Nhà đầu tư phẫn nộ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tâm lý nhà đầu tư từ lâu đã bị ức chế vì hệ thống giao dịch của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) thường xuyên nghẽn lệnh, nên khi không được hủy/sửa lệnh dẫn đến rủi ro cao khiến nhiều người phẫn nộ. Nhóm phóng viên thực hiện.
Có nhà đầu tư tính đến việc rút hết tiền về và đóng tài khoản cho đến khi hệ thống giao dịch của HOSE ổn định trở lại. Ảnh: Dũng Minh. Có nhà đầu tư tính đến việc rút hết tiền về và đóng tài khoản cho đến khi hệ thống giao dịch của HOSE ổn định trở lại. Ảnh: Dũng Minh.

Nhà đầu tư Trịnh Hà, Khách hàng một công ty chứng khoán tại Hà Nội

Giai đoạn này, tôi không giao dịch nhiều, nên không bị ảnh hưởng lớn bởi tình trạng nghẽn lệnh, cấm sửa/hủy lệnh, nhưng có một số lần không thể đặt lệnh được, tác động tiêu cực đến kế hoạch đầu tư. Việc không đặt được lệnh, giá cổ phiếu không được cập nhật chính xác, khiến phán đoán của tôi nói riêng, các nhà đầu tư nói chung không chuẩn, bỏ lỡ cơ hội mua/bán cổ phiếu.

Là một nhà đầu tư tham gia thị trường nhiều năm, tôi có ba nguyện vọng. Thứ nhất, tình trạng xập xệ của sàn giao dịch HOSE thì ai cũng biết, vấn đề là bây giờ phải minh bạch thông tin. Sở phải liên tục cập nhập tình hình đang làm gì, sửa cái gì, sửa đến đâu, kết quả ban đầu thế nào… để nhà đầu tư yên tâm hơn, tránh tâm lý tiêu cực vì không có thông tin, không biết tình hình.

Thứ hai, lỗi của ai thì người đó phải chịu trách nhiệm. Ngoài ra, HOSE không cung cấp được dịch vụ, dịch vụ không đảm bảo thì phải ngừng/giảm thu phí, hoặc có phương án khắc phục thiệt hại của nhà đầu tư do để xảy ra tình trạng nghẽn lệnh.

Thứ ba, sau khi hoàn thiện hệ thống, Sở giao dịch phải có phương án dự phòng nếu tình trạng cũ lặp lại, hoặc có cam kết không để tình trạng nghẽn lệnh lặp lại.

Nhà đầu tư Vũ Việt Đức, Khách hàng tại Công ty Chứng khoán Kỹ Thương (TBCS)

Sàn HOSE bị nghẽn lệnh hơn nửa năm nay, ai cũng kêu mà chưa thấy cải thiện. Trước đây, dù nghẽn lệnh gây ức chế, nhưng phiên sáng vẫn giao dịch được, vẫn sửa/huỷ lệnh bình thường. Tuy nhiên, từ khi công ty chứng khoán không cho sửa/huỷ lệnh, gặp phiên điều chỉnh mạnh như hôm 8 - 9/6/2021, tôi rất bức xúc, vì không thể sửa lệnh để bán chốt lời kịp thời. Thị trường giảm mà chỉ biết bất lực đứng nhìn tài khoản của mình từ lãi chuyển sang lỗ, thiệt hại là rõ ràng.

Quá ức chế với HOSE và các công ty chứng khoán khi họ làm sai luật, nếu có thời gian thì tôi đã nghiên cứu để đi kiện rồi. Họ chẳng xem nhà đầu tư ra gì, trong khi thuế, phí thì vẫn thu đầy đủ.

Nhà đầu tư Đồng Phương Anh, Khách hàng một công ty chứng khoán tại Hà Nội

Nhà đầu tư Đồng Phương Anh
Nhà đầu tư Đồng Phương Anh

Nhà đầu tư chúng tôi ai cũng phẫn uất, cảm thấy bị chèn ép. Suốt từ thời điểm hệ thống nghẽn lệnh từ năm ngoái đến nay, chúng tôi nhẫn nhịn có, thông cảm có, nhưng hình như HOSE không tôn trọng nhà đầu tư.

Đầu tư tài chính không dễ dàng, việc hệ thống chạy bình thường lẽ ra phải là chuyện hiển nhiên để tạo điều kiện cho nhà đầu tư và giúp chúng tôi yên tâm đổ tiền vào thị trường, nhưng khi sự cố xảy ra, không có ai đứng ra chịu trách nhiệm, mà chỉ là những lời giải thích có cũng như không có, né tránh trách nhiệm, đổ lỗi cho nhau.

Trong phiên giao dịch ngày 8/6/2021, tôi đặt lệnh bán 10.000 cổ phiếu với giá 23.500 đồng/cổ phiếu, trong khi thị giá trên sàn là 23.700 đồng/cổ phiếu. Nhưng lệnh vào sàn vô cùng chậm và phải đợi rất lâu, khi lệnh được xác nhận thì cổ phiếu đã giảm về gần giá sàn. Vừa mất tiền, vừa mang bực vào người. Suốt phiên hôm đó, tôi giao dịch giống như bị “bịt mắt” chơi trò may rủi. Trong khi đó, công ty chứng khoán không cho sửa/hủy lệnh, có khác nào “đánh úp” nhà đầu tư?

