Trong thông cáo được phát đi vào cuối tuần qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng khẳng định điều này, rằng niềm tin của nhà đầu tư đối với Việt Nam tiếp tục được củng cố, các nhà đầu tư hiện hữu đều tin tưởng vào các chính sách của Chính phủ, cùng tương lai phát triển của kinh tế Việt Nam.
Không chỉ là khẳng định từ phía các cơ quan hoạch định chính sách của Việt Nam, các tập đoàn, các nhà đầu tư toàn cầu cũng hơn một lần nhấn mạnh rằng, Việt Nam đang có “cơ hội đáng kinh ngạc” để trở thành mắt xích không thể thiếu trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trong cuộc gặp Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hàn Quốc mới đây, các tập đoàn công nghệ lớn của xứ sở Kim chi cũng nói về Việt Nam như là “một địa điểm sản xuất trọng điểm toàn cầu” của họ…
Bên cạnh những nhận định, dự báo, nhiều dự án lớn, quy mô hàng tỷ USD đã được nhiều nhà đầu tư nước ngoài, từ Samsung, LG, Foxconn đến Goertek, Amkor, HanaMicron… triển khai hiệu quả tại Việt Nam.
Nếu không đủ niềm tin thì sẽ không thể có các cam kết tỷ USD như vậy.
Nếu không đủ niềm tin thì cũng không thể có gần 15,2 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam trong 6 tháng đầu năm, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, vốn đăng ký mới tăng 46,9%; vốn thực hiện tăng 8,2%. Dự báo năm nay, lượng vốn đầu tư nước ngoài sẽ đạt 39-40 tỷ USD, tương đương năm 2023.
Niềm tin đó, trên thực tế, đã được thiết lập từ hơn 35 năm trước, khi Việt Nam bắt đầu mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài và ngày càng được củng cố theo thời gian. Bởi thế, năm ngoái, đã có tới 39,4 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam, tăng 34,5% so với năm 2022. Ngay cả giữa những năm tháng Covid-19 hoành hành, số vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cũng luôn ở mức 20-22 tỷ USD/năm. Việt Nam, vì thế, nằm trong top 20 nền kinh tế thu hút được đầu tư nước ngoài nhiều nhất.
Không chỉ là con số, chất lượng dòng vốn đầu tư nước ngoài cũng ngày càng nâng cao.
Những năm gần đây, đặc biệt là từ đầu năm tới nay, nhiều dự án lớn ở các lĩnh vực bán dẫn, năng lượng (sản xuất pin, tế bào quang điện, thanh silic), sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử, sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng cao đã được đầu tư mới và mở rộng. Việt Nam còn có cơ hội to lớn để thu hút đầu tư trong các lĩnh vực công nghiệp tiên phong, như bán dẫn, AI, hydrogen…
Có nhiều yếu tố giúp Việt Nam ngày càng hấp dẫn và tạo được lòng tin với các nhà đầu tư nước ngoài. Đó là vai trò quan trọng và ngày càng được củng cố trong chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng của các nhà sản xuất đa quốc gia; là tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đang hồi phục tích cực; là kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định…
Chính phủ Việt Nam cũng đang nỗ lực từng ngày để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ các nhà đầu tư đến Việt Nam trên tinh thần “win-win”, vì lợi ích của đất nước, của nhân dân và của cả nhà đầu tư nước ngoài.
Tiềm năng và cơ hội là rất lớn. Niềm tin cũng luôn được củng cố. Nhưng trong bối cảnh cạnh tranh thu hút đầu tư ngày càng gay gắt, để đón bắt được cơ hội lịch sử, nhất là thu hút các dự án trong lĩnh vực công nghệ 4.0, Việt Nam còn phải tiếp tục khắc phục nhiều điểm nghẽn, từ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đến chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện về hạ tầng, đất đai, năng lượng, rồi tiếp tục cải cách, đơn giản hóa thủ tục đầu tư…
Và quan trọng không kém, đó là làm sao để khu vực đầu tư nước ngoài tạo sức lan tỏa mạnh mẽ hơn đến khu vực trong nước, từ đó thúc đẩy chuyển giao công nghệ, đưa doanh nghiệp Việt tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu… Có như vậy, Việt Nam mới thực sự tối ưu hóa lợi ích từ dòng đầu tư nước ngoài.