Sáng nay (2/2), đồng tiền kỹ thuật số có vốn hóa lớn nhất thị trường - Bitcoin, đã có lúc giảm xuống mức 8.500 USD, thấp nhất trong vòng 3 tháng gần đây.
Theo dữ liệu của Coinbase, đồng tiền này đã mất gần 16% giá trị chỉ sau 24 giờ giao dịch gần nhất, tương đương với vốn hóa của Bitcoin hiện chỉ còn 146 tỷ USD, so với mức 200 tỷ USD cuối năm 2017.
Khác với đợt giảm gần đây, đà giảm quá mạnh lần này đã ngay lập tức tác động đến những sàn giao dịch Bitcoin bằng đồng tiền của Việt Nam.
Đầu giờ sáng, một loạt các lệnh bán Bitcoin với khối lượng lớn, từ 1,7 đến hơn 2 Bitcoin được đẩy lên Remitano - một sàn giao dịch khá phổ biến với nhà đầu tư Việt Nam, với mức giá đặt liên tục giảm.
Đến cuối giờ sáng, giá mua - bán của đồng tiền này đã về sát ngưỡng 200 triệu đồng mỗi đơn vị, chưa tới một nửa so với mức 420 triệu một Bitcoin xác lập cách đây không lâu.
Chỉ 2 giờ sau đó, giá mua Bitcoin đã lần đầu tiên trong 3 tháng gần đây, về dưới 200 triệu đồng mỗi đơn vị.
"Đợt giảm giá lần này có thể đã kích hoạt làn sóng bán tháo ngay cả ở thị trường Việt Nam, vốn thường chênh khá nhiều so với giá thế giới.
Lần gần nhất Bitcoin mất mốc 10.000 USD, sàn Việt Nam vẫn giao dịch ở ngưỡng 260 - 270 triệu đồng mỗi BTC, nhưng lần này đã đẩy giá của Bitcoin về dưới ngưỡng 200 triệu, tức là đã dưới 10.000 USD", anh Tuấn, một nhà đầu tư tiền ảo chia sẻ.
Khác với những lần trước khi Bitcoin về dưới ngưỡng 10.000 USD, nhà đầu tư thường hô hào việc bắt đáy thì nay câu hỏi xuất hiện nhiều nhất là "liệu đà giảm còn kéo dài trong bao lâu và Bitcoin có thể trở lại hay không?".
"Thị trường giảm một lần rồi hồi phục sẽ tạo niềm tin, nhưng nếu giảm liên tục trong thời gian ngắn sẽ khiến nhà đầu tư đặt giả thiết liệu có phải thị trường đang phân phối đỉnh", anh Tuấn nói và cho rằng, tác động của lần giảm này đang mạnh hơn những lần trước rất nhiều.
"Nhiều nhà đầu tư giờ không còn canh bắt đáy như lần gần nhất Bitcoin mất mốc 10.000 USD, mà giờ đây là canh chốt lời trước tâm lý nghỉ Tết sắp tới".
Chỉ tay vào hàng loạt cây nến đỏ trong 12h giao dịch gần đây, anh Tùng không khỏi lo lắng vì bản thân vừa đầu tư trở lại sau đợt giảm giá cuối tháng 1.
Bỏ ra gần 50 triệu đồng mua Bitcoin với giá 280 triệu mỗi đơn vị vào cuối tháng 1, giờ đây số Bitcoin của anh sở hữu chỉ còn 70% giá trị.
"Ban đầu mục tiêu là mua lướt sóng ngắn hạn vì Bitcoin ở Việt Nam từng có giá hơn 400 triệu đồng, nhưng nay với tình hình bán tháo thế này chắc sẽ chuyển thành nhà đầu tư dài hạn", anh Tùng ngậm ngùi chia sẻ.
Sau sự việc ở thị trường Hàn Quốc, nhiều nhà đầu tư mới đây đang tỏ ra lo lắng trước tin đồn Ấn Độ có thể là nước tiếp theo thắt chặt thị trường tiền điện tử.
Facebook cũng mới tuyên bố sẽ cấm các quảng cáo liên quan đến ICO, tiền điện tử nhằm ngăn chặn tình trạng lừa đảo.
Cũng giống một thị trường đặc biệt như Hàn Quốc hay Zimbabwe, đặc trưng của thị trường Việt Nam là giá Bitcoin chênh lệch khá nhiều so với thế giới.
Lý do là nhà đầu tư khó tham gia trực tiếp vào các sàn giao dịch lớn bởi nhiều vướng mắc kỹ thuật về mặt giao dịch.
Nhà đầu tư Việt có xu hướng tham gia một số sàn giao dịch chấp nhận thanh toán bằng VNĐ. Tuy nhiên, việc bị giới hạn này cũng tạo ra một rào cản là mức giá Bitcoin ở thị trường Việt Nam thường chênh từ 1.500 - 3.000 USD so với giá thế giới.
Lần gần đây nhất vào cuối tháng 1/2018,Bitcoin mất mốc 10.000 USD trên các sàn giao dịch lớn như Coinbase hay Coindesk nhưng tại thị trường Việt Nam, nếu quy đổi theo tỷ giá, mức giá mua - bán vẫn giữ ở ngưỡng 12.000 - 13.000 USD.
"Có một thực tế là nhiều nhà đầu tư thường cố gắng ôm Bitcoin khi giá giảm với niềm tin đồng tiền này sẽ phục hồi trong tương lai.
Do hạn chế về quy mô giao dịch, đồng tiền kỹ thuật số ở thị trường Việt Nam thường giữ giá và chênh cao hơn khá nhiều so với đồng tiền thế giới", anh Tuấn chia sẻ. Tuy nhiên, nhà đầu tư này cũng cho rằng, sẽ rất nguy hiểm nếu có một làn sóng bán tháo với quy mô lớn.
Bản thân nhà đầu tư này cũng không nắm giữ trực tiếp Bitcoin mà mua Bitcoin bằng VNĐ rồi chuyển qua các sàn quốc tế để mua những đồng tiền có giá trị nhỏ hơn như Litecoin, Dash hay Ripple.
Tuy nhiên, do sự chênh lệch này nên ngay khi chuyển ra thị trường quốc tế, quy mô tài sản đã mất từ 15 - 20% giá trị. Cộng hưởng với đợt lao dốc gần đây ở thị trường Việt Nam, anh Tuấn đã mất hơn 50% giá trị khoản đầu tư trước đó.