Những tưởng nhà đầu tư đã bình tĩnh hơn trong phiên sáng 25/9 khi thị trường đang dần tìm lại điểm cân bằng sau 2 phiên giảm mạnh liên tiếp cuối tuần trước (21-22/9), nhưng niềm hy vọng này hoàn toàn sụp đổ trong phiên giao dịch chiều.
Bước vào phiên giao dịch chiều, áp lực tiếp tục dâng cao khiến sắc đỏ lan rộng hơn trên bảng điện tử và chỉ số VN-Index lùi dần đều, ngày càng rời xa mốc tham chiếu hơn. Đặc biệt, sau khoảng 50 phút mở cửa, khi chỉ số chung thủng vùng hỗ trợ tiếp theo là 1.180 điểm, đã kích hoạt ngòi nổ xả bán của nhà đầu tư.
Bên bán dường như đánh mất sự kiên nhẫn để chờ đợi nhịp hồi, đã ồ ạt quay ra bán tháo. Chỉ trong hơn 30 phút cuối phiên, hàng trăm mã đua nhau nằm sàn, đẩy các chỉ số chung đều cắm đầu lao dốc mạnh. Trong đó, chỉ số VN-Index bốc hơi khoảng 35 điểm và rơi xuống vùng giá 1.150 – 1.160 điểm, điều được giới phân tích đánh giá là xác suất xảy ra khá thấp.
Điều bất ngờ đã không lặp lại khi lực cầu bắt đáy dường như đã không còn mạnh dạn như phiên cuối tuần trước (ngày 22/9) khiến thị trường đã đóng cửa tại mức giá thấp nhất ngày, về sát mốc 1.150 điểm khi bay gần 40 điểm và thanh khoản không mấy khả quan. Dường như tâm lý nhà đầu tư đang trở nên lo lắng hơn bởi câu hỏi “đáy của thị trường đang ở đâu” khi những mốc hỗ trợ được các giới phân tích đưa ra đã hoàn toàn xuyên thủng.
Đóng cửa, sàn HOSE chỉ còn 45 mã tăng và có tới 495 mã giảm (115 mã giảm sàn), VN-Index giảm 39,85 điểm (-3,34%), xuống 1.153,2 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 1,08 tỷ đơn vị, giá trị 23.380,59 tỷ đồng, giảm 22,3% về khối lượng và 27,7% về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 22/9. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 88,92 triệu đơn vị, giá trị 1.763,15 tỷ đồng.
Trong nhóm VN30 chỉ còn 3 mã thoát hiểm thành công là SSB, VJC, VNM, còn lại có tới 26 mã giảm, với VIC, GVR, SSI, SHB đều giảm kịch sàn; ngoài ra có MSN, VIB, CTG, HPG giảm mạnh trên dưới 5-6%.
Xét về nhóm ngành, không có nổi nhóm nào thoát khỏi áp lực giảm mạnh, trong đó “đồng cảm” với thị trường nhất vẫn là chứng khoán. Toàn nhóm cổ phiếu chứng khoán, chỉ còn 3 mã thoát khỏi sắc xanh mắt mèo là TVS giảm 6,31%, VFS giảm 2,33% và BVS giảm 7,46%.
Trong đó, bộ 3 cổ phiếu nhóm chứng khoán là SSI, VND, VIX vẫn dẫn đầu thanh khoản với trên dưới 40 triệu đơn vị khớp lệnh đều trong trạng thái dư bán sàn vài triệu đơn vị. Tình trạng thái này cũng diễn ra phổ biến với các mã nằm sàn khác trên thị trường chung và nhóm chứng khoán nói riêng, với APG, CTS, VCI, AGR, FTS… dư bán sàn trên dưới nửa triệu đơn vị.
Theo sau là nhóm thủy sản với các mã VHC, IDI, CMX, ANV, ACL… cũng đều đóng cửa giảm kịch sàn.
Nhóm bất động sản sau tín hiệu cân bằng ở cuối phiên sáng cũng đã “ngã ngựa” với sức ép lớn từ VIC khi lấy đi hơn 3,2 điểm của chỉ số chung và đóng cửa không thoát khỏi trạng thái nằm sàn và khớp lệnh đạt 16,84 triệu đơn vị.
Các cổ phiếu nóng trong nhóm bất động sản như NVL, DIG, PDR, TCH, DXG, VCG, BCG, HHV, LCG, CII đều đóng cửa giảm sàn. Trong khi đó, ITA vẫn ngược dòng thị trường chung thành công và đóng cửa tại mức giá trần, tuy nhiên đã không còn tình trạng dư mua trần chất đống như phiên sáng nay.
Ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, đà giảm cũng nới rộng hơn dù cổ phiếu lớn nhất là VCB giữ được mốc tham chiếu, đáng kể là SSB ngược dòng thành công và đóng cửa tăng gần 2%. Các cổ phiếu trong ngành như SHB, EIB đóng cửa giảm sàn, MSB và VIB cùng giảm hơn 6%...
Trái lại, ở nhóm cổ phiếu cao su và sản phẩm cao su vẫn có những mã ngược dòng thị trường chung thành công, như HRC tăng kịch trần, TNC tăng 6,3%, SRC tăng 2,8%.
Trên sàn HNX, số mã giảm sàn cũng vượt số mã tăng và với sức ép lớn của nhóm HNX30, chỉ số chung đã lao dốc mạnh.
Đóng cửa, sàn HNX có 45 mã tăng và 165 mã giảm (48 mã giảm sàn), HNX-Index giảm 11,64 điểm (-4,79%), xuống 231,5 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 130,42 triệu đơn vị, giá trị 2.369,31 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 21,67 triệu đơn vị, giá trị 337,76 tỷ đồng, trong đó riêng NVB thỏa thuận 18,21 triệu đơn vị, giá trị hơn 249 tỷ đồng.
Nhóm HNX30 có 2 mã chiến thắng thị trường nhưng vốn hóa nhỏ là DXP đóng cửa tăng 8,6% và DVM tăng 2,1%, còn lại 28 mã mất điểm. Trong đó, có gần 1/2 số mã giảm kịch sàn. Điều này khiến chỉ số của nhóm HNX30 giảm tới gần 40 điểm và rơi xuống sát mốc 470 điểm.
Trong top 10 mã có thanh khoản tốt nhất thị trường, chỉ duy nhất cổ phiếu nhỏ TTH thoát “án sàn” và đà tăng có thu hẹp so với phiên sáng tạm dừng ở mức giá trần. Đóng cửa, TTH tăng 4,8% và khớp lệnh hơn 2,95 triệu đơn vị.
Cặp đôi có thanh khoản vượt trội trên thị trường là SHS và CEO đều đóng cửa giảm sàn. Trong đó, SHS đứng tại mức giá 16.100 đồng/CP và khớp 38,69 triệu đơn vị cùng lượng dư bán sàn 1,75 triệu đơn vị; còn CEO đứng tại mức giá 21.600 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 12,23 triệu đơn vị cùng dư bán sàn 1,68 triệu đơn vị.
Ngoài ra, nhiều mã đáng chú ý khác như HUT, MBS, TNG, TAR, PVC cũng đều đóng cửa trong sắc xanh mắt mèo với thanh khoản đạt vài triệu đơn vị. Cổ phiếu PVS sau phiên sáng ngược dòng thành công cũng đã đảo chiều giảm 4,6%, đóng cửa tại mức giá thấp nhất trong ngày 35.600 đồng/CP, khớp lệnh hơn 7,2 triệu đơn vị.
Điểm sáng là cổ phiếu nhỏ DL1 vẫn giữ vững đà tăng trần với khối lượng khớp lệnh đạt 2,24 triệu đơn vị và dư mua trần 1,32 triệu đơn vị.
Trên UPCOM, sắc đỏ cũng chiếm áp đảo trên bảng điện tử và chỉ số lùi sâu dưới mốc tham chiếu.
Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 2,06 điểm (-2,2%), xuống 88,69 điểm khi có tới 235 mã giảm (12 mã giảm sàn) và 86 mã tăng. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 67,53 triệu đơn vị, giá trị 1.039 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,77 triệu đơn vị, giá trị hơn 98 tỷ đồng.
Tâm điểm đáng chú ý là BSR. Dù áp lực tháo chạy trên thị trường chung khiến BSR có rung lắc và điều chỉnh, tuy nhiên, lực cầu nội và ngoại khá mạnh mẽ đã giúp cổ phiếu này chiến thắng thị trường chung.
Đóng cửa, BSR tăng 1% lên mức 21.200 đồng/CP với khối lượng giao dịch sôi động nhất UPCoM, đạt hơn 15,5 triệu đơn vị, bỏ xa vị trí thứ 2 là SBS đạt khối lượng giao dịch 5,62 triệu đơn vị.
Một trong những mã đáng chú ý khác đã ngược dòng thị trường chung thành công dù biên độ có thu hẹp, đó là MSR đóng cửa tăng 3,2% lên mức 19.500 đồng/CP và khối lượng giao dịch đạt 1,95 triệu đơn vị.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều giảm sâu, trong đó VN30F2310 đáo hạn gần nhất ngày 19/10, đóng cửa giảm 30,1 điểm (-2,5%) xuống 1.162,5 điểm, khớp lệnh 235.996 đơn vị, khối lượng mở 45.544 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền cũng ngập sắc đỏ, trong đó CHPG2323 dẫn đầu thanh khoản, đạt 3,32 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 25,7% xuống 550 đồng/cq. Tiếp theo là CSTB2322 khớp gần 2,29 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 11,7% xuống 1.510 đồng/cq.