Gần đây, trên thị trường xuất hiện những đồn đoán về việc CTCK Hồ Chí Minh - HSC (HCM) sắp thực hiện đợt phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.
Chẳng rõ tin đồn này xuất phát từ đâu, nhưng trong buổi tọa đàm trao đổi định hướng kinh doanh 2014 của HSC, Ban lãnh đạo Công ty đã khẳng định, bản thân HSC chưa có kế hoạch tăng vốn cũng như mở rộng mạng lưới trong năm 2014 và đây cũng sẽ là nội dung chính trình ĐHCĐ thường niên sắp tới của HSC.
Tuy nhiên, xu hướng vốn ngoại vào các CTCK không phải không có cơ sở, bởi TTCK Việt Nam đang có mức tăng trưởng đáng kể, cộng thêm việc NĐT nước ngoài hiện đã được phép sở hữu đến 49% hoặc 100% cổ phần của các CTCK trong nước.
Báo cáo gần đây của CTCK ACB (ACBS) đã đưa ra phân tích, TTCK Việt Nam đang tiến đến mức vốn hóa thị trường 100 tỷ USD, giá trị giao dịch hàng ngày ít nhất 100 triệu USD. Đây là ngưỡng để các NĐT nước ngoài so sánh, trong khi những TTCK có vốn hóa và giá trị giao dịch dưới những con số này chỉ được coi là những thị trường non trẻ và không mấy được quan tâm.
Thực tế cho thấy, các NĐT nước ngoài hiện đã sở hữu cổ phần tại nhiều CTCK. Chẳng hạn, tại Maybank Kim Eng, NĐT nước ngoài đang nắm tỷ lệ cổ phiếu 100%, tại KIS là 92%, tỷ lệ nắm giữ khoảng 49% vốn tại các CTCK khác như Hướng Việt, Mirae Asset, Woor CBV,… Đó là chưa kể đến các NĐT nước ngoài đang là cổ đông chiến lược tại các CTCK lớn, như Dragon Capital tại HSC, Daiwa tại SSI. Bên cạnh đó, CTCK VNDIRECT (VNDS) cũng đã hợp tác với ngân hàng đầu tư CIMB trong lĩnh vực nghiên cứu, phân tích thị trường chứng khoán, dịch vụ giao dịch cổ phiếu, tư vấn doanh nghiệp và thị trường vốn. Gần đây, CTCK Kim Long cũng công bố tài liệu họp ĐHCĐ; trong đó, có tờ trình về việc tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài lên 65% trong trường hợp pháp luật cho phép.
Ông Nguyễn Hoài Nam, chuyên viên Phòng Nghiên cứu Phân tích, CTCK Maybank Kim Eng (MBKE) cho rằng, nền kinh tế Việt Nam đã dần ổn định lại và đã xuất hiện những đánh giá lạc quan trong cộng đồng NĐT nước ngoài về triển vọng của TTCK Việt Nam. Mặc dù quy mô thị trường còn nhỏ, nhiều NĐT có tầm nhìn dài hạn đã quyết định “đặt chân” tại đây. Quy định cho phép các tổ chức nước ngoài được lập công ty 100% vốn tại Việt Nam để cung cấp dịch vụ chứng khoán cũng sẽ tạo điều kiện cho NĐT nước ngoài dễ dàng thâu tóm các CTCK trong nước.
Tuy nhiên, ông Nam cho rằng, không nên quá kỳ vọng vào việc NĐT nước ngoài sẽ mua lại CTCK trong nước, vì họ chủ yếu tập trung vào những CTCK tầm trung, do mức độ vốn đầu tư vào các công ty này không lớn.
Ông Nam cũng lưu ý, NĐT nước ngoài sẽ đặc biệt quan tâm tới các công ty có mối quan hệ mạnh với các tập đoàn công nghiệp lớn của Việt Nam, để có thể tham gia vào quá trình IPO của các DN này trong tương lai.
“Họ sẽ không quan tâm tới các CTCK quá nhỏ, vì không thấy có lợi ích gì. Họ cũng không quá quan trọng thương hiệu của CTCK nội địa, vì sau khi mua lại, họ sẽ sử dụng thương hiệu của mình”, ông Nam nói.
Theo ông Nam, M&A là một thách thức lớn, nhưng cũng là một cơ hội tốt để các CTCK nội địa nâng cao năng lực, tính chuyên nghiệp để cạnh tranh với các CTCK nước ngoài. Điều này chắc chắn sẽ giúp cải thiện chất lượng hoạt động của ngành chứng khoán, như nâng cao các chuẩn mực về đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng quản trị công ty.
Báo cáo của ACBS cũng đánh giá, với triển vọng lạc quan của TTCK trong 5 năm tới, hoạt động M&A trong lĩnh vực tài chính dự đoán sẽ rất sôi động.