Nhà mạng dồn lực thí điểm Mobile Money

0:00 / 0:00
0:00
Viettel, VNPT, MobiFone cấp tốc hoàn thiện các bước cuối cùng để xin phép thí điểm Mobile Money ngay trong tháng 3/2021.
Các nhà mạng đã sẵn sàng với Mobile Monney Các nhà mạng đã sẵn sàng với Mobile Monney

Viettel áp dụng công nghệ bảo mật ở mức cao nhất Tổng công ty Dịch vụ số

Viettel (Viettel Digital, thành viên của Tập đoàn Viettel) cho biết, để chuẩn bị cho việc thí điểm Mobile Money, từ cuối năm 2020, Viettel đã thử nghiệm nội bộ với hơn 40.000 nhân viên Viettel trên cả nước. Với kinh nghiệm triển khai dịch vụ này tại 6/10 thị trường, cách thức vận hành, chi phí, nhân lực… đều đã được Viettel tính toán kỹ lưỡng.

“Viettel Digital sẽ lập tức xây dựng các phương án kỹ thuật, kinh doanh, quy trình quản lý, nghiệp vụ… gửi Ngân hàng Nhà nước cùng các bộ, ngành liên quan để xin ý kiến đồng ý cấp phép thử nghiệm”, ông Trương Quang Việt, Phó tổng giám đốc Viettel Digital chia sẻ.

Có thể nói, với mạng lưới viễn thông phủ sóng toàn quốc, Viettel có đủ năng lực đưa Mobile Money tiếp cận đến cấp xã, phường. Tiền di động Viettel sẽ thúc đẩy thanh toán không tiền mặt mà không cần đến các hình thức ví điện tử hay tài khoản ngân hàng, điều mà người dân ở nông thôn, miền núi, hải đảo gặp trở ngại.

Hệ sinh thái tài chính số ViettelPay với hơn 100 tính năng, tiện ích, đang phục vụ hơn 10 triệu khách hàng chính là hạ tầng để Viettel triển khai Mobile Money. Bên cạnh đó, Viettel cũng đã chuẩn bị hệ thống chăm sóc khách hàng 24/7 để tư vấn, giải đáp mọi thắc mắc của người dùng.

Đặc biệt, để triển khai Mobile Money, Viettel đã áp dụng công nghệ bảo mật thông tin ở mức cao nhất. Công nghệ có thể tự động nhận diện các giao dịch, thuê bao bất thường để kịp thời ngăn chặn, bảo vệ quyền lợi người sử dụng…

Ông Phạm Trung Kiên, Tổng giám đốc Viettel Digital cho biết, ngay thời điểm khai trương thí điểm Mobile Money, Viettel Digital sẽ áp dụng nhiều chương trình ưu đãi đặc biệt để kích thích người dân sử dụng dịch vụ và đưa Mobile Money trở thành phương thức thanh toán gần gũi với đời sống.

“Viettel sẽ là doanh nghiệp đi đầu trong công cuộc phổ cập tài chính số đến người dân Việt Nam thông qua Mobile Money. Việc triển khai Mobile Money sẽ dễ dàng được sử dụng tại cả thành thị và nông thôn”, ông Kiên tự tin nói.

VNPT hoàn thành đào tạo nhân lực, mạng lưới

Cũng giống như Viettel, hồ sơ xin phép thí điểm Mobile Money của VNPT đã được chuẩn bị sẵn sàng. Ông Nguyễn Sơn Hải, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Truyền thông VNPT (thuộc Tập đoàn VNPT) cho biết, trong hồ sơ này, VNPT đã lên các phương án kỹ thuật, quản lý, các quy trình nghiệp vụ… và hy vọng sẽ được cấp phép thử nghiệm trong quý II/2021.

Lợi thế lớn của VNPT trong “cuộc đua” này là đã xây dựng được hệ sinh thái tài chính số. Đến nay, VNPT Pay đã có gần 50.000 điểm chấp nhận thanh toán. Cùng với đó, VNPT đã hoàn thiện toàn bộ giải pháp công nghệ và kỹ thuật với hệ sinh thái dịch vụ, gồm mạng giáo dục Việt Nam (VnEdu), dịch vụ phần mềm quản lý bệnh viện (VNPT HIS), dịch vụ phần mềm một cửa điện tử (VNPT-iGate)…

Tập đoàn cũng đang hướng tới triển khai Cổng thanh toán dịch vụ công (Payment Connect) nhằm cung cấp nền tảng thanh toán trung gian, kết nối giữa Cổng dịch vụ công quốc gia với các kênh thanh toán...

“Ngoài việc chuẩn bị hồ sơ để gửi tới Ngân hàng Nhà nước trong tuần này, chúng tôi cũng đã hoàn thành việc tập huấn nội bộ cho cán bộ, nhân viên; chuẩn bị mạng lưới và làm việc với một số đối tác lớn chấp nhận thanh toán Mobile Money”, ông Hải cho biết thêm.

MobiFone chuẩn bị đầy đủ hạ tầng kỹ thuật

Trong khi đó, để chuẩn bị cho việc thí điểm Mobile Money, MobiFone đã thành lập Trung tâm Dịch vụ số MobiFone (MDS) và trước đó đã được Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

Lãnh đạo MobiFone cho biết, đến nay, MobiFone đã chuẩn bị đầy đủ về hạ tầng kỹ thuật, đào tạo, huấn luyện nhân viên… Nhà mạng này cũng đã kết nối với các điểm chấp nhận dịch vụ thanh toán, cùng với kinh nghiệm triển khai các dịch vụ số, nên có thể dễ dàng cung cấp các dịch vụ trung gian thanh toán trên hạ tầng điện tử.

Ngoài những lợi thế nền tảng trên, MobiFone còn chuẩn bị các điều kiện về kỹ thuật, công nghệ, chính sách nhằm bảo đảm an toàn, bảo mật tránh gây lộ, lọt thông tin của khách hàng.

“Chúng tôi xác định việc nhanh chóng triển khai cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, Mobile Money là một phần quan trọng trong tổng thể chiến lược của MobiFone nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, mở rộng lĩnh vực kinh doanh ngoài viễn thông, phát triển hệ sinh thái thương mại điện tử, thanh toán, tài chính. Chúng tôi sẽ triển khai Mobile Money nhanh nhất có thể, tận dụng cơ hội và thời gian để nhanh chóng bước chân vào lĩnh vực đầy hứa hẹn này”, ông Bùi Sơn Nam, Phó tổng giám đốc MobiFone cho biết.

Mobile Money cộng sinh cùng tổ chức tài chính

Liên quan việc cho phép thí điểm Mobile Money, đã xuất hiện một số ý kiến lo ngại dịch vụ này sẽ cạnh tranh với ngân hàng và các tổ chức tài chính, khiến thị trường xáo trộn. Tuy nhiên, rất nhiều ý kiến ủng hộ phương thức mới này.

Bà Trương Cẩm Thanh, Tổng giám đốc ZaloPay nhìn nhận, việc cạnh tranh lưu chuyển tài chính, thanh toán các khoản nhỏ giữa Mobile Money với các ví điện tử, trung gian thanh toán, fintech là không tránh khỏi, song mỗi phương thức lại có chiến lược, thị trường và khách hàng riêng. Ví dụ, Mobile Money có thế mạnh khai thác ở miền núi, vùng sâu, vùng nông thôn, còn ví điện tử sẽ có tệp khách hàng ở thành thị…

Các nền tảng thanh toán có thể hợp tác với nhau, tận dụng ưu thế của nhau, chia sẻ dữ liệu và sẽ giúp ngành phát triển nhanh hơn, mạnh hơn, thúc đẩy xu hướng không dùng tiền mặt. Trước đây, khi các doanh nghiệp fintech xuất hiện, không ít ngân hàng coi họ là đối thủ cạnh tranh trực tiếp. Nhưng thời gian gần đây, nhiều ngân hàng đã hợp tác cùng fintech để cùng cung cấp dịch vụ thuận tiện hơn cho khách hàng.

Theo Quyết định số 316/QĐ-TTg, doanh nghiệp thực hiện thí điểm Mobile Money chỉ được phép cung ứng dịch vụ Mobile Money để chuyển tiền, thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ hợp pháp tại Việt Nam theo quy định của pháp luật hiện hành phục vụ nhu cầu cuộc sống người dân. Việc triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money chỉ áp dụng đối với giao dịch nội địa hợp pháp theo quy định pháp luật Việt Nam bằng đồng Việt Nam, không được thực hiện thanh toán/chuyển tiền cho các hàng hóa, dịch vụ cung cấp xuyên biên giới.

Hạn mức giao dịch của tài khoản Mobile Money không quá 10 triệu đồng/tháng cho tổng các giao dịch: rút tiền, chuyển tiền và thanh toán.

Hữu Tuấn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục