Nhà đầu tư sẽ tăng tính phản biện với thị trường chứng khoán

(ĐTCK) “Để thị trường tài chính nói chung, TTCK nói riêng phát triển hiệu quả và minh bạch hơn, các NĐT tài chính sẽ tăng cường phản biện chính sách, cũng như chủ động đưa ra các kiến nghị, đề xuất mang tính thực tiễn, khoa học với luận cứ xác đáng tới Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước…”, TS. Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) trao đổi với ĐTCK.
Để thúc đẩy TTCK phát triển, cần sự đổi mới của cả bên cung, bên cầu và cơ quan quản lý Để thúc đẩy TTCK phát triển, cần sự đổi mới của cả bên cung, bên cầu và cơ quan quản lý

Trong nhiệm kỳ hoạt động 2016 - 2021 vừa được Đại hội lần thứ ba của VAFI thông qua, có khá nhiều điểm mới trong chiến lược hoạt động của Hiệp hội, đặc biệt là định hướng đưa ra những đề xuất, kiến nghị mới góp phần thúc đẩy TTCK phát triển. Ông có thể cho biết cụ thể các nội dung này?

Để thúc đẩy TTCK phát triển lành mạnh và hấp dẫn, thì cả bên cung (DN niêm yết, các tổ chức cung ứng dịch vụ chứng khoán, kiểm toán, kế toán…), bên cầu (NĐT), cũng như cơ quan quản lý phải đổi mới phương thức hoạt động theo hướng chuyên nghiệp, minh bạch, đáp ứng yêu cầu mở cửa, hội nhập ngày càng rộng mở với quốc tế.

Để phía cầu hoạt động ngày càng lành mạnh và chuyên nghiệp, trong nhiệm kỳ mới này, ngoài tập trung triển khai các biện pháp để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của NĐT, đặc biệt là NĐT nhỏ lẻ, VAFI sẽ tăng cường các hoạt động tư vấn, đưa ra các khuyến nghị có tính khoa học và thực tiễn cao cho các hội viên trong quá trình đầu tư sao cho tuân thủ đúng luật pháp, đạt hiệu quả tốt. Chúng tôi cũng sẽ đưa ra các giải pháp để thúc đẩy xu hướng đầu tư giá trị ngày càng phổ biến, qua đó góp phần thúc đẩy TTCK phát triển lành mạnh và hiệu quả hơn.

Để đưa ra các phản biện chính sách, cũng như kiến nghị, đề xuất có tính thực tiễn và luận cứ khoa học xác đáng về cơ chế phát triển TTCK, cũng như các vấn đề kinh tế vĩ mô có tác động hỗ trợ TTCK phát triển như: thu - chi ngân sách (giảm nợ công), các chính sách thuế, phí; quản trị doanh nghiệp, cổ phần hóa…, VAFI sẽ thành lập các ban chuyên môn, với sự góp sức của các chuyên gia, hội viên là NĐT tài chính có tính thực tiễn cao. Chúng tôi kỳ vọng, các phản biện, góp ý của VAFI sẽ ngày càng được Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính, UBCK…, cùng các cơ quan liên quan quan tâm xem xét, tiếp thu.

TS. Đặng Văn Thanh 

Ông vừa nói VAFI sẽ tăng cường các biện pháp để bảo vệ NĐT, nhất là NĐT nhỏ lẻ. Vậy hướng đi cụ thể cho vấn đề này là gì?

Tính chất bảo vệ ở đây có hai ý. Đầu tiên là trong hoạt động đầu tư, chúng tôi sẽ tăng cường chia sẻ, trao đổi thông tin về thị trường, kinh nghiệm đầu tư, cũng như tích cực đưa ra các khuyến nghị, tư vấn nhằm giúp các hội viên giảm thiểu rủi ro, đạt kết quả đầu tư tích cực.

Ở khía cạnh bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các hội viên khi đối mặt với các tranh chấp, hay rủi ro mất vốn do các tổ chức kinh doanh chứng khoán phá sản, giải thể, việc này thời gian qua tuy đã nỗ lực nhưng kết quả còn hạn chế, nên sắp tới sẽ được tăng cường. Chúng tôi đang giao cho các hội viên có năng lực và kinh nghiệm nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế cũng như thực tiễn TTCK Việt Nam, để đưa ra hướng kiến nghị, đề xuất phương án khả thi nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của NĐT, nhất là NĐT nhỏ lẻ.

Mặt khác, để nâng cao hiệu quả hoạt động của VAFI, tăng cường hội nhập quốc tế, trong đó có khía cạnh bảo vệ NĐT tốt hơn, chúng tôi sẽ kiến nghị cho phép kết nạp các hội viên là người nước ngoài. Điều này phù hợp với đặc thù hoạt động của giới đầu tư tài chính.

Là Chủ tịch VAFI, đồng thời là Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA), ông có thấy mình đối mặt với một số mâu thuẫn trong đảm đương hai vị trí này?

Không có gì mâu thuẫn, ngược lại còn bổ trợ tích cực cho nhau. Từ nắm bắt sâu sắc hơn các yêu cầu, đòi hỏi chính đáng, hợp lý của giới đầu tư tài chính là hội viên của VAFI, thông qua VAA tôi sẽ thúc đẩy các nhà cung cấp dịch vụ và người hành nghề kế toán, kiểm toán để vừa khuyến khích, vừa tạo sức ép hợp lý lên các DN niêm yết nhằm minh bạch thông tin hơn, đặc biệt là về sức khỏe tài chính. Một khi kênh thông tin này ngày càng minh bạch, kịp thời, thì sẽ hỗ trợ tích cực cho NĐT trong quá trình tìm kiếm cơ hội, cũng như đưa ra quyết định đầu tư.

Hữu Đạo thực hiện.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục