Quan tâm đặc biệt đến Việt Nam
Tại Hội nghị đầu tư Invest ASEAN 2014 do Maybank Kim Eng tổ chức diễn ra ngày hôm qua (1/4) tại Singapore, ông Farid Alias, Tổng giám đốc Maybank cho biết, tổng giá trị vốn hoá của hơn 3.000 DN niêm yết tại 7 TTCK thuộc 10 nước thành viên ASEAN hiện hơn 2.300 tỷ USD, cao hơn cả GDP của các nước này là 2.000 tỷ USD.
ASEAN đang chịu tác động bởi những sự kiện lớn như việc cắt giảm gói hỗ trợ (QE) của Mỹ, kinh tế Trung Quốc phải lấy lại thế cân bằng, bất ổn chính trị tại Thái Lan và cuộc bầu cử sắp tới tại Indonesia. Nhưng theo ông Farid, trong “nguy” có “cơ”. Ông nói: “10 nước thành viên ASEAN đang phát triển ở các giai đoạn khác nhau và điều này tạo ra các cơ hội đa dạng, phù hợp với hầu như bất kỳ nhu cầu đầu tư nào”.
Tại các diễn đàn của Hội nghị, các chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam là một trong số những “nước mạnh”, ít chịu ảnh hưởng bởi những bất ổn của kinh tế thế giới và là quốc gia “nổi bật” trong việc duy trì niềm tin của người tiêu dùng, khi mà nhu cầu tiêu dùng khu vực ASEAN bị suy giảm trong thời gian qua.
Đại diện một công ty quản lý cho biết ông đã tham dự nhiều hội nghị đầu tư tương tự, nhưng lần này Việt Nam đã được nhắc đến nhiều hơn, điều đó cho thấy hình ảnh của Việt Nam ngày càng trở nên tốt hơn.
Tham dự hội nghị này có 7 DN Việt Nam, tất cả đều đang niêm yết trên TTCK, đó là Bảo Việt (BVH), Xây dựng Cotec (CTD), Dược Hậu Giang (DHG), Gemadept (GMD), Hoàng Anh Gia Lai (HAG), Nam Long (NLG) và Vingroup (VIC).
Một đại diện của Maybank Kim Eng cho biết, các NĐT quốc tế đặc biệt quan tâm đến Việt Nam, thể hiện qua các cuộc tiếp xúc dày đặc với DN Việt Nam so với DN các nước khác.
Ông Nguyễn Vĩnh Trân, Tổng giám đốc NLG cho biết, trong 2 ngày 1 - 2/4/2013, ông tiếp hơn 20 NĐT quốc tế; bà Bùi Thị Thu Hương, Giám đốc tài chính GMD cho biết cũng sẽ tiếp chừng đó NĐT. Còn theo đại diện BVH, họ sẽ tiếp khoảng 30 NĐT…
DN Việt Nam tìm kiếm gì?
Có 2 DN Việt Nam hiện đã hết “room” cho NĐT nước ngoài nhưng vẫn đến tham dự, đó là CTD và DHG. Tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài tại BVH hiện mới chỉ là 24,8%, nhưng thực ra NĐT ngoại hiện cũng không thể mua thêm vì Nhà nước đang sở hữu đến 74,16%. Còn NLG gần đây cũng đã chào bán thêm cổ phiếu cho 6 đối tác, trong đó có 3 NĐT nước ngoài và tỷ lệ nắm giữ của khối ngoại tại DN cũng lên đến 44,52%. Vậy các DN này tìm kiếm gì khi tham dự Invest ASEAN 2014, khi mà họ tiếp xúc với các NĐT nước ngoài nhưng lại chẳng còn room cho các NĐT này?
Ông Trân nói: “Chúng tôi đến đây một phần để giới thiệu cho các NĐT biết thêm về Nam Long, một phần giúp họ hiểu thêm về thị trường bất động sản Việt Nam vì chúng tôi thấy, với một thị trường bất động sản có rất nhiều cơ hội như Việt Nam mà các NĐT không biết thì thật đáng tiếc”.
Ông Trân cho biết, vừa qua, NLG đã gửi 2 phái đoàn qua Bangkok (Thái Lan) và Manila (Philipines) để tìm hiểu về thị trường nhà cho người có nhu nhập vừa và thấp. “Qua các chuyến đi đó, chúng tôi mới thấy tiềm năng phát triển của thị trường bất động sản Việt Nam là rất lớn. Ví dụ như Manila, mỗi năm họ tung ra 245.000 căn nhà ở ‘vừa túi tiền’, trong khi TP. HCM nhu cầu mỗi năm hơn là 70.000 căn, nhưng mình đưa ra thị trường chưa tới 10.000 căn”, ông Trân nói.
Ngoài ra, theo ông Trân, năm nay NLG có kế hoạch khởi động lại dự án khu đô thị ở Long An. NLG đã đầu tư hơn 1.200 tỷ đồng vào đây, và dự kiến năm nay sẽ hoàn tất phần hạ tầng để bắt đầu kêu gọi các NĐT.
“Dự kiến, giai đoạn 1 sẽ đầu tư khoảng 50 triệu USD. Hiện Nam Long đang lên phương án, có thể kêu gọi NĐT vào hoặc đi vay. Với sự quan tâm của các NĐT như vậy, chúng tôi tin rằng dự án này sẽ thành công. Dù room cho NĐT nước ngoài tại công ty mẹ đã hết, nhưng các NĐT có thể tham vào công ty con của Nam Long”, ông Trân nói.
Thực ra, trong số các NĐT tiếp xúc với NLG có cả Hansabay Pte Ltd, công ty quản lý quỹ đầu tư dạng ‘kền kền’ chuyên săn mua chứng chỉ quỹ của các quỹ đầu tư đang có mức chiết khấu cao. Hiện tổng tài sản do Hansabay quản lý khoảng 65 triệu USD. Hansabay đã đầu tư vào một số quỹ đầu tư vào Việt Nam đang niêm yết ở thị trường nước ngoài.
Đối với những DN còn “room” như GMD thì việc tham dự Invest ASEAN là để tìm kiếm đối tác. Bà Hương cho biết, GMD muốn tìm một NĐT chiến lược thực sự để giúp nâng cao vị thế của GMD. Vì năm 2014 là thời điểm đặc biệt khi có thể các nhà cung ứng dịch vụ nước ngoài sẽ được phép thành lập DN 100% vốn để cung ứng các dịch vụ này. Hiện tại, NĐT nước ngoài đang sở hữu 25,64% GMD. Theo bà Hương, Invest ASEAN 2014 không chỉ giúp GMD gặp các quỹ đầu tư mà còn được tiếp xúc với các DN nước ngoài lớn cùng ngành.