Nhà máy Điện Phú Mỹ 3: “Phép thử” của LNG nhập khẩu

0:00 / 0:00
0:00
Hợp đồng mua nhiên liệu khí đầu vào từ nguồn khí trong nước của Nhà máy Điện BOT Phú Mỹ 3 sẽ kết thúc cùng thời điểm với hợp đồng BOT. Nhiều khả năng, nhà máy này sẽ chuyển sang dùng khí LNG nhập khẩu để phát điện.

Khí nội địa đã phân bổ hết

Từ 0 giờ ngày 1/3/2024, Nhà máy Điện BOT Phú Mỹ 3 (tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) sẽ được chuyển giao cho phía Việt Nam, kết thúc 20 năm hoạt động theo Hợp đồng BOT, thông báo của Bộ Công thương cho biết.

Cũng tại thời điểm chuyển giao này, bộ hợp đồng Dự án của các nhà máy điện Phú Mỹ 3, trong đó có Hợp đồng Mua bán khí, Hợp đồng Mua bán điện, sẽ hết hiệu lực. Điều này đồng nghĩa, Nhà máy sẽ không có sẵn nguồn nhiên liệu và các nguồn lực để tiếp tục vận hành liên tục, đảm bảo cấp điện ổn định cho hệ thống ngay sau khi chuyển giao.

Ở thời điểm hiện tại, Bộ Công thương tiếp tục ủng hộ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là đơn vị tiếp nhận để vận hành, kinh doanh, bảo trì/bảo quản Nhà máy và chuẩn bị sẵn các thủ tục nhằm đảm bảo cho các nhà máy vận hành liên tục ngay sau khi chuyển giao, cấp điện ổn định cho hệ thống và không làm ảnh hưởng tới tính liên tục, chất lượng cung cấp điện.

Việc chính thức giao Nhà máy Điện Phú Mỹ 3 cho doanh nghiệp nào sẽ được Chính phủ quyết định trong thời gian tới, nhưng vấn để nổi lên hiện nay chính là nguồn nhiên liệu đầu vào để tiếp tục duy trì hoạt động này.

Nhà máy Điện Phú Mỹ 3 có công suất hợp đồng 716,8 MW, với công nghệ tuabin khí chu trình hỗn hợp, sử dụng nhiên liệu khí tự nhiên mua từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) thông qua đơn vị trực tiếp là Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas) với lượng tiêu thụ khoảng 0,85 tỷ m3/năm.

Theo PV Gas, Nhà máy Điện Phú Mỹ 3 sau khi được bàn giao cho phía Việt Nam vào tháng 3/2024 sẽ chỉ sử dụng được nhiên liệu LNG, do khí thiên nhiên nội địa đã phân bổ hết cho các hộ tiêu thụ hiện hữu đã ký các hợp đồng dài hạn.

Petrovietnam/PV Gas dự kiến, khả năng cấp khí thiên nhiên khu vực Đông Nam bộ trong năm 2024 dự kiến là 3,06 tỷ m3 và năm 2025 khoảng 2,61 tỷ m3, chỉ đáp ứng 33% nhu cầu nhiên liệu của các nhà máy điện tại đây.

Các nguồn tin cũng cho hay, hiện tại, khí nội địa đã phân bổ hết. Vì thế, nhiên liệu cấp cho các nhà máy điện BOT sắp được chuyển giao trong giai đoạn tới (Phú Mỹ 3, tiếp đó là Phú Mỹ 2.2) chỉ có thể là LNG nhập khẩu. Trường hợp Petrovietnam/PV Gas triển khai khai thác thêm các mỏ khí nội địa mới, thì mới có thể phân bổ cho Phú Mỹ 3 và Phú Mỹ 2.2.

Cần có sự điều phối

Nhà máy Điện BOT Phú Mỹ 3 có chủ đầu tư là Sembcorp, Kyuden International Corporation và Sojitz Corporation. Bắt đầu vận hành thương mại từ ngày 1/3/2004, tính đến hết tháng 8/2023, nhà máy này đã phát được khoảng 92 tỷ kWh.

Với thực tế nguồn khí thiên nhiên khai thác nội địa đang giảm sút và việc khai thác các nguồn khí mới để bổ sung còn hạn chế, việc sử dụng LNG nhập khẩu để bổ sung nguồn cung nhiên liệu cho các nhà máy điện khí là xu thế tất yếu.

Tuy nhiên, giá LNG nhập khẩu về Việt Nam hiện ở mức 10 - 12 USD/triệu BTU, theo nghiên cứu của các đơn vị tư vấn. Nếu cộng cả các chi phí tồn trữ - tái hóa - vận chuyển, thì giá khí LNG sau tái hóa đến hàng rào các nhà máy điện Phú Mỹ vào khoảng 12 - 14 USD/triệu BTU, gấp 1,5 lần so với giá khí nội địa hiện hữu.

Petrovietnam - đơn vị đang quản lý các nguồn khí khai thác trong nội địa và có quyền lợi liên đới tại Nhà máy Điện khí Nhơn Trạch 1 (450 MW), Nhơn Trạch 2 (750 MW) - cũng dùng chung khí tại khu vực Đông Nam bộ. Ngoài ra, Nhà máy Đạm Phú Mỹ cũng có cổ phần chi phối của

Petrovietnam, đang sử dụng nguồn khí tự nhiên trong nước ở khu vực này.

PV Gas đã đầu tư xong giai đoạn I kho LNG Thị Vải với công suất khoảng 1 triệu tấn/năm với 1 bồn LNG dung tích 180.000 m3 (tương ứng lượng khí bổ sung là 5,7 triệu m3/ngày và 1,4 tỷ m3 khí/năm), sẵn sàng cấp khí bổ sung cho các nhà máy điện tại Phú Mỹ và Nhơn Trạch.

Bởi vậy, theo chuyên gia năng lượng, nếu Petrovietnam ưu tiên nguồn khí tự nhiên có giá thấp hơn cho các nhà máy mà mình tham gia góp vốn trực tiếp và gián tiếp, thì các nhà máy điện này sẽ lợi thế hơn nhiều trong quá trình cạnh tranh so với các nhà máy điện khác cùng khu vực, nhưng dùng khí LNG nhập khẩu có giá cao.

Điều này cũng triệt tiêu động lực đổi mới và tối ưu hóa hoạt động sản xuất tại các nhà máy dùng khí LNG nhập khẩu, bởi chi phí nhiên liệu chiếm tới 70 - 80% giá điện, mà giá khí lại chênh tới 1,5 lần, tức là chênh về giá điện tới hơn 1.100 đồng/kWh.

Vì vậy, rất cần sự điều phối của cơ quan quản lý nhà nước để nguồn khí cấp cho điện tại khu vực Đông Nam bộ có mặt bằng giá chung.

Về tổng thể, rất có thể từ năm 2024, hệ thống điện đã có sự thâm nhập của nguồn điện với nhiên liệu khí LNG nhập khẩu, nghĩa là thêm những áp lực mới, mà nếu không chuẩn bị sớm phương án hóa giải, thì việc cấp điện ổn định, liên tục sẽ đứng trước thách thức không nhỏ.

Thanh Hương
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục