Nhà đầu tư nước ngoài liên tục tăng vốn đầu tư vào Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
Việc các doanh nghiệp nước ngoài liên tục tăng vốn đầu tư đã cho thấy, họ vẫn có niềm tin kinh doanh vững chắc tại Việt Nam.
Nhà đầu tư nước ngoài vẫn đặt niềm tin vào nền kinh tế, vào môi trường đầu tư của Việt Nam Nhà đầu tư nước ngoài vẫn đặt niềm tin vào nền kinh tế, vào môi trường đầu tư của Việt Nam

Vốn đầu tư tăng thêm bứt tốc, khẳng định niềm tin vững chắc

Báo cáo Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, một trong những điểm tích cực của nền kinh tế trong 4 tháng đầu năm chính là thu hút đầu tư nước ngoài.

“Vốn FDI đăng ký tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần trong 4 tháng tăng 1,9 lần so với cùng kỳ,chủ yếu trong lĩnh vực điện tử, công nghệ cao. Vốn FDI thực hiện tăng 7,6%, phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư nước ngoài vào sự phục hồi tăng trưởng của Việt Nam”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Trước đó, khi công bố số liệu thống kê về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, 4 tháng đầu năm, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt 10,8 tỷ USD, bằng 88,3% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, vốn tăng thêm đạt 5,29 tỷ USD, tăng 92,5% so với cùng kỳ; vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đạt gần 1,83 tỷ USD, tăng 74,5% so với cùng kỳ. Ngược lại, vốn đăng ký đầu tư mới lại giảm.

Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, từ đầu năm tới nay, vốn đăng ký mới chỉ đạt 3,7 tỷ USD, giảm 56,3% so với cùng kỳ. Như vậy, “kéo” tổng vốn đầu tư lên chủ yếu là nhờ vốn tăng thêm và vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần, trong đó đáng chú ý nhất là vốn tăng thêm.

Thực tế, trong các dự án quy mô lớn đăng ký đầu tư vào Việt Nam từ đầu năm đến nay, ngoài dự án cấp mới 1,32 tỷ USD của Lego, hầu hết các dự án còn lại đều là dự án tăng vốn. Chẳng hạn, Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng khu đô thị và dịch vụ VSIP Bắc Ninh (Singapore) - tăng vốn đầu tư thêm gần 941 triệu USD; Dự án của Công ty TNHH Samsung Electro-mechanics Việt Nam (Hàn Quốc) - tăng vốn đầu tư thêm 920 triệu USD; hay Dự án của Goertek (Hồng Kông) - tăng vốn thêm 306 triệu USD.

“Điều này đã cho thấy nhà đầu tư nước ngoài vẫn đặt niềm tin vào nền kinh tế, vào môi trường đầu tư của Việt Nam”, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài bình luận.

Bình luận này của ông Hoàng khá tương đồng với các kết quả nghiên cứu được đề cập trong Báo cáo Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2021, mà Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố hôm 27/4.

Báo cáo PCI 2021 cho biết, dù chịu những tác động tiêu cực từ dịch Covid-19, nhưng các doanh nghiệp nước ngoài vẫn có niềm tin kinh doanh vững chắc tại Việt Nam. Sau sự sụt giảm đáng kể vào năm 2020, khi chỉ có 40,8% doanh nghiệp dự kiến mở rộng quy mô kinh doanh trong 2 năm tiếp theo, thì Điều tra PCI-FDI 2021 ghi nhận tỷ lệ doanh nghiệp FDI có kế hoạch mở rộng quy mô hoạt động tại Việt Nam là 47,7%.

“Sự lạc quan trở lại của các doanh nghiệp FDI được quan sát thấy ở hầu hết các ngành nghề, dù là doanh nghiệp định hướng thị trường xuất khẩu hay thị trường nội địa”, Nhóm nghiên cứu PCI nhận xét.

Kết quả nghiên cứu cũng cho biết, trong số 22 tỉnh, thành phố có doanh nghiệp FDI tham gia Điều tra PCI-FDI 2021, 3 tỉnh, thành phố tại vùng Đồng bằng sông Hồng có tỷ lệ doanh nghiệp dự kiến mở rộng quy mô cao nhất là Hà Nam (65,4%), Quảng Ninh (65%) và Hải Phòng (60%). Vùng miền núi phía Bắc có hai đại diện trong nhóm 5 tỉnh, thành phố có tỷ lệ doanh nghiệp FDI dự định mở rộng quy mô cao nhất, bao gồm Thái Nguyên (59,3%) và Bắc Giang (58,1%).

Vẫn rộng cửa thu hút đầu tư

Mặc dù vốn đầu tư mới giảm khá mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, song theo Cục Đầu tư nước ngoài, nguyên nhân chủ yếu là cùng thời điểm này năm 2021, nhiều dự án quy mô lớn được cấp chứng nhận đầu tư. Trong đó, đáng chú ý có các dự án như Điện khí Long An I và II, vốn đầu tư trên 3,1 tỷ USD, hay Dự án Nhiệt điện Ô Môn II, vốn đầu tư trên 1,3 tỷ USD. Năm nay, mới có duy nhất dự án tỷ USD của Lego.

Ở góc nhìn lạc quan hơn, Cục Đầu tư nước ngoài đã nhắc đến số lượng dự án đầu tư mới trong 4 tháng đầu năm tăng nhẹ 0,7%. Điều đó cũng có nghĩa, nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang tìm đến. Không chỉ vậy, số lượt dự án điều chỉnh vốn cũng có xu hướng tăng đều trong các tháng đầu năm. “Việc mở cửa các đường bay quốc tế từ ngày 15/3 sẽ tác động tích cực đến dòng vốn đầu tư trong thời gian tới”, ông Đỗ Nhất Hoàng nhận xét.

Đây là điều đã được nhắc đến lâu nay. Không chỉ từ phía Việt Nam, mà nhận định của các tổ chức quốc tế, bao gồm cả Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đều bày tỏ sự tin tưởng rằng, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng tốc và rằng, khu vực FDI sẽ tiếp tục đóng vai trò động lực cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Dù cơ hội là có thật, song kết quả nghiên cứu của PCI-FDI2021 cho thấy, vẫn còn nhiều điều Việt Nam cần phải cải cách, cho dù các doanh nghiệp FDI đã ngày càng có những đánh giá tích cực hơn về môi trường kinh doanh Việt Nam. Đó là gánh nặng thanh, kiểm tra đã giảm, cùng với những chuyển biến tương đối tích cực trong cải cách thủ tục hành chính trong nhiều lĩnh vực. Gánh nặng chi phí không chính thức tiếp tục xu hướng giảm. Chất lượng lao động và chất lượng hạ tầng cũng có những cải thiện tương đối rõ rệt theo thời gian...

“Tuy nhiên, vẫn cần tập trung cải cách những lĩnh vực thủ tục hành chính vẫn còn có tỷ lệ doanh nghiệp gặp phiền hà tương đối cao, như thuế, phòng cháy, xuất nhập khẩu, đăng ký đầu tư và bảo hiểm xã hội. Việt Nam cũng cần tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp trong thực hiện các thủ tục triển khai dự án đầu tư có công trình xây dựng, cụ thể là cấp phép xây dựng, thẩm duyệt phòng cháy, đánh giá tác động môi trường. Công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực cần tiếp tục đẩy mạnh, đặc biệt trong một số lĩnh vực như xuất nhập khẩu, thanh kiểm tra, thủ tục tố tụng tòa án và thủ tục hành chính đất đai”, Nhóm nghiên cứu PCI khuyến nghị.

Tất nhiên, cũng không thể không nhắc tới những cải cách mang tính dài hơi hơn, như chất lượng hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực...

Nguyên Đức
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục