Dự án nếu được đầu tư sẽ đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phục vụ trên 2,5 triệu khách vào năm 2020 và 4 triệu khách vào năm 2025. Nhà ga có khả năng đáp ứng tối đa 6 triệu khách vào năm 2030; nâng cao chất lượng các dịch vụ tại nhà ga hành khách đồng thời đảm bảo thu hồi vốn đầu tư và có lợi nhuận.
Nhà ga hành khách quốc tế mới được thiết kế với tổng diện tích khoảng 52.000 m2 sàn gồm 02 cao trình đi và đến tách biệt (có bố trí đường tầng), 80 quầy làm thủ tục; 10 cửa ra tàu bay; 6 bộ băng chuyền hành lý; cùng với hệ thống đường giao thông, sân đỗ ôtô và các công trình phụ trợ tương ứng với công suất 4 triệu khách/năm, diện tích dự án đủ phục vụ nhu cầu phát triến nhà ga nâng công suất đến 8 triệu khách cho sau năm 2030.
Đơn vị tư vấn thiết kế được lựa chọn là liên danh CPG-PAE (Singapore-Hoa Kỳ), đây là đơn vị đã thực hiện tư vấn thiết kế nhiều công trình nhà ga hàng không hiện đại như Phú Quốc, Cần Thơ, Vinh, Cát Bi, Thọ Xuân và nhà ga quốc tế mới Đà Nẵng, nhà ga Cảng Hàng không Vân Đồn (Quảng Ninh).
Nếu được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt, dự án nhà ga hành khách quốc tế Cam Ranh sẽ được khởi công đầu tháng 9/2016 và đưa vào khai thác tháng 12/2017 (thi công trong 16 tháng).
Nhà ga hành khách hiện tại của Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh có công suất phục vụ tối đa 1,5 triệu lượt khách/năm. Trong những năm qua, lượng khách thông qua sân bay Cam Ranh liên tục tăng nhanh, từ 30 đến 50-60%/năm. Đến hết năm 2015, đã đạt trên 2,7 triệu lượt khách. Như vậy, trong năm nay nhà ga đã quá tải công suất phục vụ hành khách.
Đặc biệt, khi các đường bay quốc tế liên tiếp được mở mới thì cơ sở hạ tầng nhà ga hành khách không còn đáp ứng được về công suất khai thác và chất lượng dịch vụ hành khách.
Bên cạnh đó, nhà ga hiện nay cũng không đủ các tiện ích phục vụ việc kinh doanh dịch vụ phi hàng không như kinh doanh dịch vụ giải khát, quầy hàng, đặc biệt là kinh doanh hàng miễn thuế, không phát huy được hiệu quả các nguồn thu đến từ hành khách.
Vừa qua, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã thực hiện cải tạo, nâng cấp nhà ga hiện hữu, tuy nhiên chỉ giải quyết được phần nào cơ sở hạ tầng cho nhu cầu khai thác trước mắt. Trong khi đó, việc phát triển về kinh tế xã hội, du lịch của tỉnh Khánh Hòa đang có bước phát triển rất mạnh mẽ, gia tăng rất cao nhu cầu đi lại bằng đường hàng không, đặc biệt là các tuyến bay quốc tế.
“Do đó, việc xây dựng một nhà ga hành khách quốc tế riêng biệt tại Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh là rất cần thiết và cấp bách, giúp hình thành 2 nhà ga, tách riêng biệt quy trình khai thác ga quốc tế và quốc nội, đáp ứng nhu cầu phát triển trong tương lai với quy mô đầu tư, chất lượng dịch vụ phù hợp với vai trò và vị thế của thành phố Nha Trang trong quy hoạch phát triển kinh tế vùng là đầu tàu phát triển của khu vực Nam miền Trung,” đại diện Công ty cổ phần nhà ga quốc tế Cam Ranh cho hay.
Công ty cổ phần nhà ga quốc tế Cam Ranh được thành lập từ tổ hợp các nhà đầu tư bao gồm: Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, Công ty Trách nhiệm hữu hạn xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương, Công ty trách nhiệm hữu hạn Sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh, Công ty cổ phần giao nhận hàng hóa Nasco, Công ty cổ phần hàng không Vietjet, Công ty cổ phần Việt Xuân Mới.