Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã đầu tư vào lĩnh vực tài chính - ngân hàng Việt Nam. Xu hướng vốn Nhật tham gia vào thị trường Việt Nam hiện nay ra sao, theo ông?
Hiện tại, cả 3 ngân hàng lớn Nhật Bản đều đang là cổ đông chiến lược của các ngân hàng Việt Nam, đó là Mizuho sở hữu 15% cổ phần Vietcombank, Sumitomo Mitsui Banking Corporation - SMBC nắm giữ 15% cổ phần Eximbank, Mistubishi UFJ Financial Group nắm giữ gần 20% cổ phần VietinBank (muốn nâng tỷ lệ sở hữu lên mức 50%). Ngoài ra, 2 tên tuổi trong ngành tài chính Nhật Bản khác là Credit Saison và Shinsei Bank cũng đã hợp tác với 2 đối tác Việt Nam là HDBank và MBBank để ra mắt 2 công ty tài chính tiêu dùng HD Saison và MCredit.
Đối với các ngân hàng và công ty tài chính Nhật Bản đến sau, việc bắt kịp những doanh nghiệp kể trên là không dễ dàng. Tuy vậy, tôi cho rằng, các công ty bán lẻ Nhật Bản, kể cả những nhà điều hành chuỗi cửa hàng tiện lợi - vốn là những đơn vị từng đầu tư mạnh mẽ vào mảng tài chính tiêu dùng ở Nhật Bản, sẽ tìm ra cách để mở rộng kinh doanh tài chính tại Việt Nam nếu muốn, dựa trên mạng lưới cửa hàng bán lẻ rộng khắp của họ.
Hai nền kinh tế - văn hóa Nhật Bản và Việt Nam đang ngày càng gần nhau hơn. Nhân lực Việt Nam tham gia các hoạt động kinh tế của Nhật Bản ngày càng nhiều. Các công ty Nhật ngày càng thuê nhiều người Việt tham gia vào chuỗi sản xuất. Đó là những yếu tố thuận lợi, là môi trường tốt cho hoạt động M&A phát triển.
Tuy nhiên, doanh nghiệp và nhà đầu tư Nhật Bản đòi hỏi cao về quản trị, sự tuân thủ cũng như tính minh bạch. Do đó, họ sẽ ưu tiên các hoạt động M&A đối với các doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng được các yêu cầu này. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Nhật cũng đang đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia châu Á khác, điển hình là các doanh nghiệp Hàn Quốc đang hiện diện ngày một nhiều hơn tại Việt Nam.
Theo ông, hiện đâu là rào cản trong việc hút vốn ngoại vào lĩnh vực tài chính - ngân hàng Việt Nam và điều được nhà đầu tư mong đợi nhất để tháo gỡ rào cản đó là gì?
Bên cạnh yêu cầu ngày càng cao đối với cổ đông chiến lược nước ngoài, tỷ lệ sở hữu (room) của nhà đầu tư ngoại ở lĩnh vực này chính là rào cản lớn nhất trong việc thu hút vốn ngoại của các ngân hàng Việt Nam. Hoạt động M&A lĩnh vực tài - chính ngân hàng tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ khởi sắc khi hiệu quả kinh doanh của các ngân hàng đã cải thiện đáng kể và quy định của Ngân hàng Nhà nước về chuẩn mực vốn theo Hiệp định Basel II được áp dụng kể từ năm 2020 giúp tình hình tài chính các ngân hàng lạnh mạnh hơn.
Để tăng sức hút dòng vốn ngoại, giới hạn sở hữu nước ngoài tại các ngân hàng trong nước, nhất là các ngân hàng có năng lực tốt, cần được nâng từ mức 30% như hiện tại lên 49%, thậm chí cao hơn. Lý do bởi, nhà đầu tư nước ngoài sẽ không thoải mái khi đầu tư vốn và công nghệ vào doanh nghiệp mà họ không thể đảm bảo quyền kiểm soát, trong khi các công ty trong nước cần nguồn lực để đầu tư vào các dịch vụ tài chính tiên tiến.
Ông đánh giá thế nào về triển vọng thu hút vốn ngoại nói chung, vốn Nhật nói riêng, của ngành tài chính Việt?
Việt Nam với dân số đông và trẻ, nên nhu cầu về dịch vụ tài chính tiêu dùng là rất lớn. Tuy nhiên, những quy định pháp lý như giới hạn về giấy phép kinh doanh hay hạn chế vốn đầu tư nước ngoài đang là rào cản phát triển dịch vụ này. Các ngân hàng cũng bị kiểm soát chặt chẽ trong việc cho vay tiêu dùng. Do đó, quy mô của thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam hiện còn tương đối nhỏ so những nền kinh tế khác trong khu vực ASEAN.
Các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Nhật Bản, luôn muốn tham gia và mở rộng hoạt động kinh doanh tại thị trường tài chính tiêu dùng giàu tiềm năng như Việt Nam. Tuy nhiên, các công ty mục tiêu M&A trong lĩnh vực này đang ngày một hạn chế, khi sẽ có thêm những công ty nước ngoài muốn đầu tư mới và các công ty fintech trong nước cũng đang nỗ lực để giành thị phần trong lĩnh vực giàu tiềm năng này. Do đó, những công ty trong nước, kể cả các ngân hàng hàng thương mại, sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
Việc hợp nhất trong ngành tài chính là điều không thể tránh khỏi ở mọi quốc gia và Nhật Bản cũng không ngoại lệ. Hệ thống ngân hàng Việt Nam - vốn bị chi phối bởi một số ngân hàng có vốn nhà nước và ngân hàng tư nhân lớn, sẽ phải đối mặt với xu hướng tương tự. Các dịch vụ tài chính tiên tiến đã xuất hiện và bắt đầu cạnh tranh với các dịch vụ ngân hàng truyền thống. Tại Nhật Bản và nhiều nơi khác, các ngân hàng lớn đã bắt đầu giảm số lượng chi nhánh, điểm ATM và lực lượng lao động khi "luật chơi" trong ngành này thay đổi. Ngành tài chính Việt sẽ ngày càng cạnh tranh, nên nhà đầu tư nước ngoài cũng sẽ nỗ lực hơn để tham gia thị trường này, bất chấp những rào cản.