua. Qua đó, đánh giá việc thi công Dự án là phù hợp với thiết kế kỹ thuật được duyệt, đảm bảo an toàn theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành, không ảnh hướng đến an toàn của đập Thủy điện Hòa Bình, Tượng đài Bác Hồ, đường dây 500 kV và các công trình hiện hữu.
Cho đến thời điểm này, công tác thi công xử lý khối sạt đợt 1, 2, 3 giai đoạn I đã được EVN tổ chức thực hiện cơ bản hoàn thành, tuân thủ phương án thiết kế đã được Bộ Công thương thẩm định, thông qua. Toàn bộ khối sạt cơ bản đã được xử lý triệt để, đảm bảo an toàn cho khu vực hố móng nhà máy và khu vực bãi quay xe chân Tượng đài Bác Hồ.
Hiện Báo cáo Đánh giá tổng thể Dự án đã được Tư vấn thiết kế (Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng Điện 1) lập trên cơ sở cập nhật kết quả khảo sát bổ sung, rà soát lại các tính toán trong quá trình lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật công trình, tính toán kiểm tra lại kết cấu các hạng mục công trình căn cứ hồ sơ mô tả địa chất sau khi mở móng.
Sau khi nghiên cứu, tính toán, thẩm tra hồ sơ Báo cáo đánh giá tổng thể Dự án do Tư vấn thiết kế lập, Tư vấn thẩm tra độc lập (Liên danh Viện Kỹ thuật Công trình và Viện Thủy điện và Năng lượng tái tạo) đã có Văn bản số 170/VKTCT-TTR ngày 29/4/2022 khẳng định: hồ sơ thiết kế kỹ thuật của công trình là phù hợp với điều kiện thực tế sau khi mở móng; các giải pháp thiết kế mà Tư vấn thiết kế đưa ra là phù hợp với thực tế thi công, đảm bảo an toàn ổn định theo yêu cầu, không ảnh hưởng đến các công trình lân cận như đập Thủy điện Hòa Bình, Khu tượng đài Bác Hồ, khu nhà hành chính của tỉnh Hòa Bình, cột điện 500 kV…
Trên cơ sở Báo cáo đánh giá tổng thể Dự án của Tư vấn thiết kế, ý kiến của Tư vấn thẩm tra độc lập, ý kiến đồng thuận của các bộ, UBND tỉnh Hòa Bình và các chuyên gia Hội đồng Tư vấn thẩm định, EVN đã có Văn bản số 2400/BC-EVN ngày 6/5/2022 báo cáo Bộ Công thương khẳng định, Hồ sơ thiết kế công trình Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng phù hợp thực tế, đảm bảo an toàn trong quá trình thi công cũng như vận hành lâu dài công trình.
Càng chậm, càng thiệt
Dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng được đầu tư với mục tiêu tăng cường công suất phủ đỉnh cho hệ thống điện quốc gia, cải thiện chế độ làm việc của hệ thống điện (tăng khả năng phủ đỉnh của biểu đồ phụ tải, tăng tính linh hoạt trong vận hành hệ thống, nâng cao khả năng điều tần, ổn định tần số của hệ thống điện…), từ đó góp phần trực tiếp giảm chi phí sản xuất của hệ thống điện.
Thống kê tình hình vận hành của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình trong 17 năm gần đây cho thấy, số giờ vận hành trung bình là 5.427 giờ/năm và đang có xu thế tăng cao từ khi hồ Sơn La, Lai Châu vào vận hành. Con số này được cho là cao hơn so với các nhà máy thủy điện khác đang vận hành và thể hiện còn lãng phí năng lượng của sông Đà.
Việc mở rộng Thủy điện Hòa Bình còn nhằm tận dụng khai thác tối đa nguồn nước xả thừa hàng năm vào mùa lũ của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình hiện hữu để phát điện, góp phần bổ sung điện năng vào các tháng 5, 6, 7, 8. Số liệu quan trắc thủy văn trong 19 năm gần đây (1999-2018) cũng cho thấy, tổng lượng nước xả thừa không qua phát điện lên tới 175 tỷ m3, chiếm 19% lượng nước về hồ.
Điểm đặc biệt nhất của việc có thêm 2 tổ máy mới ở Hòa Bình chính là điều chỉnh tần số của hệ thống điện và linh hoạt trong việc cân bằng công suất phát với phụ tải, đảm bảo hệ thống điện vận hành an toàn, ổn định, trong điều kiện năng lượng tái tạo có xu thế ngày càng phát triển, chiếm tỷ trọng cao trong hệ thống nhưng có tính không ổn định.
Chuyên gia hàng đầu về thủy điện, ông Thái Phụng Nê, nguyên Bộ trưởng Bộ Năng lượng, từng là Phái viên đặc biệt của Thủ tướng về các công trình điện trong 13 năm đã có chuyến thực tế công trình trên cùng với Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên vào cuối tháng 7/2022.
Theo ông Nê, trong quá trình thi công các công trình thủy điện tại Việt Nam những năm qua, rất nhiều lần phải xử lý chuyện sạt lở tương tự như tại công trình Thủy điện Hòa Bình mở rộng. Đáng nói là, các vụ việc này thậm chí chỉ cần phái viên quyết định, không cần phải chờ chỉ đạo trên và có thể triển khai ngay với các biện pháp như khoan néo, làm thoải phần mái của các đoạn dốc, xây tường bê tông chắn để đất không đổ xuống hay đổ đá để gia cố phần đất yếu…
“Sau khi xử lý sạt trượt, tôi đến kiểm tra và họp với các bên trên công trường và quyết định cho thi công tiếp, chứ cũng không phải lúc nào cũng ngồi chờ báo cáo Thủ tướng và được chỉ đạo”, ông Thái Phụng Nê cho biết.
Thực tế cũng cho thấy, nhiều vụ sạt lở từng diễn ra ở các công trình thủy điện như Sơn La, Bản Vẽ hay Huội Quảng… đều đã được xử lý nhanh, công trình đi vào thi công tiếp và qua nhiều năm công trình vẫn ổn định, mang lại nguồn lợi lớn cho nền kinh tế vì đủ điện.
Với công trình Thủy điện Hòa Bình mở rộng, theo ông Nê, vùng sạt lở nằm ngoài phần thiết kế ban đầu, nên chưa được xử lý trước và sớm. Tuy nhiên, khi xảy ra sạt lở, với kinh nghiệm đã thi công nhiều công trình thủy điện, nên việc xử lý đã được tiến hành nhanh chóng với nhiều chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công thương.
“Sự nhạy bén này là tốt, tôi đánh giá cao. Sau khi xử lý theo các đợt thì cũng đã có đơn vị tư vấn ngoài EVN đến thẩm tra và đưa ra kết luận là nên cho thi công tiếp. Hội đồng thẩm định được Bộ Công thương mời cũng đồng ý cho thi công lại, các bộ liên quan và địa phương cũng đồng ý cho thi công trở lại”, ông Nê nói.
Thực tế thì qua mấy trận mưa đầu mùa, có thể thấy rõ vùng đất cần xử lý đã nằm yên. “Việc này không phải là quan sát bằng mắt thường, mà là qua quan trắc của máy móc với 16 kỳ quan sát. Bởi vậy, cần phải xắn tay áo và quyết nhanh việc cho thi công trở lại. Càng chậm, sẽ càng lãng phí, cán bộ và công nhân viên không có việc, công trình đội chi phí, không nhanh có nguồn điện bổ sung cho miền Bắc đã phải đối phó với thiếu điện”, ông Nê cho biết.
Số liệu quan trắc dịch chuyển tại các hạng mục công trình và công trình hiện hữu từ thời điểm chu kỳ 0 vào tháng 11/2021 đến nay (16 chu kỳ) cho thấy, hố móng của công trình, phạm vi Tượng đài Bác Hồ và các công trình hiện hữu xung quanh ổn định, không có sự chuyển dịch bất thường.