Nhà đầu tư ngoại xuống tiền M&A

(ĐTCK) Trong bối cảnh khát vốn, các thương vụ nhà đầu tư nước ngoài bơm tiền vào doanh nghiệp Việt Nam được đặc biệt quan tâm, vì tiếp nhận dòng vốn đúng lúc, đúng thời điểm sẽ giúp doanh nghiệp có sức bật mới.

Theo nguồn tin từ hãng tin Bloomberg, VPBank đang ở giai đoạn thương lượng cuối cùng để phát hành 15% vốn cho đối tác ngoại, với quy mô thương vụ khoảng 1,4 tỷ USD. Cổ phiếu VPBank đã có phiên giao dịch bùng nổ đầu tuần trước nhờ thông tin trên. Bên mua là Công ty Tài chính tiêu dùng SMBC, một đơn vị trực thuộc Sumitomo Mitsui, với giá dự kiến là 32.000 - 33.000 đồng/cổ phiếu. Thỏa thuận dự kiến được ký kết vào cuối tháng này.

VPBank đang ở giai đoạn thương lượng cuối cùng để phát hành 15% vốn cho đối tác ngoại, với quy mô thương vụ khoảng 1,4 tỷ USD.

Trong cuộc gặp gần đây với nhà đầu tư, lãnh đạo VPBank cũng khẳng định kế hoạch phát hành riêng lẻ 15% cho nhà đầu tư chiến lược đang rất tích cực và sẽ được thực hiện trong năm 2023.

Công ty Chứng khoán VNDirect ước tính, nếu thương vụ thành công, tỷ lệ CAR (an toàn vốn) của VPBank ước tính được nâng lên mức 20,5%, so với 14,8% cuối năm 2022, là tiêu chí để VPB có khả năng nhận được room tín dụng cao hơn trong năm 2023.

Nếu thành công, đây cũng là một trong những thương vụ M&A mảng tài chính có quy mô lớn trong khu vực ASEAN trong 2 năm trở lại đây.

Trên sàn chứng khoán, nhóm dược phẩm vốn không được dòng tiền chú ý nhiều, chủ yếu vì thanh khoản thấp (cổ đông cô đặc, hầu hết đều có đối tác nước ngoài sở hữu chi phối) thì gần đây, diễn biến mới đang được một số nhà đầu tư quan tâm là Công ty cổ phần Dược Trang thiết bị y tế Bình Định (Bidiphar, mã DBD) khả năng sẽ có đối tác ngoại tham gia.

Theo nguồn tin của Báo Đầu tư Chứng khoán, nhiều nhà đầu tư nước ngoài (là các tổ chức tài chính, các tập đoàn dược phẩm nước ngoài) có sự quan tâm, tìm hiểu Bidiphar. Một số công ty chứng khoán và quỹ đầu tư cũng đang có động thái gom cổ phiếu này.

Bidiphar là một trong số ít công ty nội địa hàng đầu về sản xuất thuốc điều trị ung thư và dung dịch thẩm phân máu. Nhà máy sản xuất thuốc điều trị ung thư Nhơn Hội của Bidiphar kỳ vọng sẽ được phê duyệt tiêu chuẩn EU-GMP trong năm 2023, giúp Công ty bước chân vào phân khúc thuốc cao cấp, tăng năng lực đấu thầu vào kênh ETC.

Ghi nhận thông tin từ công ty chứng khoán sau các cuộc gặp gỡ với nhà đầu tư, Bidiphar nằm trong kế hoạch Nhà nước thoái vốn giai đoạn 2022 - 2025 (hiện Nhà nước đang sở hữu 13% cổ phần của Bidiphar). Bên cạnh đó, Công ty sẽ lựa chọn một số cổ đông chiến lược tiềm năng trong thời gian tới.

Thương vụ chào bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược của Tập đoàn Lộc Trời (mã LTG) cũng đang chờ đợi chuyển động mới. Tập đoàn này lên kế hoạch chào bán 10 triệu cổ phần riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược, tương ứng tỷ lệ 12,4% tổng số cổ phiếu đang lưu hành hiện nay. Đối tượng phát hành là tổ chức, cá nhân có tiềm lực tài chính, có khả năng hỗ trợ cho sự phát triển của Lộc Trời và có cam kết hợp tác với Công ty trong thời gian ít nhất 5 năm. Lộc Trời muốn nhắm đến đối tác trong lĩnh vực nông nghiệp ở nước ngoài.

Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư cuối tháng 2, Tập đoàn Bamboo Capital (mã BCG) cho biết vẫn tiếp tục thực hiện kế hoạch chào bán hơn 266,73 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 2:1, với mức giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Trong trường hợp nhà đầu tư hiện hữu không cảm thấy hấp dẫn, Tập đoàn sẽ làm việc với các nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư nước ngoài để kế hoạch tăng vốn khả thi.

Theo một số chuyên gia, những thông tin trên đây một mặt chứng tỏ thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn duy trì sức hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài, mặt khác cũng góp phần nâng cao chất lượng và sự chuyên nghiệp của thị trường vốn.

Một điểm khá cơ bản mà các nhà đầu tư nước ngoài ưa thích là đầu tư vào các doanh nghiệp hưởng lợi từ quy mô dân số Việt Nam. Với triển vọng gia tăng thu nhập trung bình, các ngành như dịch vụ, tiêu dùng, bán lẻ, thực phẩm đồ uống… sẽ hưởng lợi thế tăng trưởng tự nhiên từ quy mô dân số.

Các nhà đầu tư nước ngoài với xu hướng nắm giữ dài hạn thường lựa chọn các cổ phiếu doanh nghiệp đầu ngành, có lợi thế về quy mô và quan trọng là minh bạch trong công bố thông tin cũng như công tác quản trị doanh nghiệp.

Việc VPBank có thể bán vốn cho SMBC với mức giá thấp hơn các lần đồn đoán trước cho thấy thị trường đang trong khu vực định giá hợp lý, chỉ cần thêm một số động lực tích cực nữa về vĩ mô là bứt phá.

Phan Hằng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục