“Giới đầu tư địa ốc đã để ý đến Phú Quốc từ nhiều năm nay, nhưng chỉ đến khi tuyến cáp điện ngầm Hà Tiên – Phú Quốc chính thức khánh thành (tháng 2/2014), thì các dự án bất động sản mới thực sự được triển khai mạnh”. Đây là một phần nội dung của báo cáo nghiên cứu thị trường bất động sản Phú Quốc “Hành trình tìm bản sắc riêng” do CBRE Việt Nam phát hành giữa tuần này.
Ông Henry Chin, Trưởng bộ phận nghiên cứu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của CBRE cho biết, từ năm 2006, Phú Quốc đã được giới đầu tư bất động sản quốc tế để ý, khi nhà đầu tư Mỹ Rockingham đăng ký để được cấp phép đầu tư vào dự án du lịch có diện tích 1.000 ha, với giá trị đầu tư lên đến 1 tỷ USD. Không lâu sau, nhà đầu tư Thụy Sỹ Trustee Suisee cũng tuyên bố sẽ đầu tư 2,6 tỷ USD vào dự án khu du lịch Asian Pearl.
Các nhà đầu tư trong và ngoài nước nhanh chóng tiến vào thị trường đầy tiềm năng này. Tính đến đầu năm 2014, đã có tổng cộng 190 nhà đầu tư đã đăng ký đầu tư vào hòn đảo này. Khoảng 100 dự án đã được phê duyệt, với tổng diện tích gần 4.296 ha, gồm những dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp dọc Bãi Trường, dự án sân golf và kể cả sòng bạc.
Trước mắt, trong năm 2014, Phú Quốc dự kiến có 2 dự án được hoàn thành là Vinpearl Phú Quốc Resort & Spa của Vingroup và Salinda Premium Resort & Spa của Tập đoàn Salinda, cung cấp cho hòn đảo này 620 phòng khách sạn 5 sao tiêu chuẩn quốc tế, xoá bỏ tình trạng thiếu trầm trọng khách sạn 5 sao – một trong những lý do cản trở sự phát triển ngành công nghiệp du lịch của Phú Quốc.
Cùng với đó, một loạt dự án khách sạn hạng sang khác vừa được khởi công xây dựng ở Phú Quốc như: Khách sạn Crowne Plaza Phu Quoc (5 sao) do Tập đoàn BIM Group làm chủ đầu tư với 400 phòng khách sạn hạng sang; Khách sạn Novotel Phu Quoc Resort (4 sao) nằm trong khu phức hợp Sonasea Villas & Resort (80 ha) do CEO Group làm chủ đầu tư với 406 phòng khách sạn hạng sang và 40 bungalow; Khu phức hợp Sunset Sanato Premium (24 ha) do Công ty Chín Chín Núi làm chủ đầu tư.
Việc xuất hiện Crowne Plaza, một thương hiệu nổi tiếng của tập đoàn điều hành khách sạn InterContinental Hotel Group (IHG) và Novotel, thương hiệu của tập đoàn điều hành khách sạn Accor Group sẽ khiến thị trường Phú Quốc có thêm những sản phẩm với dịch vụ và chất lượng tiêu chuẩn quốc tế.
So với các thành phố du lịch lớn, thậm chí, so với hai thành phố lớn nhất là Hà Nội và TP.HCM, khách sạn cao cấp tại Phú Quốc có kết quả hoạt động tốt nhất. Doanh thu trên phòng (RevPAR – Revenue per Available Room) trung bình của hai khách sạn cao cấp nhất tại Phú Quốc trong năm 2013 là 124 USD, trong khi tại “thủ đô resort” Mũi Né chỉ đạt mức 115,8 USD, TP.HCM đạt 123,2 USD và Hà Nội là 102,2 USD.
Trở ngại lớn nhất mà CBRE lưu ý các nhà đầu tư đến Phú Quốc là, dù số lượng khách sạn tại Phú Quốc hiện chưa nhiều, nhưng số lượng lao động có chất lượng để phục vụ cho thị trường Phú Quốc vẫn đang thiếu hụt nghiêm trọng. Với khoảng 1.000 phòng khách sạn sẽ được hoàn thành trong 2 năm nữa, cuộc chiến giành lao động sẽ quyết liệt hơn. Nếu như không có kế hoạch xây dựng và phát triển các trung tâm đào tạo và trường dạy nghề kịp thời, các nhà đầu tư khách sạn chắc chắn sẽ còn phải hứng chịu chi phí lao động giá cao.