Tham gia thị trường chứng khoán đã hơn 2 năm, nhưng đây là lần đầu tiên tôi suy nghĩ đến chuyện rút hết tiền về và đóng tài khoản bởi tình trạng không minh bạch, trì trệ, yếu kém, xem thường nhà đầu tư của HOSE.

Nhà đầu tư cá nhân vốn đã thiệt thòi về thông tin, tôi hy vọng, thời gian tới, HOSE có thể thực hiện lời hứa của mình là sớm nâng cấp hệ thống, đừng để tình trạng bảng điện bị đơ kéo dài. Tiền của nhà đầu tư không phải là giấy, chậm một ngày cũng sẽ gây ra tổn thất.

Nhà đầu tư Phạm Văn Hải, Khách hàng tại Công ty Chứng khoán KIS và VPS

Yêu cầu công ty chứng khoán chặn việc sửa/hủy lệnh của nhà đầu tư là hành động áp đặt, thể hiện sự bất lực trong điều hành của HOSE. Chẳng thà hệ thống bị nghẽn lệnh, chứ không thể tước đi quyền của nhà đầu tư khi giao dịch.

Với những người như tôi, nhiều khi mắt kém có thể đặt nhầm lệnh mà không hủy được rất là tai hại. Khi tắc đường thì người ta phải quay lại đi đường khác, chứ không thể bị giam luôn trong đám đông đó.

Tôi cũng không hiểu vì sao Sở giao dịch thu phí rất nhiều trong những năm qua mà không đẩy mạnh đầu tư cho hệ thống giao dịch. Lãnh đạo Sở điều hành không thông suốt thì nên nhường chỗ cho người khác điều hành hiệu quả hơn.

Mong được nhà đầu tư thông hiểu và hợp tác

Lãnh đạo Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK)

Từ cuối tháng 12/2020, hệ thống giao dịch tại HOSE phát sinh hiện tượng quá tải, nhà đầu tư tại một số công ty chứng khoán không thể gửi lệnh giao dịch. Nguyên nhân chính là do thanh khoản của thị trường tăng trưởng quá nhanh ngoài dự báo, trong khi hệ thống hiện tại của Sở đã cũ, năng lực xử lý có giới hạn.

Để giải quyết hiện tượng trên, Bộ Tài chính đã chỉ đạo UBCK, HOSE và các đơn vị liên quan thực hiện triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách để khắc phục tình trạng nghẽn lệnh của hệ thống.

Trong đó, HOSE đã nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật để tối ưu hóa hệ thống giao dịch, khắc phục và hạn chế tối đa tình trạng nghẽn lệnh.

Các cải tiến kỹ thuật của Sở đã nâng năng lực xử lý từ mức 16.000 - 17.000 tỷ đồng/phiên lên 22.000 - 23.000 tỷ đồng/phiên. Tuy nhiên, biện pháp kỹ thuật chỉ có hiệu quả trong ngắn hạn, chưa giải quyết triệt để việc nghẽn lệnh của hệ thống do nhu cầu giao dịch của nhà đầu tư vẫn tăng mạnh trong thời gian gần đây.

Trong thời gian tới, với khả năng thị trường chứng khoán sẽ vẫn tiếp tục đà tăng trưởng về quy mô và giá trị giao dịch, có thể gây rủi ro cho hệ thống giao dịch của HOSE. Do vậy, ưu tiên hàng đầu là thực hiện các giải pháp để giữ cho hệ thống hiện tại được an toàn, hoạt động liên tục, không được để thị trường ngừng nghỉ một ngày nào.

Hiện tượng nghẽn lệnh chắc chắn vẫn còn và một số giải pháp bắt buộc phải thực hiện có thể làm cho nhà đầu tư chưa hài lòng, UBCK mong được nhà đầu tư thông hiểu và hợp tác để cùng giữ cho thị trường hoạt động liên tục.

UBCK và HOSE đã báo cáo Bộ Tài chính tiến độ đưa hệ thống FPT vào vận hành vào cuối tháng 6, đầu tháng 7/2021. Đến lúc đó, hiện tượng nghẽn lệnh sẽ được khắc phục hoàn toàn. Ngoài ra, hệ thống công nghệ thông tin KRX đồng bộ và hiện đại hơn cũng đã lắp đặt xong phần cứng, phần mềm, sẽ khởi động thử nghiệm để đưa vào vận hành vào cuối năm nay theo kế hoạch mà HOSE đã báo cáo Bộ Tài chính.

Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các cơ quan quản lý có liên quan nhằm tăng cường công tác truyền thông để công chúng đầu tư hiểu đúng nguyên nhân của hiện tượng nghẽn lệnh, đồng thời có sự phối hợp với các cơ quan quản lý trong việc triển khai đồng bộ các giải pháp xử lý.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,290.18 7.09 0.55% 258,687 tỷ
HNX 243.92 1.07 0.44% 1,863 tỷ
UPCOM 91.48 0.35 0.39% 587 tỷ