Sẵn tiền
2016 là cột mốc đáng nhớ cho các thương vụ mua bán liên quan đến ngành y tế và chăm sóc sức khỏe tại Trung Quốc. Đầu năm 2017 (10/1), đại diện Sanpower Group Co, có trụ sở tại Nam Kinh cho biết, Công ty sẽ mua lại công nghệ hỗ trợ điều trị ung thư trị giá 280 triệu USD từ Valeant Pharmaceuticals International Inc.
Sanpower không phải là trường hợp cá biệt. Chuyên gia tại các quỹ đầu tư và nhiều nhà đầu tư tư nhân tại Trung Quốc đều đang tìm kiếm cơ hội đầu tư tại thị trường Mỹ.
Làn sóng mua tài sản nước ngoài tại lĩnh vực y tế của công ty Trung Quốc không ngừng gia tăng (số liệu năm 2016 tính tới đầu tháng 7)
Chủ nhật (8/1) vừa qua, trong một hội trường khách sạn gần sân bay San Francisco, khoảng 250 nhà đầu tư tiềm năng Trung Quốc và không ít giám đốc điều hành trong lĩnh vực công nghệ sinh học đã gặp mặt tại buổi hội thảo liên quan đến đầu tư.
Buổi hội thảo được tổ chức bởi công ty đầu tư CTIC Capital với mục tiêu thành lập các đồng minh thương mại trước thềm Hội nghị Y tế J.P. Morgan – cuộc họp thường niên lớn nhất trong ngành y tế sẽ diễn ra tuần này.
Trung Quốc có tiềm lực tài chính dồi dào và rất nhiều các doanh nghiệp đầu tư nhưng lại có rất ít các công ty dược phẩm trong nước để “rót tiền” vào
Kevin Chen, thành viên điều hành China Fund tại Sequoia Capital có trụ sở ở Menlo Park, California nhận định: “Trung Quốc có tiềm lực tài chính dồi dào và rất nhiều các doanh nghiệp đầu tư nhưng lại có rất ít các công ty dược phẩm trong nước để “rót tiền” vào”.
Quỹ đầu tư này đã và đang dành một phần tư trong số vốn 3 tỷ USD để đầu tư vào lĩnh vực y tế. Trong năm qua, Công ty đã bắt đầu xây dựng cầu nối giúp các nhà khởi nghiệp tại Mỹ có cơ hội làm việc với những nhà đầu tư Trung Quốc.
Không sợ ông Trump
Diễn biến này đã bắt đầu thu hút các nhà đầu tư Mỹ. Hội nghị Y tế J.P. Morgan đã dành hẳn một bài phát biểu về các công ty y tế tại Trung Quốc.
Theo dữ liệu tổng hợp từ Bloomberg, trong năm ngoái, các doanh nghiệp Trung Quốc đã thực hiện các thương vụ mua tài sản nước ngoài trị giá 8 tỷ USD.
Lan Huang, giám đốc điều hành tại BeyondSpring Pharmaceuticals Inc nhận định: “Cánh cửa đã mở, và chắc chắn sẽ không bị đóng lại lần nữa”.
BeyondSpring Pharmaceuticals Inc là doanh nghiệp chuyên sản xuất các loại thuốc điều trị ung thư có trụ sở tại New York và có văn phòng đại diện tại Đại Liên, Trung Quốc. Công ty đang dự định cổ phần hóa và đã có những cuộc nói chuyện với các nhà đầu tư từ phía Mỹ và Trung Quốc.
Hội nghị này diễn ra vào thời điểm then chốt trong mối quan hệ giữa hai nước. Các chủ trương của Tổng thống Trump đối với Trung Quốc đã khiến không ít nhà đầu tư lo ngại rằng sẽ tạo nên ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình kinh doanh.
Các công ty Trung Quốc vẫn sẽ đổ vốn vào mảng công nghệ sinh học tại Mỹ, cho tới khi có những thay đổi đáng kể về chính sách ngoại giao
Mặc dù vậy, chiến lược gia Chen tại Sequoia nhận định, các nhà đầu tư Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục đổ vốn vào mảng công nghệ sinh học tại Mỹ. Tình trạng này sẽ tiếp diễn cho đến khi thực sự có những “thay đổi to lớn và đáng kể” trong chính sách ngoại giao của Mỹ.
Lý do giải thích cho việc ít có công ty Trung Quốc đầu tư vào Mỹ hiện tại là bởi ít doanh nghiệp có hồ sơ tài chính được công bố rõ ràng.
Yanhong Lin, nhà sáng lập và quản lý CTIC, có trụ sở tại Palo Alto, California và một số văn phòng đại diện tại Thượng Hải và Nam Kinh cho biết, rất nhiều các công ty Trung Quốc được định giá trên 1 tỷ USD khi bắt đầu bán cổ phần ra công chúng, trong khi mức định giá này không phải doanh nghiệp nào cũng đạt được.