Nhà máy Cà Mau 1&2 phát điện thấp, tỉnh Cà Mau lo giảm mạnh thu ngân sách

0:00 / 0:00
0:00
Việc huy động điện thấp của Nhà máy điện Cà Mau 1&2 khiến mức nộp ngân sách địa phương năm 2021 chỉ còn khoảng 152 tỷ đồng, bằng 32% trung bình hàng năm.

UBND tỉnh Cà Mau đã có công văn hỏa tốc số 5476/UBND-KT gửi Bộ Công Thương kiến nghị về việc chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tăng cường huy động Nhà máy điện Cà Mau 1&2, góp phần phục hồi kinh tế - đời sống xã hội do ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, thúc đẩy tăng trưởng tỉnh Cà Mau và doanh nghiệp trong thời gian tới.

Theo UBND tỉnh Cà Mau, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên cả nước, Nhà máy điện Cà Mau 1&2 đã luôn chủ động phương án an toàn phù hợp với tình hình thực tế để vừa phòng, chống dịch vừa đảm bảo sản xuất. Nhà máy điện Cà Mau 1&2 luôn khả dụng, sẵn sàng đáp ứng theo huy động của Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0).

Tuy nhiên, trong 8 tháng đầu năm 2021, khả năng cấp khí là 1,01 tỷ m3, tương đương với sản lượng điện sản xuất là 4,95 tỷ kWh nhưng thực tế Nhà máy chỉ được huy động 3,49 tỷ kWh, tương đương với 0,71 tỷ m3 khí tiêu thụ.

8 tháng đầu năm 2021, sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống luỹ kế đạt 173,22 tỷ kWh, trong đó tuabin khí đạt 19,79 tỷ kWh.

Trước đó, 8 tháng đầu năm 2020, sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống đạt 164,05 tỷ kWh, trong đó tuabin khí đạt 24.96 tỷ kWh.

Điều này làm giảm chỉ tiêu ngành công nghiệp, xây dựng 6 tháng đầu năm của tỉnh Cà Mau xuống 5,54% so với năm trước, GRDP của tỉnh chỉ đạt 45,82% kế hoạch.

Với tình hình huy động như hiện nay, Nhà máy điện Cà Mau 1&2 có sản lượng điện sản xuất dự kiến chỉ đạt 75% so với kế hoạch năm. Lượng khí tiêu thụ thiếu hụt (theo nghĩa vụ bao tiêu khí của Hợp đồng Mua bán khí giữa phía Việt Nam và Petronas - Malaysia) là 247,7 triệu m3, tương ứng với việc phát sinh tiền trả trước cho chủ mỏ và Petronas theo hợp đồng khoảng 59,4 triệu USD.

Trong khi đó thì với kết quả sản xuất kinh doanh này, Nhà máy Cà Mau 1&2 dự kiến nộp ngân sách Nhà nước tại địa phương chỉ khoảng 152 tỷ đồng, tương đương 32% so với trung bình hằng năm, gây ảnh hưởng lớn đến tỷ lệ tăng trưởng của tỉnh Cà Mau trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh Covid-19.

Để tránh lãng phí trong đầu tư của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) và ngân sách Nhà nước, cũng như công suất hoạt động của nhà máy, nguồn tài nguyên, giảm thiểu thiệt hại nguồn lực và hỗ trợ PV Power Cà Mau hoàn thành nghĩa vụ nộp ngân sách cho địa phương, kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2021, UBND tỉnh Cà Mau kiến nghị Bộ Công Thương chỉ đạo EVN tăng cường huy động sản lượng điện để Nhà máy điện Cà Mau 1&2 vận hành sản xuất điện tối đa theo mức độ khả dụng của 2 nhà máy đến cuối năm. Điều này sẽ góp phần phục hồi kinh tế - đời sống xã hội do ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, thúc đẩy tăng trưởng tỉnh Cà Mau và doanh nghiệp trong thời gian tới.

Trong những năm gần đây, PV Power Cà Mau đóng góp vào ngân sách Nhà nước tại Cà Mau trung bình khoảng 475 tỷ đồng mỗi năm. Hằng năm, với sản lượng điện sản xuất khoảng 6,5 - 8 tỷ kWh, Nhà máy điện Cà Mau 1&2 đã cung cấp nguồn điện quan trọng cho hệ thống điện Quốc gia, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội các tỉnh phía Nam.

Thanh Hương
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục