Nhà đầu tư sẵn sàng hỗ trợ các dự án khởi nghiệp có ý tưởng tốt

Việc kết nối mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp của Việt Nam hiện đã không còn là bài toán quá khó khi rất nhiều nhà đầu tư bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ đưa các dự án của Việt Nam ra thế giới, miễn là có ý tưởng đủ tốt.
Mặc dù bày tỏ sẵn sàng đầu tư vào các dự án khởi nghiệp của Việt Nam và đưa các dự án  đủ tốt vươn tầm thế giới nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn đối mặt với những ý tưởng trên mây không gắn với thực tiễn thị trường. Mặc dù bày tỏ sẵn sàng đầu tư vào các dự án khởi nghiệp của Việt Nam và đưa các dự án đủ tốt vươn tầm thế giới nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn đối mặt với những ý tưởng trên mây không gắn với thực tiễn thị trường.

Sẵn sàng đầu tư

Tại hội thảo “Kết nối đầu tư hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo hướng đến Techfest Việt Nam 2019”, tổ chức chiều 22/9, tại Hà Nội, ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ (NATEC), Bộ Khoa học và Công nghệ khẳng định, Việt Nam có đầy đủ tiềm năng phát triển các dự án khởi nghiệp đủ tầm vươn ra toàn cầu.

Những dự án gần nhất của người Việt giành được đánh giá cao của các nhà đầu tư Mỹ được ông Quất nhắc tới là Medlink hay VVN AI,  Emmay, Tubudd, Smilee Vietnam, Oxtale, No Spilled Milk, TiMobile và Graam, những dự án giành thứ hạng cao trong đêm chung kết cuộc thi Khởi nghiệp toàn cầu VietChallenge 2019 diễn ra mới đây tại Đại học Boston (Hoa Kỳ).

Ông Quất cũng nhắc tới việc NATEC vừa ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Pegasus Tech Venture (đơn vị tổ chức Startup World Cup) và Ai20X (Trung tâm ươm tạo khởi nghiệp tại Silicon Valley) nhằm kết nối mạng lưới khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam với toàn cầu để cho thấy, cơ hội cho các startup là rất mở.

Chia sẻ với đông đảo giới khởi nghiệp, bà Trần Quỳnh Hương, Nhà sáng lập và là CEO của CEVB, một Venture Builder đang hoạt động tại Anh cũng khẳng định sẵn sàng giúp các nhà khởi nghiệp Việt vươn ra toàn cầu, miễn là có ý tưởng tốt và những người khởi nghiệp phải đầu tư trí tuệ vào cùng với các venture.

“Các dự án khởi nghiệp thường thiếu vốn, không có thị trường, không biết phát triển sản phẩm thế nào cũng như không thể tìm được đường đi cho các dự án của mình ra thế giới. Chúng tôi có mặt ở đây để hỗ trợ những dự án này về đào tạo thuyết trình, thuyết phục nhà đầu tư nước ngoài thế nào, giúp các nhà khởi nghiệp hiểu được văn hóa làm việc của các nhà đầu tư nước ngoài để thúc đẩy phát triển hiệu quả những dự án tốt”, bà Hương khẳng định.

Bà Hương cũng nhận thấy một thực tế tại Việt Nam, các startup hiện vẫn khó nhận được hỗ trợ thực sự hiệu quả. Do đó, bà Hương đang nuôi kế hoạch xây dựng hệ thống hỗ trợ theo mô hình venture builder. Mô hình này như một hub khởi nghiệp chuyên về công nghệ từ bắc vào nam nhằm kết nối các tổ hợp công nghệ thế giới, nhà đầu tư về đây để cùng giao lưu, hỗ trợ các dự án khởi nghiệp của Việt Nam.

“Mỗi venture có một tiêu chí riêng về lựa chọn các startup để họ đầu tư. Khi nhận vào hệ thống của mình, họ sẽ nhào nặn các startup để các startup giao lưu, cọ xát với nhau để từ đó phát triển những ý tưởng đang có lên tầm cao mới. Các startup không nên tham vọng quá mà phải tham vọng đúng và đủ tầm lớn ở quy mô thế giới mới thỏa được những gì một venture lựa chọn đầu tư.

Trên thực tế, một venture builder sẽ xây dựng văn hóa, tư duy cho startup để nhà đầu tư mạnh dạn đầu tư vào 1 dự án khởi nghiệp, nghĩa là venture chính là nơi hội tụ các nhà đầu tư và cũng là nơi hội tụ các startup đủ tốt để từ đó kết nối các nhà đầu tư nhằm đảm bảo nguồn tài chính của họ đầu tư vào những dự án khởi nghiệp ít rủi ro nhất.

Tuy nhiên, những venture này cũng có quỹ đầu tư riêng của họ. Như vậy, một venture builder chính là nơi hỗ trợ các startup từ A đến Z trong khởi nghiệp”, bà Hương nhấn mạnh.

Trong khi đó, bày tỏ được hợp tác với các startup Việt, đại diện một quỹ đầu tư của Hàn Quốc cho biết, họ đang thực hiện dự án dự trữ điện dưới nước và cần sự đầu tư lớn về mặt công nghệ.

Theo đó, điện sẽ được sản xuất ở nơi đảo xa, vùng hẻo lánh và mỗi nhà máy dự trữ điện theo mô hình này là một nhà sản xuất điện.

"Chúng tôi cần hội tụ công nghệ cao để có thể thực hiện dự án này. Trong đó, Việt Nam nổi lên là nơi xuất phát nhiều nhà phát triển công nghệ cao có tiềm năng. Tháng sau, chúng tôi có một hội nghị lớn tại Hàn Quốc bàn về dự án này cũng như những dự án giảm xả thải cacbon, tôi rất hy vọng các nhà khởi nghiệp của Việt Nam tham gia dưới sự hỗ trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ", vị đại diện này nói.

Không ít khó khăn

Nhận định ở Việt Nam các ý tưởng sáng tạo công nghệ hiện khá nhiều xuất phát từ lý do, người Việt làm theo khuôn mẫu rất tệ nhưng làm theo những ý tưởng phá vỡ quy luật thì khá giỏi, tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Việt, Chủ tịch HĐQT Intracom Group, Chủ tịch HĐTV Tổ hợp Y tế Phương Đông, cho rằng "khó nhất là ý tưởng phù hợp thị trường".

"Tôi đã gặp rất nhiều vấn đề khi làm việc với các startup mà tôi rót vốn vào với hàng loạt câu hỏi từ nhỏ đến lớn đều yêu cầu shark làm. Do đó, tôi đang nuôi ý tưởng thành lập một trung tâm hỗ trợ từ bắc đến nam nhằm hỗ trợ các startup từ những kinh nghiệm của những người có chút thành công trên thương trường khi họ chia sẻ về quá trình hình thành và phát triển của họ.

Từ đó, những người khởi nghiệp sẽ có góc nhìn tổng hợp từ những kinh nghiệm của họ thay vì đặt quá nhiều câu hỏi cho các nhà đầu tư", ông Việt nói.

Đồng tình với ý kiến này, ông Ngô Phi Sơn, Phó chủ tịch Tập đoàn Vmed cho biết, khi tiếp xúc với các ý tưởng khởi nghiệp, ông cũng gặp vô vàn những ý tưởng "trên mây".

Ông Sơn cũng khẳng định, trong khi lĩnh vực y tế đang được xem là lĩnh vực khá tiềm năng vì có quá nhiều vấn đề "đau đầu" mà ngành y tế đang phải giải quyết nhưng vấn đề là những dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực này hiện vẫn còn khá ít ỏi và tính thực tiễn không cao.

Do vậy, để nhận được nhiều ý tưởng khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ 4.0, trong khuôn khổ hội thảo này, Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia đã phối hợp với Terato, Vistartup...phát động cuộc thi "Khởi nghiệp sáng tạo ứng dụng  trong hệ sinh thái 4.0-Startup 4.0 Ecosystem" dành cho thanh niên Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc trong và ngoài nước, các cá nhân, tổ chức nước ngoài đang có dự án khởi nghiệp tại Việt Nam.

Nội dung của cuộc thi này ưu tiên tập trung vào các lĩnh vực như thành phố thông minh, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, internet vạn vận, nông nghiệp thông minh, giáo dục thông minh, giao thông thông minh, thực tế ảo....

Bằng việc giới thiệu chung về sản phẩm, dịch vụ sẽ thực hiện, mô hình doanh nghiệp hướng đến, quy mô dự án..., ban tổ chức sẽ lựa chọn ra 10 đội vào vòng thuyết trình.

Giải thưởng của cuộc thi sẽ bao gồm 1 giải nhất, 1 giải nhì, 3 giải ba với giá trị giải thưởng lần lượt là 30 triệu, 20 triệu và 10 triệu đồng/giải kèm giấy chứng nhận của ban tổ chức.

Ngoài ra, ban tổ chức cũng sẽ trao giải sáng tạo, giải tiềm năng, giải triển vọng với giá trị giải thưởng là 8 triệu đồng/giải kèm giấy chứng nhận.

Được biết, ban tổ chức sẽ nhận hồ sơ từ nay tới 15/10 và công bố giải thưởng dự kiến vào 25/11 tới.

Hải Hà
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục