Nhà đầu tư Nhật vẫn quan tâm đến TTCK Việt Nam

(ĐTCK-online) Ấn tượng về Nhật Bản trong chuyến thực địa của tác giả vào giữa năm 2007 là lãi suất trên thị trường tiền tệ nước này rất thấp, dao động từ 0,1-0,2%/năm và nhiều người dân Nhật Bản quan tâm đến cơ hội đầu tư trên TTCK Việt Nam - khi đó đang diễn biến nóng bỏng. Hiện nay, mức độ quan tâm đến TTCK Việt Nam của người dân Nhật Bản ra sao, là nội dung chính trong cuộc trao đổi của ĐTCK với ông Takashi Hibino, Giám đốc kiêm Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn Chứng khoán Daiwa (DSGI).

Tháng 5/2008, Viện Nghiên cứu Daiwa (Hồng Kông) đưa ra một báo cáo bi quan về nền kinh tế Việt Nam , nhưng chỉ sau đó 1 tháng (ngày 24/6/2008), DSGI lại chính thức ký thoả thuận hợp tác chiến lược với SSI. Xin ông giải thích về hành động này?

Thực tế, báo cáo của Viện Nghiên cứu Daiwa nói chung và bản báo cáo đưa ra vào tháng 5 về Việt Nam nói riêng được xây dựng một cách độc lập với quan điểm của Tập đoàn Daiwa. Cá nhân tôi cũng không đồng tình với những nhận định của Viện Nghiên cứu Daiwa về Việt Nam trong Bản báo cáo tháng 5, có thể là vì báo cáo này được làm trong thời gian ngắn và chỉ phản ánh quan điểm của một số chuyên gia nghiên cứu. Tuy nhiên, xét về dài hạn thì cái nhìn của chúng tôi và Viện Nghiên cứu là giống nhau khi cho rằng, Việt Nam là địa điểm đáng để đầu tư.

Về việc đầu tư vào SSI 2 bên đã thương thảo từ lâu, bởi chúng tôi có mục tiêu và giá trị tương đồng. Với thoả thuận chính thức này, DSGI sẽ đẩy mạnh hợp tác với SSI lên một tầm cao mới bằng việc đầu tư tối thiểu 10% cổ phần của SSI và sẽ cử một thành viên tham gia HĐQT SSI. DSGI cam kết sẽ hỗ trợ SSI về  kỹ thuật, công nghệ, đào tạo nhân lực, đa dạng hóa sản phẩm và phát triển thị trường Nhật Bản.

 

Ông bình luận gì về giới hạn tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà ĐTNN trong DN niêm yết Việt Nam hiện nay (49%)? Ngoài SSI, DSGI nhắm đến loại DN nào trong việc tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam ?

Tỷ lệ sở hữu tối đa 49% trên thị trường niêm yết tại Việt Nam là tương đối mở đối với nhà ĐTNN. Tại Trung Quốc, room cho nhà ĐTNN trên thị trường niêm yết chính chỉ có 33%. Ngoài ra, Việt Nam đang trong quá trình thực hiện các cam kết của một nền kinh tế mở khi gia nhập WTO, nên trong tương lai, room cho nhà ĐTNN sẽ còn mở rộng. Hiện tại, chúng tôi không nhận thấy có sự hạn chế đáng phàn nàn nào đối với nhà ĐTNN khi muốn đầu tư vào TTCK Việt Nam .

Việc đầu tư của DSGI tại Việt Nam , chúng tôi chọn duy nhất SSI làm đối tác chiến lược, các cơ hội đầu tư khác sẽ được lựa chọn theo hình thức đầu tư tài chính. Cơ hội mà chúng tôi chờ đợi là mua cổ phần của các công ty tư nhân có đội ngũ lãnh đạo năng động, sáng tạo.

 

Nếu so với tháng 5/2007 thì TTCK Việt Nam hiện nay đã giảm khoảng 60%. Xin ông cho biết mức độ quan tâm của người dân Nhật đến Việt Nam hiện có khác gì so với 1 năm trước đây?

Năm 2007, TTCK Việt Nam tăng trưởng rất ấn tượng, thu hút được sự chú ý của nhiều người dân Nhật. Hiện nay, TTCK Việt Nam đi xuống nhiều, nên người Nhật cũng nhìn nhận cơ hội đầu tư vào Việt Nam một cách thận trọng hơn. Nhìn chung, các tổ chức đầu tư lớn chưa thể hiện nhiều sự quan tâm đến Việt Nam , do quy mô TTCK còn nhỏ, trong khi các thương vụ đầu tư của những tổ chức này thường có giá trị hàng tỷ USD. Theo tôi, nhiều tổ chức đầu tư Nhật vẫn đang chờ đợi cơ hội đầu tư vào những DNNN lớn cổ phần hoá tại Việt Nam .

Nhà đầu tư cá nhân Nhật Bản có sự quan tâm nhiều hơn đến TTCK Việt Nam trong mối quan tâm chung đến cơ hội đầu tư vào các TTCK nước ngoài, bởi lãi suất trái phiếu chính phủ tại Nhật Bản tuy đã tăng khoảng 0,5% so với cách đây 1 năm, nhưng vẫn rất thấp so với nhiều nước trong khu vực.

 

Với kinh nghiệm lãnh đạo tập đoàn chứng khoán lớn thứ hai tại Nhật Bản (sau Normura), xin ông cho biết, yếu tố nào là quan trọng nhất trong việc tạo nên sức mạnh cạnh tranh của một CTCK?

Yếu tố quan trọng nhất là con người, đặc biệt là người lãnh đạo. Chúng tôi cũng trải qua 2 cuộc khủng hoảng kinh tế tại Nhật Bản (năm 1960 và 1990), nhưng sau đó vẫn phát triển như ngày nay (Tập đoàn Daiwa thành lập năm 1943, hiện có vốn điều lệ 1, 783 tỷ USD, doanh thu năm 2007 đạt 8 tỷ USD, lợi nhuận sau thuế 901 triệu USD, tổng tài sản khoảng 144 tỷ USD). Ngành chứng khoán có liên quan chặt chẽ đến kinh tế vĩ mô, nên việc phải đối mặt với những thăng trầm của nền kinh tế là điều các CTCK không thể tránh khỏi. Một người lãnh đạo tốt là người cảm nhận trước được diễn biến chung của nền kinh tế để có thể ứng biến kịp thời các kế hoạch kinh doanh của DN mình cho phù hợp với xu thế chung này. Tại Daiwa, khi chúng tôi đầu tư vào đâu, là chúng tôi đầu tư vào lãnh đạo của tập đoàn ấy.

 

Tường Vi thực hiện.
Tường Vi thực hiện.

Tin cùng chuyên mục